Người lương y đau đáu với nỗi niềm dược liệu sạch, thực phẩm xanh

TIẾN ĐẠT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn địa nghèo Hà Nam, cô giáo Đinh Thị Song Nga sau 16 năm đứng bục giảng với tiên thiên chẳng mấy mạnh khỏe đã có quyết định táo bạo: Vừa dạy học vừa đi học Đông y để tự cải thiện sức khỏe của bản thân và 2 đứa con. Để rồi một ngày, quyết định ấy đã đưa bà đến với hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu, nông nghiệp xanh.

Từ mối lương duyên với đông y và nông nghiệp sạch

Giống như lương duyên trời định khi đúng dịp bà Nga muốn đi học nghề y thì trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh mở lớp đào tạo Lương y đa khoa tại tỉnh Hà Nam. Thế là bà Nga 4 năm cơm nắm muối vừng theo học. Dù vướng bận đủ thứ, từ công việc, con cái tới cơm áo gạo tiền thời khó khăn, nhưng lúc nào bà cũng đứng ở tốp đầu của lớp.

Cứ thế, đam mê cây cỏ, vị thuốc ngấm ngày một sâu vào bà Nga. Sau này có một quãng thời gian ngắt quãng với nghề y, nhưng ngọn lửa đam mê trong bà chưa khi nào tắt. Bà vẫn thầm lặng nghiên cứu, đọc những cuốn sách y học bất cứ khi nào có thời gian, để hễ ai cần đến là có thể giúp đỡ.

Người lương y đau đáu với nỗi niềm dược liệu sạch, thực phẩm xanh - ảnh 1
Bà Đinh Thị Song Nga (bên phải) cùng các vị khách tại khu vườn dược liệu của mình

Sau này, khi đã ở tuổi ngoài 50, từ đam mê với dược liệu, cây cỏ đã khiến bà Nga có nhiều hơn những trăn trở, nhất là về thực trạng Đông dược kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường. Càng đi sâu vào tìm hiểu trên thị trường bà Nga càng nhận thấy rõ thực trạng “rác thuốc”, thuốc không an toàn vẫn ngang nhiên bày bán, sử dụng.

Từ mong muốn tạo ra 1 mô hình ít chi phí nhưng đem lại lợi ích kinh tế lớn nhất cho bà con nông dân trồng dược liệu, bà Nga chia sẻ tất cả mọi thứ cho bà con từ việc dưỡng đất, trồng cây, thu hoạch, chế biến… để ai cũng có thể làm được. Tiếp xúc với bà con nông dân nhiều, bà Song Nga nhận ra rằng có rất nhiều nguồn gen bản địa đang mất đi như mít và nhãn, hai loại cây này hấp thụ carbon dioxide.

Ngay cả những vườn được gọi là hữu cơ, không thấy thiên địch, hoàn toàn phụ thuộc vào thuốc bảo vệ thực vật sinh học mà thành phần phụ gia trong đó cũng khó có thể biết được là những gì. Để rồi chính những trăn trở ấy dẫn bước bà Nga đi đến hành trình khởi nghiệp cùng nông nghiệp sạch. Quan điểm của bà Nga rất rõ ràng, là cứ trồng được thì ăn, không thì thôi, sâu cũng không cần bắt bởi công đâu cho xuể.

Với cách làm đó, bà mất 2 lứa rau đầu nhưng về sau rau tuy rách te tua mà vẫn được ăn lại còn ngon hơn tưởng tượng. Sau này khi chuyển lên Hà Nội bà thuê vườn ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ để tiếp tục trồng rau. Đầu tiên bà gieo vừng, cốt khí nhằm cải tạo đất. Nhưng đến khi đất tốt rồi, bà định trồng rau thì người ta đòi lại đất, ủi sạch băng mọi thứ đi rồi phun thuốc trừ cỏ giống như kiểu canh tác cũ. Không tiếc tiền của, công sức đổ vào đó, bà chỉ tiếc giá như người ta làm theo kiểu hữu cơ thì coi như mình đã làm phúc cho đời.

