Xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn:

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy?

Bài và ảnh: HOÀNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Báo Phụ nữ Thủ đô số 44 ra ngày 30/10/2024 có bài “Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?” ghi nhận tình trạng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn có bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép. Đến nay, bạn đọc của Báo phản ánh, các cơ sở vi phạm tiếp tục hoạt động rầm rộ, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Cảng tự phát Hòa Bình, vi phạm chỉ được xử lý trên giấy? - ảnh 1
Trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên hoạt động.

Vi phạm ngang nhiên hoạt động
Sau bài báo "Huyện Sóc Sơn (Hà Nội): Bao giờ xử lý triệt để vi phạm tại cảng Hòa Bình?", bạn đọc tiếp tục phản ánh bức xúc về hoạt động rầm rộ của các cơ sở tại cảng tự phát mang tên thôn Hoà Bình. Ghi nhận của PV vào những ngày cuối tháng 11/2024, trên Quốc lộ 3, đoạn đường tỉnh 296 qua địa bàn xã Trung Giã, hàng loạt xe tải trọng lớn ra vào cảng Hoà Bình vận chuyển than, cát, sỏi; phía ngoài sông cũng có một số tàu chở hàng cỡ lớn neo đậu chờ cập cảng.

Tại khu vực cảng Hoà Bình, cùng với 3 bãi tập kết vật liệu xây dựng than, cát, còn có 2 trạm trộn bê tông quy mô lớn đến hơn 10.000m2, chiều dài chừng 400m, bám sát bờ sông, gần ngã ba sông Công - sông Cầu; trên cảng có nhiều cẩu trục được lắp đặt cố định, nhiều máy xúc đang hoạt động, có một số nhà xưởng lợp tôn và tập kết nhiều gạch; cùng hàng loạt xe tải trọng lớn ra vào cảng.

Được biết, 2 trạm trộn này có tên là An Phát và Phong Sơn của Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Phong Sơn, do ông Vũ Trung Hiếu quản lý. Ông Hiếu cũng là chủ nhân của bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép ở cảng Hoà Bình.

Thời điểm cuối năm này, 2 trạm trộn bê tông thương phẩm hoạt động với cường độ cao, xe bồn chở bê tông ra vào nhiều, thường xuyên kéo theo đất, cát, gây bụi mù mịt trên tuyến đường dân sinh; cùng đó là nước thải xả thẳng ra môi trường gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước xung quanh.

Chính quyền có làm ngơ cho vi phạm?
Lý giải về bức xúc của người dân, liên quan đến 2 trạm trộn bê tông này, Chủ tịch UBND xã Trung Giã Khổng Văn Hoàn cho biết: Cả 2 trạm trộn bê tông đều của hộ gia đình ông Vũ Trung Hiếu. Khu vực này cũng vướng mắc liên quan đến việc chưa làm được hồ sơ thuê đất nên chưa có giấy phép hoạt động. Về vấn đề ô nhiễm môi trường như người dân phản ánh, ông Hoàn thừa nhận: “Tất nhiên là có ô nhiễm, nhưng đảm bảo 100% thì không có đơn vị nào làm được”.

Làm rõ về công tác quản lý và trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để 2 trạm trộn bê tông quy mô lớn đang hoạt động không phép tại cảng tự phát và đánh giá tác động môi trường như thế nào, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn khẳng định, trạm trộn bê tông đó đang treo biển thanh lý, đã dừng hoạt động lâu rồi. Với phản ánh của PV, ông Toàn sẽ cho kiểm tra lại.

Về việc xử lý vi phạm của các cơ sở đang hoạt động sản xuất bê tông không phép, ông Toàn cho rằng đây là vi phạm cũ và nhấn mạnh: “Không thể đi xử lý những vi phạm cũ. Trên địa bàn cả nước này, nếu xử lý các vi phạm từ giai đoạn 2014 trở về trước, thì có mà cứ ăn rồi đi xử lý cũng không xong”(?).

Không chỉ tồn tại trên đất nông nghiệp, các hoạt động tập kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông ở cảng Hòa Bình còn đang nằm trong khu vực thoát lũ của sông Cầu. Bởi vậy, những vi phạm đang diễn ra ngang nhiên còn liên quan đến việc đảm bảo hành lang thoát lũ, đảm bảo an ninh đê điều. 

