Phúc An Cộng và hành trình khởi nghiệp vì mục đích từ thiện

HỒNG NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thành lập năm 2023, hộ kinh doanh Phúc An Cộng của chị Trần Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn không chỉ được biết tới với những sản phẩm trà ướp bông sen chất lượng, mà còn có nhiều hoạt động nhân văn, ý nghĩa.

Khởi nghiệp với trà sen vào tuổi ngoài 40

Những ai quen chị Trần Thị Thu Hà đều biết chị từng là một Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sóc Sơn nhiệt tình, mẫn cán với các phong trào của Hội Phụ nữ. Hiện nay, khi được giao đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, chị cũng rất tích cực và năng nổ trong công việc chuyên môn. Quá trình mười mấy năm gắn bó với phụ nữ, với hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo... chính là cái duyên đưa đẩy chị Hà đến gần với hành trình "khởi nghiệp" của bản thân.

Trò chuyện bên lề chương trình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp xanh và tổng kết khóa đào tạo (được tổ chức bởi CTCP truyền thông Việt Nam Startup TV trong khuôn khổ đề án 844), chị Hà chia sẻ: "Thực tế, không phải tận bây giờ mà từ 2016 năm mình đã làm trà ướp bông sen, nguyên liệu từ vùng trồng sen cổ Tây Hồ trên Sóc Sơn, nhưng không để bán mà chủ yếu phục vụ nhà dùng hoặc cho tặng.

Sau này, chính những "khách hàng" ấy đã đề nghị mình mở rộng sản xuất để bán. Cộng với việc mình thấy đang có nhiều người còn rất khó khăn, cuộc sống bấp bênh, chưa có công ăn việc làm... nên hộ kinh doanh Phúc An Cộng được hình thành, để trợ duyên, hỗ trợ những người yếu thế, khó khăn có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống".

Không chỉ để tạo công ăn việc làm, ngay từ khi Phúc An Cộng thành lập, chị Trần Thị Thu Hà cũng đặt mục tiêu với mỗi bông trà ướp sen bán ra, chị sẽ trích 5.000 đồng lợi nhuận vào quỹ Phúc An, để hỗ trợ các hộ khó khăn đột xuất, khó khăn thường xuyên; đặc biệt là hỗ trợ trẻ mồ côi, giúp các cháu thêm động lực vượt khó, học giỏi, xây dựng tương lai cho bản thân.

"May mắn cho mình ấy là Sóc Sơn có nhiều ao, hồ; bao quanh còn có 3 con sông lớn... thuận lợi cho trồng sen; lại có dãy núi Tam Đảo thích hợp cho trồng trà. Với 32ha trồng trà Bắc Sơn theo mô hình VietGap, có chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, kết hợp với sen cổ Tây Hồ trồng tại Sóc Sơn... đã cho mình một nguồn nguyên liệu phù hợp, đảm bảo an toàn cho dự án làm trà ướp bông sen. Đến nay, với sự hợp tác cùng người dân, mình đã có gần 20ha trồng sen. Những bông chưa đạt yêu cầu để lấy gạo làm trà, mình có thể bán hoa cho những người chơi hoa" - chị Hà cho hay.

Bắt tay vào khởi nghiệp, không còn là làm trà ướp bông sen để tặng hay làm vì đam mê, nên chị Hà khá nghiêm túc, kỹ lưỡng, đặt chất lượng lên hàng đầu. Vì vẫn phải bận bịu với công việc tại Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn, nên thời gian làm trà của chị Hà chủ yếu là vào buổi sáng sớm, buổi trưa và tối, đêm... sau khi đã hoàn thành công việc cơ quan.

Cùng với chị Hà, còn có thêm 3-4 người (thời kỳ cao điểm phải 10-12 người) cùng tham gia sản xuất trà. Để có những bông sen chất lượng, thường tầm 3-5 giờ sáng mọi người đã đi hái bông. Hoa cũng phải là những bông "hàm tiếu", tức là vẫn chưa nở ra, vẫn còn ngậm sương long lanh.

Phúc An Cộng và hành trình khởi nghiệp vì mục đích từ thiện - ảnh 1
Chị Trần Thị Thu Hà (ngoài cùng bên phải) trong một chương trình đào tạo dành cho các startup theo đề án 844

Những bông trà ướp sen mang giá trị nhân văn

Chị Hà kể thêm: "Sản phẩm của mình hơi khác với sản phẩm trà ướp bông sen khác, không phải là chỉ thông thường như một bông trà uống với nhiều talanh gây mất ngủ, căng thẳng. Trà ướp sen của mình hướng tới chăm sóc sức khỏe chủ động, lên men như trà Nhật, rất tốt cho sức khỏe. Quá trình lên men của trà thường sẽ làm vào buổi, tối để sáng hôm sau đem trà đó và gạo vào ướp sen".

Không chỉ có một sản phẩm trà ướp bông sen có đặc điểm, chất lượng khác so với nhiều sản phẩm cùng tên trên thị trường, trà ướp sen của chị Hà còn "ngát hương" bởi chứa đựng trong đó rất nhiều giá trị nhân văn. Theo chia sẻ của chị Hà, trong sự kiện Tết Nhân ái năm 2024 vừa qua, Phúc An Cộng đã dành 30 triệu đồng, thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn để hỗ trợ những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Số tiền ấy được trích từ lợi nhuận bán trà ướp sen, và sự hỗ trợ của các mạnh thường quân thông qua kêu gọi của Phúc An Cộng. Bên cạnh đó, chị Hà còn hỗ trợ 5 triệu đồng vào quỹ "Việc tử tế" của CLB tình nguyện viên Chữ thập đỏ huyện Sóc Sơn. Ngoài ra, còn hỗ trợ đột xuất không ít trường hợp khó khăn được vận động, với kinh phí từ 1-5 triệu đồng.