Hành trình miệt mài tìm kiếm thành công

“Sau 4 năm thuê đất làm vườn như thế tôi rút ra kinh nghiệm là không phun thuốc trừ sâu mà vẫn được thu. Con tôi thấy mẹ lao tâm khổ tứ, thương quá mới bảo: “Giờ không có tiền cũng phải mua vườn cho mẹ”. Hai mẹ con lang thang đi tìm, mất 1 tháng thì mới được một khu vườn rừng ngoảnh mặt ra sông Đà, lưng tựa vào núi Tản tại xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội)" - bà Nga chia sẻ và nói thêm: Thời điểm ấy khó khăn nên đến tận 13 tháng sau mua bà vẫn chưa trả hết tiền. Mới đặt cọc thôi bà Nga đã xin nhà chủ cho làm lễ nhập trạch để lên ở.

“Tôi nhất tâm theo đuổi mô hình vườn rừng bởi nghiên cứu rất nhiều mô hình nông nghiệp, rồi đúc kết nó là phù hợp nhất vì cho ra nông sản ngon nhất, bảo vệ môi trường tốt nhất. Chỉ có làm vườn rừng mới giữ được nước, không gây ra thiên tai lũ lụt. Chỉ có làm vườn rừng mới có đa dạng sinh học, kiểm soát được dịch bệnh. Chứ còn làm kiểu độc canh thì vẫn phải sử dụng thuốc trừ sâu, kể cả là sinh học đi chăng nữa” - bà Nga kể.

Người lương y đau đáu với nỗi niềm dược liệu sạch, thực phẩm xanh - ảnh 2
Bà Đinh Thị Song Nga trong một buổi tập huấn livestream giới thiệu sản phẩm, thuộc đề án khởi nghiệp 844

Hiện nay, khu vườn của bà Nga có 250 loại cây, nhưng bà không tách bạch cây dược liệu với cây lương thực, thực phẩm như ngô, lúa. Bởi với bà chúng hòa lẫn hết vào nhau. Như cây khoai sọ vừa là lương thực, thực phẩm nhưng cũng là cây thuốc. Bà Nga chỉ phân chia cây trồng theo cây lâu năm, cây ngắn ngày; cây rễ cọc, cây rễ chùm; cây tầng tán cao như dổi, mun sừng, xá xị, sưa, giáng hương, tán trung như mít, hồng xiêm, tán thấp như ổi, bưởi, cam, thấp hơn nữa là cây bụi như dâu tằm, cây là là mặt đất như kim tiền thảo, thảo quyết minh, bò dưới đất như lạc dại.

Chưa kể, vì muốn khu vườn của mình được kiểm soát bệnh hại bằng đa dạng sinh học, có thật nhiều chim, rắn, chuột, cóc, ếch, nhái, ong, chuồn chuồn, bọ ngựa… nên bà tìm cách tạo môi trường lý tưởng để chúng có thể chung sống theo quy luật sinh khắc. Lúc mới trồng, súp lơ, cải bắp của vườn rừng có rất nhiều sâu, công nhân bảo phun, dù đã chuẩn bị sẵn 5 lít dầu (loại dầu tự nhiên, trị sâu bọ) bà vẫn bảo: “Cứ bình tĩnh, để đấy đã”. Mấy hôm sau chim sâu đến nhặt hết. Các tầng tán ở vườn rừng có nhiều tác dụng, lũ chim sâu làm tổ trên những cây bưởi, cây lát, cây trám.

Cứ thế, vườn rừng của bà Nga hiện phục vụ cho cả nhu cầu dược liệu của phòng khám lẫn cung cấp rau, thực phẩm cho khách hàng. “Bệnh nhân uống thuốc của tôi mà cứ đi ăn rau, thực phẩm không an toàn cũng bó tay. Tất cả những ai thức khuya, tắm đêm, ăn đồ công nghiệp, rau chợ tôi không nhận chữa bởi không chữa được. Đầu tiên là đường ruột hỏng do nạp toàn thực phẩm bẩn, sau đó hệ cơ, xương, khớp bị ảnh hưởng, thậm chí ung thư hay có những bệnh không thể định danh” - bà Nga nhấn mạnh.

