Nghịch lý tuyển sinh đại học 2021: Thí sinh điểm cao vẫn trượt, trường không tuyển đủ chỉ tiêu

Chia sẻ

Trái với dự đoán ban đầu, kết thúc đợt 1 xét tuyển, hàng loạt trường đại học, trong đó có cả đại học top đầu đã thông báo tuyển sinh bổ sung. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dấu hiệu bất thường trong kỳ tuyển sinh năm nay khi nhiều thí sinh điểm cao thì trượt còn các trường đại học lại không tuyển đủ chỉ tiêu.

Kỳ tuyển sinh đại học năm 2021 được cho là có nhiều điểm bất bình thường, nhiều thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển. Ảnh minh họaKỳ tuyển sinh đại học năm 2021 được cho là có nhiều điểm bất bình thường, nhiều thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển. Ảnh minh họa

Thừa thãi nguyện vọng bổ sung

Là đại học nằm trong nhóm trường top đầu cả nước, trường đại học Xây dựng Hà Nội vừa thông báo xét tuyển bổ sung 120 chỉ tiêu ở 6 ngành đào tạo với mức điểm xét tuyển từ 18 trở lên. Trường đại học Quốc tế thuộc đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng tuyển bổ sung 150 chỉ tiêu vào 6 ngành do trường cấp bằng và 480 chỉ tiêu vào 22 ngành chương trình liên kết quốc tế theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Học viện Hàng không Việt Nam tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu vào ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.

Không chỉ trường lớn, nhiều nhóm ngành vốn được cho là hot, tỷ lệ chọi cao như Y, Dược năm nay cũng thiếu người học. Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã phải thông báo tuyển hơn 100 chỉ tiêu cho 5 ngành khối sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật hình ảnh y học, khúc xạ nhãn khoa và Y tế công cộng. Khoa Y, đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng xét tuyển bổ sung 3 ngành đại học hệ chính quy gồm: Y khoa, Dược học và Răng - Hàm - Mặt (chương trình chất lượng cao). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển bổ sung ngành Y khoa, Dược học, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Cùng với trường lớn, ngành hót, chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung tại nhiều trường cũng rất lớn, trên dưới 500 như trường đại học Nguyễn Tất Thành tuyển 500 chỉ tiêu vào các ngành theo phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2021, xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021. Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM tuyển bổ sung 525 chỉ tiêu vào 13 ngành theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2021. Trường đại học Khoa học tuyển bổ sung 490 em, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển dao động 15-20 điểm.

Bên cạnh nhóm trường tuyển bổ sung do chưa tuyển đủ chỉ tiêu, trong bối cảnh nhiều thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, nhiều trường đã xem xét tuyển bổ sung để “cứu” nhóm đối tượng này. Chẳng hạn trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh xét tuyển thẳng thí sinh dự thi THPT năm 2021 chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển trong đợt 1 mà chưa xác nhận nhập học (chưa nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi THPT 2021) với điều kiện điểm nhận hồ sơ không được thấp hơn 26,75 (tổ hợp không có môn Tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn Tiếng Anh). Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh tuyển thêm 5% chỉ tiêu đối với thí sinh có điểm trung bình cộng 3 năm THPT từ 8,0 trở lên và chưa nhập học vào bất cứ trường nào trong năm nay. Trường ĐH Luật Hà Nội cũng tăng thêm 10% chỉ tiêu tuyển sinh dành cho đối tượng thí sinh điểm cao bị trượt đại học dù sau đợt 1 tuyển sinh, trường đã có đủ chỉ tiêu…

Rối do quá nhiều phương thức tuyển sinh

Theo ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ đổi mới giáo dục, Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh năm nay bộc lộ quá nhiều điểm bất thường. Về phần thi, đỉnh phổ điểm các môn thi không đối xứng, có xu hướng lệch về bên phải, nghĩa là khẳng định nhiều thí sinh đạt điểm cao. Rõ ràng ngân hàng đề thi không ổn định và không đủ khả năng đánh giá đúng chất lượng học tập của thí sinh. Về phần tuyển, hầu hết các ngành có điểm chuẩn đều tăng, tăng tới 11 điểm, dẫn đến điểm chuẩn kỳ lạ, trên 30 điểm. Từ đó, bất thường sẽ xảy ra, hàng trăm thí sinh dù đạt trên 29,5 vẫn trượt nguyện vọng 1.

Bên cạnh đó, khâu xây dựng đề án tuyển sinh ở một số trường đại học còn lộn xộn, không nghĩ tới toàn cục. Tuyển thẳng quá nhiều, dẫn tới số thí sinh tuyển qua điểm thi còn ít dẫn tới nhiều thí sinh phải cạnh tranh cơ hội vào đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT… Có trường lấy tiêu chí rất lạ, như lấy chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ để quy đổi ra điểm thi. Việc duy trì cộng điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng chính sách, từ đó điểm chuẩn tăng cao. Nhiều thí sinh bỏ ôn thi tốt nghiệp, chuyển sang học cấp tốc, thi lấy chứng chỉ đồng thời “làm đẹp” học bạ để xét tuyển thẳng hoặc cộng thêm điểm ưu đãi. Quá coi trọng và tin tưởng độ chuẩn xác điểm học bạ để tuyển sinh. Điểm học bạ là đánh giá của nhà trường, còn điểm thi tốt nghiệp là đánh giá qua kỳ thi quốc gia. Đây là hai hệ thống đánh giá khác nhau nên việc một lấy điểm học bạ với hệ số 3 để tham gia vào tính điểm thi tốt nghiệp là chưa hợp lý. Ngoài ra, việc thí sinh đổ xô lựa chọn những ngành học “hot”, hấp dẫn khiến điểm chuẩn ở một số ngành năm nay tăng đột biến.

Ông Ân cho rằng, các trường đại học được tự chủ tuyển sinh, nhưng không có nghĩa Bộ GD-ĐT coi nhẹ chức năng quản lý nhà nước của mình. Bộ cần xem xét, cân nhắc phê duyệt kỹ đề án tuyển sinh của từng trường, đảm bảo việc hài hòa chỉ tiêu tuyển sinh, các ngành nghề, tỷ lệ tuyển thẳng, điểm ưu tiên, tỷ lệ tuyển qua học bạ và cân bằng các phương thức tuyển dựa trên các tiêu chí hoặc thi tuyển khác nhau. Hàng năm học sinh được thi nhiều lần, từ đó lựa chọn trường đại học phù hợp nộp hồ sơ tuyển. Bằng cách này học sinh tự phân loại, sàng lọc, tự tin nộp hồ sơ, sẽ không có hồ sơ ảo và sức ép thi cử giảm đi đáng kể. Phương thức thi nhiều lần, tuyển nhiều đợt đã có tiền lệ ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển tiên tiến, nhất là ở bậc đại học.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT cho rằng không nên để các trường tuyển sinh kiểu "trăm hoa đua nở", trường nào cũng tổ chức thi tuyển sinh. Tới đây, chúng ta có thể theo hướng tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực như của 2 đại học Quốc gia để tuyển sinh chung theo nhóm trường.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, đã đến lúc các trường “top” trên phải có kỳ thi riêng - như đánh giá năng lực mà hai ĐH Quóc gia đang làm để phụ vụ tuyển sinh.

TRẦN NGỌC HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.