Chân dung người chiến sỹ - nghệ sỹ tài năng, nhà giáo tâm huyết
Là ca sĩ dòng nhạc thính phòng nổi tiếng, từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá, thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai còn là giảng viên thanh nhạc tài năng và nhiều tâm huyết với sự nghiệp trồng người.
“Ca sĩ như một viên kim cương thô, và sẽ mãi là viên kim cương thô nếu không được mài giũa. Khi chăm chút tỉ mẩn, viên kim cương thô đó sẽ không ngừng tỏa sáng lấp lánh”. Nhận định này thật đúng khi nhắc đến chặng đường chinh phục đỉnh cao âm nhạc của thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai, Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội
Phương Mai không chỉ được biết đến là ca sĩ nổi tiếng dòng nhạc thính phòng, từng giành nhiều giải thưởng âm nhạc danh giá trong và ngoài nước, mà còn là nữ giảng viên thanh nhạc tài năng và đầy tâm huyết, được nhiều đồng nghiệp tín nhiệm, học trò yêu quý.
Kể về chặng đường hoạt động nghệ thuật và giảng dạy của mình, Phương Mai chia sẻ rằng, chính niềm đam mê và khát vọng chinh phục đỉnh cao âm nhạc luôn rực cháy trong tim, đã trở thành “đòn bẩy” giúp cô không ngừng khẳng định tài năng, vị trí của mình.
Bước ngoặt cuộc đời
Năm 2010, khi đang giảng dạy tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phương Mai được cử sang Nga theo học ngành thanh nhạc. Đây có lẽ là bước ngoặt lớn làm thay đổi mọi dự định tương lai của nữ ca sỹ lúc bây giờ.
“Khi nhận quyết định đi du học, tôi rất bất ngờ và có chút lo lắng. Bởi khi đó tôi chỉ mới lập gia đình, bộn bề bao nỗi lo toan cho cuộc sống. Nhưng được gia đình ủng hộ, tôi lên đường sang Nga học tập. Nhìn lại chặng đường đã qua, đây thực sự là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của bản thân”, Phương Mai chia sẻ.
Nhà giáo trẻ với khát vọng chinh phục đỉnh cao âm nhạc.
Đến với nước Nga, Phương Mai rất tự hào khi được học tập thanh nhạc ở Học viện Âm nhạc Gnesinye (Matxcơva), ngôi trường đào tạo nghệ thuật danh tiếng ở nước Nga – Xô Viết, cái nôi đào tạo nhiều tài năng âm nhạc của nước Nga và các nước, trong đó có Việt Nam.
Những ngày đầu theo học, nữ ca sĩ đã gặp phải không ít những khó khăn, thử thách khi phải sống xa người thân, khó khăn làm quen, thích nghi với văn hóa nước bản xứ...Thế nhưng, với niềm tin mãnh liệt vào tương lai phía trước, người nghệ sĩ trẻ luôn quyết tâm cao độ và tự nhủ bản thân phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn, phấn đấu không ngừng.
“Động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn đó là sự quan tâm, động viên từ gia đình, của bạn bè từ cơ quan, đơn vị tại Việt Nam và sự quan tâm của thầy cô giáo, nhà trường ở Matxcơva”, Phương Mai chia sẻ.
Xúc động kể về quãng thời gian học tập ở Nga, Phương Mai nhắc lại những kỷ niệm về những tháng ngày miệt mài đèn sách nơi xứ người, nơi cô được học tập và làm việc với những con người Nga đôn hậu và tốt bụng.
Và Phương Mai không quên nhắc đến hình ảnh bà giáo Natalia Dmitrievna, người đã gắn bó, giúp đỡ cô từ những ngày đầu học tập. Chính sự dìu dắt tận tình và sự nghiêm khắc trong nghề của bà giáo Nga là nguồn động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để cô tự tin thể hiện và phát triển tài năng âm nhạc của mình.
Những năm tháng miệt mài học tập ở nước Nga xa xôi, nơi gắn bó cả “thời thanh niên sôi nổi” ở xứ sở Bạch Dương, trong niềm đam mê bất tận với âm nhạc là bước đệm quan trọng, thôi thúc Phương Mai viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Gian nan là “đòn bẩy” khẳng định chính mình
Thành công đầu tiên của Phương Mai là giải Nhì cuộc thi Âm nhạc cổ điển quốc tế - Concours Mùa thu Rachmanninov lần thứ 14, năm 2013 tại Matxcơva (Liên Bang Nga). Sau khi “mở hàng” thành công, Phương Mai không ngừng khẳng định chính mình và tiếp tục giành thêm giải thưởng danh giá khác: Giải Nhất cuộc thi Âm nhạc Liên bang Nga lần thứ 45 (dành cho các trường Âm nhạc) được tổ chức tại Xanhpertecburg, năm 2017.
Chia sẻ về chuyện nghề, Phương Mai cho biết, kỷ niệm khó quên nhất với cô là khoảnh khắc quyết định sang Ba Lan tham dự cuộc thi Âm nhạc Quốc tế (dành cho giáo viên Âm nhạc) lần thứ 5, được tổ chức tại Warszawa (Ba Lan) năm 2017. Đây là cuộc thi quy tụ nhiều gương mặt sáng giá và có tên tuổi trong giới âm nhạc châu Âu.
