Xã Song Phương (huyện Hoài Đức): Vi phạm trên đất nông nghiệp ngang nhiên tồn tại

Chia sẻ

Nhiều năm nay, những công trình với quy mô hàng trăm, hàng nghìn m2 được xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Song Phương, huyện Hoài Đức vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, khiến người dân bức xúc. Trong khi vi phạm cũ không được chính quyền địa phương cương quyết xử lý, tháo dỡ, vi phạm mới tiếp tục mọc lên với diện tích lớn hơn.

Nhà xưởng của ông Nguyễn Duy Khương có dấu hiệu đang hoạt động sản xuất.Nhà xưởng của ông Nguyễn Duy Khương có dấu hiệu đang hoạt động sản xuất.

Thách thức chính quyền?

Bạn đọc phản ánh tới Báo Phụ nữ Thủ đô, thông tin về việc tại địa bàn xã Song Phương, tình trạng nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp rất nhiều, quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn m2, thậm chí có chuỗi nhà xưởng dây dựng trên diện tích hàng chục nghìn m2, được dựng lên ở mọi thời điểm và “hiên ngang” hoạt động. Kể cả khi Thủ tướng Chính phủ có lệnh giãn cách, cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 3, 4, 5/2020 nhà xưởng vẫn mọc như nấm ở đất nông nghiệp xã Song Phương.
Cụ thể, các công trình nhà xưởng vi phạm như: Xưởng của ông Nguyễn Hữu Vi ở khu Đầm Vực có diện tích 6.000m2; dãy nhà xưởng hơn 10.000m2 của ông Nguyễn Văn Hiền khu Trại Gần, thôn 1; ông Trần Văn Chung diện tích 2.027m2, ông Nguyễn Duy Khương diện tích 456m2 thôn Cửa Cầu, thôn 1… Điều lạ là, các công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở Song Phương đều rộng lớn, diễn ra trong nhiều ngày, nhưng không hiểu tại sao, chính quyền địa phương không có động thái ngăn chặn?

Khảo sát thực tế cùng lãnh đạo xã Song Phương và cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức tại xưởng của ông Nguyễn Duy Khương ở khu Cửa Cầu cho thấy: Thửa đất rộng, nằm trong khu quy hoạch trồng rau, nhưng nhà xưởng được xây chân tường gạch và dựng tôn cao từ 3-5m, dài hơn 30m. Mặc dù trong nhà xưởng có người ở bên trong và có dấu hiệu hoạt động sản xuất, nhưng bên ngoài cửa cổng vẫn có một ổ khóa lớn, có camera hướng ra cổng. Lãnh đạo xã Song Phương đã liên hệ với ông Khương, nhưng không gặp được.

Chúng tôi tiếp tục khảo sát các công trình vi phạm khác ở khu vực Cửa Cầu, chủ yếu là nhà xưởng xây dựng kiên cố bằng khung sắt, thép, lợp tôn đang sừng sững tồn tại. Có chủ nhà mở cửa cổng đi ra, vào, rồi lại đóng, khóa ngay lập tức. Dù lãnh đạo xã đặt vấn đề kiểm tra thực tế công trình, nhưng họ không cho bất cứ ai vào.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, ông Đỗ Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Song Phương thừa nhận về những vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đồng thời, cung cấp 2 văn bản về kế hoạch tổ chức cưỡng chế đối với trường hợp công trình vi phạm của ông Nguyễn Hoành Lượng (tại khu Chùa Bé) và ông Nguyễn Văn Liêm (tại khu Ngỏ Lả).

Mặc dù phóng viên đề nghị, nhưng không được ông Toàn cung cấp thêm thông tin về việc sẽ xử lý những trường hợp vi phạm khác, cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Duy Khương - bạn đọc liên tục phản ánh ông Khương xây nhiều công trình vi phạm trong năm 2020 và 2021…

Vi phạm mới vẫn mọc thêm

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Hồ Thị Na đã cung cấp 11 văn bản (năm 2020) của UBND huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng phối hợp với UBND xã Song Phương xử lý các vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng đã diễn ra trong nhiều năm nay. Cụ thể, tại văn bản số 1653/UBND-TNMT ngày 23/3/2020 do Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Anh ký ban hành, nêu rõ: Năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020 tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn xã Song Phương vẫn tiếp tục phát sinh với chiều hướng phức tạp; một số trường hợp đã được xử lý tháo dỡ nhưng không triệt để, có trường hợp đã được tháo dỡ lại tiếp tục dựng lên…

Có những văn bản “điểm mặt, chỉ tên” từng trường hợp vi phạm ở xã Song Phương, như: Văn bản số 1792/UBND-TNMT ngày 26/3/2020, yêu cầu xử lý dứt điểm các trường hợp phát sinh, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đặc biệt là công trình tái phạm của ông Nguyễn Hữu Vi (vi phạm dọc mương Đan Hoài); văn bản số 4011/UBND-TNMT ngày 2/7/2020, tiếp tục yêu cầu xử lý trường hợp ông Nguyễn Duy Khương đã xây dựng hoàn thiện nhà xưởng 250m2 từ năm 2018, nay tiếp tục dựng khung thép I, quây tôn, đổ bê tông làm nền để sản xuất, gia công sắt thép diện tích 80m2 tại khu Cửa Cầu, thôn 1... Mặc dù chỉ đạo của huyện rất quyết liệt, nhưng thực tế, vi phạm trên đất nông nghiệp ở Song Phương vẫn nghiễm nhiên tồn tại.

Trước thực tế trên, đề nghị UBND TP Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức đôn đốc, kiểm tra xử lý dứt điểm vi phạm đất đai ở Song Phương, đồng thời làm rõ, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân buông lỏng trách nhiệm, không thực hiện nghiêm công tác quản lý sử dụng đất đai, để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật.

Bài và ảnh MINH ĐẠT

Tin cùng chuyên mục

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

Nhức nhối bạo lực gia đình nhìn từ vụ nam DJ đánh vợ

(PNTĐ) - Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời năm 2007, và tiếp tục được bổ sung nhiều điều khoản trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Thế nhưng, bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều môi trường khác nhau. Điển hình mới đây clip một nam DJ đánh người vợ trẻ mới sinh con được 5 tháng, đã gây căm phẫn cho dư luận.
Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

Bỏ tiền tỷ mua đất vùng ven đô: Dễ mua khó bán!

(PNTĐ) - Khi giá nhà đất và chung cư ở nội thành tăng cao, làn sóng đầu tư bất động sản chuyển hướng về vùng ven các huyện ngoại thành khiến giá đất tại đây đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, nhiều người đầu tư để lướt lại rơi vào tình cảnh rao bán không ai mua. Nhiều chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi xuống tiền đầu tư đất khu vực này.