Bệnh thành tích trong giáo dục, bao giờ chấm dứt?

Chia sẻ

PNTĐ-Báo PNTĐ nhận được bài viết của TS Phạm Thị Ly, Viện Đào tạo Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM thể hiện một góc nhìn khác về kỳ thi tốt nghiệp THPT…

 
Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2014 của một số tỉnh thành vừa công bố - đúng như dự đoán - đa phần từ 99% trở lên.
 
Tại Quảng Bình, một phần ba số trường có tỉ lệ đỗ 100%. Tại Bình Dương, thí sinh đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt 99,86% (tăng 0,55% so với năm 2013), tại An Giang, con số này là 99,64%, tỉnh Lâm Đồng 98,83% - nhìn chung đều cao hơn các năm trước. Có thể nói, đây đúng là một cú “về đích” ngoạn mục của ngành GD.
 
Chúng ta sẽ nghĩ sao khi biết rằng, ngân sách bù lỗ cho một kỳ thi như thế này là 250 tỉ đồng, chưa tính những chi phí của từng cá nhân, gia đình. Bỏ ra từng đó tiền, cả xã hội bị cuốn vào vòng xoáy thi cử… vậy cuối cùng thì chúng ta được gì?
 
Có hai khả năng xảy ra: Nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 99% là đúng thực chất, nó có nghĩa là nhà trường của chúng ta quá giỏi, nền giáo dục của chúng ta quá tốt, vậy thì không việc gì phải đổi mới, và không cần đến đề án nhiều nghìn tỉ đồng từng gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua nữa. Chỉ có điều, nếu nền giáo dục tốt như vậy, vì sao năng suất lao động của chúng ta lại vào hàng thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương - theo thông tin do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố tại báo cáo “Thế giới việc làm 2014: Phát triển với việc làm”.  Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2013 cũng xếp Việt Nam đứng thứ 70 trong số 148 quốc gia xếp hạng. Còn theo nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc trường Ðại học Seattle (Mỹ), trong nhiều công ty liên doanh với Việt Nam cho thấy, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kỹ năng giao tiếp!
 
Nếu kết quả này không đúng thực chất, thì vấn đề nằm ở đâu? Và tại sao nó lại có vấn đề ở hầu hết mọi địa phương như vậy? Nếu không thể cải thiện được chỗ “có vấn đề” ấy, thì thi để làm gì?
 
Chúng ta không cần phải mất công đi tìm lời giải bởi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trong khi trả lời báo chí vào tháng 8/2013 đã công khai thừa nhận tỉ lệ đỗ tốt nghiệp này là không thực chất, nhưng bao giờ nó sẽ có thực chất thì không thể nói được. Và dù không thực chất, cũng không thể bỏ kỳ thi này được.
 
Từ lâu người ta đã gọi tên nguyên nhân của nó là “bệnh thành tích”. Và bệnh thành tích chỉ có đất phát triển ở nơi người ta ban thưởng cho “thành tích” bất chấp thực chất. Vì sao người ta lại cần “thành tích” đến thế? Vì sao ở các nước phát triển, không có cái gọi là “bệnh thành tích” như vậy? Phải chăng vì chúng ta không có can đảm nhìn vào sự thật? Chúng ta dùng con số ấy để trấn an mình rằng “mọi sự vẫn ổn” dù trong thâm tâm biết rõ là đang không ổn.
 
Giáo dục không thể cải thiện được chừng nào bệnh thành tích vẫn còn đó. Nó sẽ tạo ra một xã hội ngày càng nhiều người có bằng cấp và bằng cấp ngày càng vô giá trị. Chúng ta còn nhớ, năm 2003, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của cả nước đạt trên 92%. Nhưng, ngay trong kỳ thi đại học năm đó, có 5.731 thí sinh, cả 3 môn thi đều bị điểm 0.
 
