Quyết liệt xóa các “điểm nóng” xe dù, bến cóc

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Những tháng cuối năm, cận Tết, lượng hành khách gia tăng, hoạt động các “xe dù, bến cóc” tại khu vực các tuyến đường xung quanh bến xe: Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát lại tái diễn và trở nên phức tạp, gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT).

Quyết liệt xóa các “điểm nóng” xe dù, bến cóc - ảnh 1
Thanh tra GTVT kiểm soát xe xuất bến tại bến xe Nước Ngầm Ảnh: TTGT

Tái diễn xe “rùa bò”
Ghi nhận của phóng viên trên các tuyến đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, mặc dù tuyến đường có phương tiện tham gia giao thông đông đúc, phát hiện nhiều xe khách sau khi rời bến đã dừng bắt khách dọc đường. Xe đi lờ đờ với tốc độ siêu chậm như rùa bò rồi phụ xe đón khách, nhận hàng gửi. Tương tự, khảo sát trên tuyến Giải Phóng, Kim Đồng, quanh các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, nhiều xe khách sau khi rời bến hoặc xe chưa về đến bến đã dừng, đỗ trả khách, bất chấp đường cấm, thậm chí dừng đỗ ngay trên đường nhánh lên xuống cầu, các đường vành đai.

Nhận định về tình trạng trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng nếu chỉ trông chờ vào một lực lượng đơn lẻ sẽ rất khó đạt hiệu quả cao trong đấu tranh triệt xóa vi phạm. Vì vậy, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cần có sự hỗ trợ của CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát hình sự mới đủ sức đương đầu với vi phạm.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, thời gian gần đây, tình hình trật tự, ATGT tại khu vực các bến xe và các tuyến đường xung quanh, đặc biệt khu vực bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm có nhiều diễn biến phức tạp. Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra GTVT kiểm tra, xử phạt nghiêm đối với các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 100/2014/NĐ-CP và Nghị định số 123/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thì một số hành vi vi phạm của phương tiện không thuộc thẩm quyền của lực lượng Thanh tra GTVT.

Liên ngành phối hợp xử lý triệt để vi phạm
Thời gian qua, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, Cảnh sát giao thông (CSGT), Cảnh sát trật tự (CSTT), Công an Hà Nội đã liên tục duy trì công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của xe khách liên tỉnh. Đơn cử như trường hợp xe khách BKS 19B-014.50, thuộc hợp tác xã vận tải Hồng Hà chạy tuyến Thanh Sơn-Mỹ Đình vừa bị Thanh tra Sở GTVT xử phạt. Theo đó, chiếc xe này đăng ký lộ trình khai thác: Bến xe Thanh Sơn-Quốc lộ 32 - Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng - bến xe Mỹ Đình và ngược lại. Tuy nhiên, nhà xe liên tục mời gọi và xếp khách về Văn Miếu, Khả Cửu, Đông Cửu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là những xã không nằm trong lộ trình xe chạy qua.

Tại địa bàn "điểm nóng" về tình hình xe khách dừng đỗ, đón trả khách, gây mất trật tự ATGT, Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, đơn vị liên tục tuần tra, xử lý với những giải pháp cụ thể như tăng cường phối hợp với các lực lượng Thanh tra GTVT Hà Nội, công an các quận huyện để xử lý dứt điểm xe khách chạy rùa bò, đón trả khách, đi không đúng luồng tuyến, sai quy định nhằm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 2.500 trường hợp, phạt tiền 5 tỷ đồng, tạm giữ 13 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 321 trường hợp vi phạm.

Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Cao Văn Hiệp cho biết, lực lượng Thanh tra Sở sẽ tiếp tục duy trì cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm cho đến hết năm 2022. Các đội thanh tra GTVT sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm trong lĩnh vực vận tải hành khách tại các bến xe khách và các tuyến đường xung quanh bến xe. Đồng thời, khảo sát các vị trí bất cập trong công tác tổ chức giao thông để đề xuất với Sở có biện pháp tổ chức giao thông hợp lý nhằm ngăn ngừa, phòng ngừa các tụ điểm xe dù, bến cóc.

Mới đây, Sở GTVT có đề nghị Công an Hà Nội chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra GTVT tập trung xử phạt các xe ôtô vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô, gây cản trở, ùn tắc giao thông, bức xúc trong dư luận. 

Cho rằng đây là lời kêu gọi cùng chung tay siết chặt vòng vây với xe dù bến cóc, cho thấy quyết tâm rất lớn đấu tranh đẩy lùi vi phạm của xe khách liên tỉnh, chuyên gia Nguyễn Mạnh Thắng đề xuất Hà Nội thành lập lực lượng tuần tra tương tự như mô hình các Tổ công tác Y141 (cảnh sát cơ động) để chuyên xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, bao gồm cả hành khách lẫn hàng hóa. Qua đó, kiên trì xử lý cả người lái lẫn doanh nghiệp trong thời gian dài sẽ dần đưa loại hình vận tải này vào nền nếp. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

Người dân Triều Khúc lao đao vì thiếu nước sinh hoạt

(PNTĐ) - Người dân thôn Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) vừa trải qua một tuần thiếu nước sinh hoạt. Để tiết kiệm nước, họ phải tận dụng cả nước rửa rau để rửa bát, thậm chí không dám tắm hàng ngày vì lo ngại nguồn nước có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

Làm thế nào để bảo vệ tiền tiết kiệm gửi tại ngân hàng?

(PNTĐ) - Vụ việc một khách hàng bị “bốc hơi” 58 tỷ đồng tại Ngân hàng MSB vẫn đang là câu chuyện nóng hổi, khiến nhiều người có tiền gửi tiết kiệm hoang mang. Và, làm thế nào để bảo vệ tiền gửi tại ngân hàng (nơi được cho là an toàn nay bỗng nhiên trở nên rủi ro) là chủ đề đang được nhiều người dân quan tâm hiện nay.
Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

Hàng trăm người dân “khát” nước sạch vì dự án treo

(PNTĐ) - Nhiều năm nay, tại xã Phú Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội, hàng trăm người dân sinh sống ở khu vực Nông trường dứa Suối Hai và thôn Phú Mỹ C không có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành song tình trạng “khát” nước sạch vẫn chưa được giải quyết, khiến cuộc sống của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn.
Hàng trăm hộ dân kêu cứu

Hàng trăm hộ dân kêu cứu

(PNTĐ) - Hàng trăm hộ dân ở hai xã Phú Sơn và Thái Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội rơi vào cảnh sống khó khăn do bị “mắc kẹt” bởi Dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) chậm tiến độ, chưa chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Hơn 13 năm nay, người dân, cử tri đã nhiều lần “kêu cứu”, chính quyền địa phương cũng đã có kiến nghị. Song cho đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.