Hà Nội thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành
(PNTĐ) - Ngày 9/1, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành, với mục tiêu 100% giáo viên ngoại ngữ được tập huấn phương pháp giảng dạy hiện đại.
Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
Để hiện thực hóa các mục tiêu của kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát động phong trào "Tháng tự học ngoại ngữ" trên toàn thành phố, nhằm khơi gợi niềm đam mê học tập của học sinh.
Phong trào được triển khai với các hoạt động cụ thể như: Học sinh dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tự học ngoại ngữ; các thầy cô hỗ trợ học sinh bằng cách xây dựng tài liệu tự học và tổ chức các câu lạc bộ ngoại ngữ; các trung tâm ngoại ngữ hỗ trợ tổ chức các lớp học, hội thảo hoặc tài liệu miễn phí cho học sinh ngoại thành…
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng, Hà Nội có quy mô, chất lượng giáo dục dẫn đầu cả nước. Vì vậy, Thành phố cần đi đầu cả nước về việc thực hiện nhiệm vụ: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị.
Về tình hình dạy và học ngoại ngữ hiện nay của Hà Nội, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, ở khu vực nội thành, nhờ có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, học sinh được tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến, tài liệu học tập phong phú, giáo viên giàu kinh nghiệm. Trong khi đó, tại các vùng ngoại thành, dù các thầy, cô giáo đã rất nỗ lực nhưng điều kiện còn nhiều hạn chế, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến nguồn tài liệu hỗ trợ.
"Điều này khiến học sinh ở các vùng ngoại thành gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ, từ đó làm giảm cơ hội cạnh tranh và hội nhập", lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.
Do đó, kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa các vùng nội thành và ngoại thành không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là trách nhiệm lâu dài của ngành giáo dục Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nôi, đây cũng là giải pháp mà ngành Giáo dục Thủ đô hiện thực hóa phương châm: "Không để ai bị bỏ lại phía sau", hướng tới mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện, công bằng và bền vững cho mọi học sinh.
Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường việc học qua dự án
Kế hoạch thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học ngoại ngữ giữa nội thành và ngoại thành đặt mục tiêu 100% giáo viên ngoại ngữ được tập huấn phương pháp giảng dạy hiện đại; triển khai đồng bộ giải pháp công nghệ trong giảng dạy tại các nhà trường. Cùng với đó là xây dựng mô hình “cặp trường kết nghĩa” để trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ trong việc dạy và học môn tiếng Anh và các ngoại ngữ khác.
Kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng xác định một số giải pháp trọng tâm như: Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường việc học qua dự án, kết hợp các hoạt động giao lưu, thuyết trình bằng tiếng Anh; triển khai phần mềm học tập tiên tiến, sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tự học, tổ chức các lớp học trực tuyến với giáo viên bản ngữ.
Các trường học sẽ tăng cường tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại để dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là các tài khoản giúp học sinh tự học ngoại ngữ; tổ chức các buổi giảng dạy mẫu, chia sẻ tài nguyên giữa giáo viên nội và ngoại thành, xây dựng kho tài liệu trực tuyến.
Từ tháng 6/2025, Hà Nội sẽ nhân rộng mô hình trên toàn thành phố, bảo đảm học sinh ngoại thành có cơ hội tiếp cận chất lượng giáo dục tương đương với nội thành.
Theo kế hoạch, từ tháng 1/2026, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình "cặp trường kết nghĩa", các lớp học mẫu và phong trào tự học ngoại ngữ.
Phát biểu hưởng ứng tại hội nghị, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanhchia sẻ một số giải pháp trọng tâm của huyện Ba Vì đã triển khai để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, thu hẹp khoảng cách với các quận nội thành.
Giải pháp đầu tiên là tham mưu chính quyền địa phương xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ”; tăng cường bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh.
Đặc biệt, với địa hình xa trung tâm, nhân dân sống bằng nông nghiệp là chủ yếu nên môi trường dạy học Tiếng Anh của giáo viên và học sinh Ba Vì khó khăn hơn giáo viên nội thành. Vì thế, huyện Ba Vì chọn cách tạo ra môi trường để học sinh làm quen, phát triển ngôn ngữ thông qua việc tiếp cận với tiếng Anh thông qua tranh vẽ, hình ảnh, khẩu hiệu, biểu ngữ trang trí trường, lớp…Từ cách làm đó, các học sinh dần không còn “sợ” Tiếng Anh mà tự tin hơn khi tiếp cận với ngoại ngữ.
Với quyết tâm đưa Tiếng Anh trở thành đưa Tiếng Anh trở thành ngoại ngữ thứ Hai trong các nhà trường, trong thời gian qua, huyện Ba Vì đã tổ chức các hội thảo để tìm ra những giải pháp khả thi nhất đảm bảo sự phát triển của ngành Giáo dục huyện Ba Vì trong thời gian tới.
Toàn huyện Ba Vì hiện có 36 trường tiểu học với 759 lớp 24.761 học sinh, trong đó có 12,9% học sinh dân tộc thiểu số. Học sinh từ khối 3, 4, 5 học theo chương trình GDPT (4 tiết/tuần); 100% học sinh khối 1, 2 được làm quen tiếng Anh.
Huyện hiện có 92 giáo viên tiếng Anh cơ bản đủ về số lượng. Chất lượng: năng lực 68/92 giáo viên đạt chuẩn B2 khung châu Âu trở lên (76,03%); còn 15 GV đạt B1, 3 giáo viên trình độ A1, A1 và 6 giáo viên chưa tham gia đánh giá; trình độ 84 giáo viên có trình độ ĐH, còn 8 giáo viên cao đẳng.
Về chất lượng học tiếng Anh: Tỷ lệ học sinh được đánh giá Hoàn thành tốt cuối năm học qua: khối 3 là 57,14%; khối 4 là 55,12%; khối 5 là 45,15%; phối hợp Đại học Ngoại ngữ khảo sát đầu năm học này đối với khối 5: Số học sinh đạt từ 0- dưới 5,0 điểm (chưa hoàn thành) chiếm tỷ lệ 17,57%%); Số HS đạt điểm từ 5,0 điểm- 8,75 điểm (hoàn thành) đạt 76,74%; Số học sinh đạt điểm từ 9,0 điểm- 10 điểm (hoàn thành tốt) chiếm (5,68%).