Chính vì mức độ cạnh tranh là rất lớn, Phương Mai phải nỗ lực tập luyện gấp nhiều lần. “Khi biết có cuộc thi, vợ chồng tôi đã dành hết số tiền tiết kiệm, chi phí sinh hoạt để sang Ba Lan tham gia. Với tôi, đây là quyết định táo bạo. Bởi, việc đăng ký, hoàn thiện thủ tục dự thi và luyện tập diễn ra trong thời gian rất ngắn, khoảng cách xa xôi khi di chuyển”, nữ ca sĩ xúc động kể lại.
Đó là quãng thời gian hai vợ chồng Phương Mai đã gặp phải không ít những khó khăn. Thế nhưng, âm thầm khăn gói sang Ba Lan, bỏ qua tất cả những lạ lẫm nơi đất khách và bất đồng ngôn ngữ, nữ ca sĩ vẫn quyết tâm “mang chuông đi đánh xứ người”.
Cuộc thi khép lại trong niềm hạnh phúc vỡ òa, Phương Mai giành giải Nhì của cuộc thi. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những tháng ngày khổ luyện của Phương Mai, và là kỷ niệm khó quên trên chặng đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật của nữ ca sĩ tài năng.
Những giải thưởng trên đã giúp Phương Mai khẳng định vị trí quan trọng của mình trong dòng nhạc cổ điển thính phòng. Đồng thời, những tấm huy chương, danh hiệu âm nhạc là minh chứng cho sự khổ công luyện tập, nỗ lực không ngừng của nữ nghệ sĩ trẻ. Trong những thành công đó, có những giọt mồ hôi và cả nước mắt của Phương Mai trên con đường chinh phục đỉnh cao nghệ thuật.
Chiến sỹ - nghệ sỹ tài năng, nhà giáo tâm huyết.
Sau một thời gian về nước, Phương Mai tiếp tục gắn bó với mái trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi đã nâng cánh ước mơ của cô 10 năm trước và nay lại mở rộng vòng tay đón người học trò xuất sắc về làm việc, cống hiến.
Phương Mai hăng say tham gia các hoạt động nghệ thuật trong nước và dành nhiều tâm huyết cho công tác giảng dạy, đạo tạo tài năng trẻ tại trường, khoa. Năm 2020, cô được bổ nhiệm vị trí Chủ nhiệm khoa Thanh nhạc, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Chân dung người chiến sỹ - nghệ sỹ và nhà giáo tài năng, Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai dường như đậm nét hơn qua dòng tâm sự của cán bộ, giảng viên, học viên trong nhà trường.
“Phương Mai là một trong số ít những chủ nhiệm khoa trẻ của nhà trường. Cô là người tận tâm, yêu nghề, luôn hết lòng vì học trò. Trong tất cả các hoạt động của khoa Thanh nhạc, cũng như của nhà trường, Phương Mai luôn sát sao và tận tình hướng dẫn học viên, sinh viên”, giảng viên khoa Văn thư, Lưu trữ và Báo chí, Bùi Thị Nga cho biết.
Hạ sĩ Phạm Văn Hưởng, học viên lớp Trung cấp Thanh nhạc K39 chia sẻ: “Giảng viên Phương Mai được các học trò - nhất là các bạn theo dòng nhạc thính phòng rất ngưỡng mộ. Cô có khả năng truyền đạt kiến thức tốt và cảm thụ âm nhạc rất tinh tế. Không chỉ vậy, cô sống rất tình cảm, luôn động viên giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để học trò có cơ hội phát triển, là tấm gương cho học trò noi theo”.
Thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai trong buổi tình nguyện được Nhà trường tổ chức mới đây
Quãng thời gian được học tập trong và ngoài nước đã giúp Phương Mai tích lũy rất nhiều kinh nghiệm quý báu và khối kiến thức chuyên môn cao. Trở về trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, mang theo một trái tim nồng nhiệt với tình yêu âm nhạc, Phương Mai vẫn tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nhà giáo, truyền lửa cho các học viên, sinh viên trong khoa Thanh nhạc.
“Tôi muốn mang những kinh nghiệm trong phương pháp sư phạm được học tập tại trường Gnesinsy và những kiến thức mình có về giảng dạy cho học trò của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nơi có bạn bè, đồng nghiệp và học trò luôn ủng hộ, động viên trong suốt quá trình tôi học tập bên nước ngoài”, Phương Mai xúc động chia sẻ.
Với những thành công và danh hiệu xứng đáng đạt được, thiếu tá Đỗ Thị Phương Mai là tấm gương sáng về tài năng và nghị lực, quy tụ tâm huyết và sức sáng tạo của đội ngũ giảng viên Khoa Thanh nhạc tiếp tục đạt được những thành tựu, là “cánh chim đầu đàn” của mái trường Chiến sĩ – Nghệ sĩ.
Minh Châu - Hoàng Hà - Hồng Nhung - Nguyễn Mai