Cũng theo tính toán của Bộ GD-ĐT, nếu mỗi môn thi đều lấy điểm 5 (điểm trung bình) là điểm đậu (tổng điểm đậu vẫn là 30) thì chỉ còn 38,7% học sinh đậu tú tài. Đề thi tú tài thường được ra ở trình độ kiến thức trung bình, mà cũng chỉ có khoảng 1/3 học sinh tú tài đạt được kết quả ở tầm trình độ trung bình trở lên cho tất cả các môn thi là điều mà các nhà quản lý giáo dục cần phải nghiên cứu nghiêm túc (theo báo Sài gòn Giải phóng).
 
Sau 10 năm, tình hình vẫn lặp lại vậy. Năm 2013 – năm có tỷ lệ đậu tốt nghiệp tiệm cận mốc gần tuyệt đối - nhưng vẫn có tới hàng ngàn bài thi tuyển sinh ĐH bị điểm 0 –nghĩa là không làm được một chút nào dù là kiến thức sơ đẳng nhất. Chẳng hạn, theo báo Tuổi trẻ, trường ĐH Cần Thơ có 700 bài thi môn Toán bị điểm 0, hơn 600 thí sinh đạt 0,25 điểm môn Toán. Ở khối C, môn Lịch sử có đến 97 bài thi bị điểm liệt, thậm chí bài thi trắc nghiệm môn Vật lý cũng có thí sinh bị điểm 0. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với 24.000 thí sinh dự thi vào trường, chỉ có chưa tới 30% thí sinh đạt điểm 5 trở lên. Nghe sự thật này, liệu xã hội còn có thể vui mừng được nữa không?
 
Một kỳ thi không thực chất sẽ không thể đem lại thông tin để dự kiến phân luồng, hướng nghiệp, cải cách chương trình và phương pháp giảng dạy vì điểm số trong kỳ thi không phản ánh kết quả học tập thực sự của học sinh. Hệ quả là, cái giá mà xã hội phải trả sẽ rất đắt: trong tình trạng loạn chuẩn mực ấy, người học thật, có năng lực thật, và người quay cóp hay mua bằng sẽ cầm một tờ giấy như nhau, và người sử dụng lao động không có cách nào phân biệt được ngoài việc “thử và sai”. Người viết bài này cũng từng tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, có vô số bằng từ tú tài đến cử nhân nhưng không viết nổi một đoạn văn bản đơn giản. Do đó, mỗi người tuyển dụng phải tự mình làm “công tác khảo thí” vì chỉ trong công việc thì học thật và học giả mới phân biệt được. Sẽ đến lúc tất cả mọi tấm bằng đều bị nghi ngờ và đều vô giá trị đối với người tuyển dụng.
 
Nhưng điều đó không nguy hại bằng sự mất mát động lực học tập. Các nước phát triển sở dĩ trở thành một quốc gia phát triển là vì nó dựa trên một nguyên tắc bất di dịch là khích lệ tài năng. Học giỏi, có năng lực sáng tạo, có kỹ năng cao, thì sẽ được bù đắp xứng đáng. Xã hội không dựa trên nguyên tắc đó thì không thể phát triển được.

Phạm Thị Ly

Tin cùng chuyên mục

 Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

Ngày 4/5, Khai mạc Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024

(PNTĐ) - Ngày hội Ngày hội Công nghệ thông tin và STEM năm 2024 có chủ đề “Đẩy mạnh Chuyển đổi Số và giáo dục STEM trong ngành Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) theo định hướng giáo dục thông minh” diễn ra từ ngày 4-5/5/2024, tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông.
Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

Hướng nghiệp sớm: Đúng, nhưng phải trúng!

(PNTĐ) - Việc chọn đúng ngành nghề rất quan trọng, vì vậy công tác hướng nghiệp cần được làm từ sớm và có hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, việc hướng nghiệp mới chỉ ở hình thức, chưa thật sự xuất phát từ nhu cầu mong muốn của học sinh.