Không chỉ tạo giá trị kinh tế giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, hộ kinh doanh Phúc An Cộng còn tạo công ăn việc làm cho một số chị em yếu thế trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trung bình có 3-4 lao động thường xuyên, 10-12 lao động tăng thêm khi sen vào vụ nở rộ tham gia trực tiếp làm trà sen.

Cùng với đó, Phúc An Cộng cũng phối hợp với một số đơn vị như Hợp tác xã Tâm Ngọc (với hơn 40 người khuyết tật), Hợp tác xã thủ công mỹ nhệ Tim Hồng (hơn 50 người khuyết tật) tham gia làm trà sen. Đồng thời, Phúc An Cộng cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, đào tạo giúp trẻ mồ côi vừa có việc để làm, vừa có nghề giúp ổn định cuộc sống trong tương lai.

"Năm 2024, sản lượng trà ướp sen đâu đó khoảng 6-7 vạn bông. Với mình đó là một thành công bước đầu, và mình rất vui vì điều đó. Sản lượng cao đồng nghĩa với việc mình có thể giúp được nhiều người hơn nữa, và Phúc An Cộng ngày càng làm tốt hơn sứ mệnh hướng tới” - chị Hà bày tỏ.

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) - ISEV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 đánh dấu động thái cụ thể của Chính phủ để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tham gia khóa đào tạo do Công ty CP Truyền Thông Vietnam Startup TV triển khai theo Đề án 844, các startup như hộ kinh doanh Phúc An Cộng có cơ hội nâng cao thương hiệu, định vị đúng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, hướng tới xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội ngay từ sớm. Đồng thời, nâng cao kiến thức về quản trị tài chính, sale & marketing, các phương pháp định giá cho các dự án để phát triển dự án và chuẩn bị cho các cuộc thương lượng với các nhà /quỹ đầu tư.

Tin cùng chuyên mục

Nữ giám đốc đau đáu với sứ mệnh “nâng tầm” giá trị sản phẩm mận Mộc Châu

Nữ giám đốc đau đáu với sứ mệnh “nâng tầm” giá trị sản phẩm mận Mộc Châu

(PNTĐ) - Trái mận hậu được biết đến là một trong những loại quả đặc sản của Mộc Châu. Trước đây, các đơn vị hầu như chỉ khai thác và kinh doanh mận theo mùa vụ. Nhưng qua sự tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong bảo quản mận tươi của nữ doanh nhân Hà Thị Thu Hiền, sản phẩm mận Mộc Châu có thể được chế biến và bán trên thị trường quanh năm.
Người lương y đau đáu với nỗi niềm dược liệu sạch, thực phẩm xanh

Người lương y đau đáu với nỗi niềm dược liệu sạch, thực phẩm xanh

(PNTĐ) - Sinh ra và lớn lên ở vùng bán sơn địa nghèo Hà Nam, cô giáo Đinh Thị Song Nga sau 16 năm đứng bục giảng với tiên thiên chẳng mấy mạnh khỏe đã có quyết định táo bạo: Vừa dạy học vừa đi học Đông y để tự cải thiện sức khỏe của bản thân và 2 đứa con. Để rồi một ngày, quyết định ấy đã đưa bà đến với hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực dược liệu, nông nghiệp xanh.
Nam doanh nhân “nuôi chí lớn”, khởi nghiệp chỉ với 30 triệu đồng

Nam doanh nhân “nuôi chí lớn”, khởi nghiệp chỉ với 30 triệu đồng

(PNTĐ) - (PNTĐ) - Khởi nghiệp với sản phẩm mật ong, anh Phạm Tiến Dũng (SN 1989, quê Hưng Yên) - ông chủ của công ty TNHH Xuất nhập khẩu mật ong Phúc Khang đang nỗ lực từng ngày, với mong muốn đưa doanh nghiệp thành đơn vị hàng đầu trên cả nước, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm về mật ong ra quốc tế.
Tham gia các khóa đào tạo – cơ hội để startup rút ngắn con đường đi đến thành công

Tham gia các khóa đào tạo – cơ hội để startup rút ngắn con đường đi đến thành công

(PNTĐ) - Với tư cách là đồng trưởng làng Làng Design Thinking - Techfesh Việt Nam, thời gian qua, ThS Vũ Thị Thu Thảo - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Thương mại quốc tế VSH, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ KTSvivu VZtekcom đã có nhiều hoạt động kết nối, tạo giá trị cho cộng đồng, doanh nghiệp và người dân, nhất là các khởi nghiệp.
Mentor Hoàng Sơn Công: “Cầu nối” giúp các startup đi tới thành công

Mentor Hoàng Sơn Công: “Cầu nối” giúp các startup đi tới thành công

(PNTĐ) - Tính đến thời điểm này, Mentor Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam đã có nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, gắn liền Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), với hơn 2.000 startup được kết nối, hỗ trợ khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, giáo dục.