Dự báo tăng áp lực xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT
Mùa tuyển sinh đại học năm 2021-2022, nhiều trường đại học dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng chỉ tiêu xét tuyển theo các phương thức khác. Điều này dự báo mức độ cạnh tranh vào đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn.
Theo dự kiến phương thức tuyển sinh đại học (ĐH) chính quy năm 2022 của Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường sẽ chỉ dành khoảng 10-20% chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất chiếm 60-70% dành cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do nhà trường tổ chức dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP Hà Nội và một số cơ sở giáo dục ĐH khác. Bên cạnh đó, trường dành khoảng 30%-40% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh giỏi, xét tuyển thẳng dựa trên chứng chỉ quốc tế, xét tuyển dựa trên kết quả thành tích học phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Tương tự, tại trường ĐH Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, hơn 50% chỉ tiêu xét tuyển vào trường cũng được lấy từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG TP HCM. Tỷ lệ xét tuyển dựa theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Lý do vì các trường nhận thấy xét tuyển theo kỳ thi đánh giá năng lực sẽ đánh giá chính xác và toàn diện hơn năng lực của thí sinh thay cho tổ hợp điểm 3 môn của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm nay, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT tại một số trường ĐH dự kiến sẽ giảm.
Với đại học Ngoại thương, theo bà Nguyễn Thị Hiền, trưởng phòng Đào tạo về cơ bản trường ĐH Ngoại thương có quan điểm ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm 2021, tuy nhiên, tỷ trọng giữa các phương thức xét tuyển sẽ giảm, bao gồm cả phương thức xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực. Năm 2022, chỉ tiêu dành cho phương thức này dự kiến sẽ tăng, đồng nghĩa với việc giảm chỉ tiêu đối với xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tham gia kỳ thi này, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký các môn riêng biệt do trường tổ chức gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Tiếng Anh. Thí sinh làm bài thi trên máy tính theo hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy theo môn.
Việc các trường đại học top đầu giảm dần tỷ lệ xét tuyển dựa theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là phù hợp với xu thế chung. Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ nên sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn, bảo đảm số lượng, chất lượng và công bằng trong tuyển sinh. Đặc biệt, với kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, kết quả của kỳ thi không chỉ được các trường ĐH thành viên sử dụng mà còn là căn cứ để các trường ĐH khác có chung mục tiêu có thể sử dụng để xét tuyển chung.
HOÀNG LAN