Đau đáu với mong muốn lan tỏa thêm những giá trị tốt đẹp, giúp bà con phát triển kinh doanh theo mô hình nông nghiệp sạch, khi biết tới dự án hỗ trợ, đào tạo của Công ty CP Truyền Thông Vietnam Startup TV dành cho các startup theo Đề án khởi nghiệp 844 “Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, bà Nga rất chủ động tìm tòi, đăng ký tham dự để trang bị thêm cho mình kiến thức.

“Tôi có sản phẩm tốt, chất lượng nhưng để khách hàng hiểu được, nhận biết được và mua hàng để sử dụng thì phải trải qua quá trình vô cùng lâu dài. Và muốn nhiều người được sử dụng sản phẩm tốt, tôi buộc phải học hỏi đa dạng kỹ năng, từ quay video, livestream, quảng cáo để nhiều người biết tới thông qua các khóa đào tạo, như trong chương trình của Đề án 844” - bà Nga nói.

Hiện tại bà Song Nga đã đóng gói được 1 số quy trình, sản xuất và tối ưu với bà con nông dân. Tương lai xây dựng 1 hệ sinh thái dược liệu sạch để bà con có thể tự cung, tự cấp cho bản thân với sản phẩm an toàn, lành tính, thân thiện với môi trường. Nếu sản phẩm nhiều thì có thể cung cấp cho thị trường Hà Nội để khách hàng được sử dụng sản phẩm tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục

Ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông là xu hướng tất yếu

Ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông là xu hướng tất yếu

(PNTĐ) - Trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, việc ứng dụng AI để tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông đã trở thành một yêu cầu thiết yếu. Các doanh nghiệp đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong việc cải thiện hiệu quả và chất lượng công việc của họ.
Nữ giám đốc đau đáu với sứ mệnh “nâng tầm” giá trị sản phẩm mận Mộc Châu

Nữ giám đốc đau đáu với sứ mệnh “nâng tầm” giá trị sản phẩm mận Mộc Châu

(PNTĐ) - Trái mận hậu được biết đến là một trong những loại quả đặc sản của Mộc Châu. Trước đây, các đơn vị hầu như chỉ khai thác và kinh doanh mận theo mùa vụ. Nhưng qua sự tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong bảo quản mận tươi của nữ doanh nhân Hà Thị Thu Hiền, sản phẩm mận Mộc Châu có thể được chế biến và bán trên thị trường quanh năm.
Nam doanh nhân “nuôi chí lớn”, khởi nghiệp chỉ với 30 triệu đồng

Nam doanh nhân “nuôi chí lớn”, khởi nghiệp chỉ với 30 triệu đồng

(PNTĐ) - (PNTĐ) - Khởi nghiệp với sản phẩm mật ong, anh Phạm Tiến Dũng (SN 1989, quê Hưng Yên) - ông chủ của công ty TNHH Xuất nhập khẩu mật ong Phúc Khang đang nỗ lực từng ngày, với mong muốn đưa doanh nghiệp thành đơn vị hàng đầu trên cả nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm về mật ong ra quốc tế.
Tham gia các khóa đào tạo – cơ hội để startup rút ngắn con đường đi đến thành công

Tham gia các khóa đào tạo – cơ hội để startup rút ngắn con đường đi đến thành công

(PNTĐ) - Với tư cách là đồng trưởng làng Làng Design Thinking - Techfesh Việt Nam, thời gian qua, ThS Vũ Thị Thu Thảo - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại quốc tế VSH, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ KTSvivu VZtekcom đã có nhiều hoạt động kết nối, tạo giá trị cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, nhất là các khởi nghiệp.