Trước thực trạng trên, dư luận trong nhân dân không khỏi đặt ra nghi vấn “Phải chăng có sự bảo kê, làm ngơ cho vi phạm?”, “vi phạm to, hoạt động rầm rộ mà các cơ quan chức năng không biết hay cố tình làm ngơ”?

Với những lý giải của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn và Chủ tịch UBND xã Trung Giã cho thấy dấu hiệu né tránh trách nhiệm khi để các vi phạm diễn ra trong thời gian dài. Chủ tịch UBND xã Trung Giã Khổng Văn Hoàn khẳng định đã nhiều lần báo cáo UBND huyện và các đơn vị chức năng. Còn lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn cho hay, hiện đang “chờ” phương án xử lý của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vì Sở đã tiến hành thanh tra tại khu vực cảng Hoà Bình này.

Để làm rõ nội dung các vấn đề nêu trên, PV Báo Phụ nữ Thủ đô đã đặt lịch làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tuy nhiên, hơn 1 tháng trôi qua, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng, ngày 19/8/2024, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 2727 về tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên toàn Thành phố, yêu cầu tăng cường xử lý vi phạm tại các bến bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông.

Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-HĐND về thành lập Đoàn giám sát về công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống trên địa bàn Thành phố. Đoàn giám sát với mục đích xem xét, đánh giá việc thực hiện công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn Hà Nội từ năm 2021 đến nay.

Với vi phạm tại cảng Hoà Bình, hơn 4 năm trước, ngày 20/3/2020, UBND xã Trung Giã đã có quyết định số 111/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường với ông Nguyễn Quốc Hùng. Tiếp đến, ngày 4/4/2023, UBND huyện Sóc Sơn cũng đã có Quyết định số 1706/QĐ-XPVPHC với ông Nguyễn Quốc Hùng cũng về nội dung trên. Tại quyết định này, huyện Sóc Sơn nêu: “Đình chỉ hoạt động nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở 3 tháng; buộc khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường…”. 

Đáng nói là, các quyết định xử lý vi phạm đã được ban hành, tuy nhiên hiện các công trình vi phạm tại khu vực cảng Hoà Bình, xã Trung Giã vẫn ngang nhiên tồn tại, gây bức xúc trong dư luận nhân dân!?

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.
“Gỡ khó” trong bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng

“Gỡ khó” trong bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng

(PNTĐ) - Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn do chế độ bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng khác với Luật Đất đai 2013 và các quy định trước đó. Đặc biệt là các trường hợp hỗ trợ bị giảm về không đồng (0 đồng), chênh lệch trên cùng dự án, gây bức xúc trong nhân dân.
10 năm vẫn ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường

10 năm vẫn ngổn ngang gây ô nhiễm môi trường

(PNTĐ) - Không chỉ người dân sinh sống ở hai bên đường dọc bờ kênh La Khê, quận Hà Đông mà hàng nghìn người đi qua tuyến đường Ngô Quyền, phường La Khê mỗi ngày đều cảm thấy bức xúc trước tình trạng bụi, rác thải ô nhiễm môi trường và ùn tắc đường kéo dài do công trình thi công dở dang.
Kè ao đường cổng làng cổ Đường Lâm sạt lở, gây nguy hiểm

Kè ao đường cổng làng cổ Đường Lâm sạt lở, gây nguy hiểm

(PNTĐ) - Nhiều du khách đến với điểm du lịch làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây bên cạnh những cảm nhận tốt đẹp về một làng quê thanh bình, đậm văn hoá truyền thống của làng quê Bắc bộ thì vẫn lo ngại về nguy cơ mất an toàn từ sự xuống cấp của đoạn đường kè bờ ao.
Dân mừng vì đường nhiều “ổ voi” đã được tu sửa

Dân mừng vì đường nhiều “ổ voi” đã được tu sửa

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở khu vực đường Lê Lợi, Tổ dân phố Hồng Hà, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây phải hứng chịu cảnh bụi đường, tiếng ồn do đường có lưu lượng xe qua lại đông, nhất là nguy cơ mất an toàn giao thông bởi đoạn đường ngã tư có nhiều “ổ gà, ổ voi”, gập ghềnh giữa đường…