Hệ lụy của "bệnh thành tích"

Chia sẻ

Thông tin lan truyền những ngày qua về việc một số trường THCS ở Hà Nội ép học sinh có học lực không tốt không được tham gia tuyển sinh vào lớp 10 THPT hoặc phải chuyển trường đã khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc và học sinh đều xác nhận hiện tượng trên là có thật.

Có hiện tượng nhưng không có bằng chứng

Chị L.H, một PHHS có con đang học lớp 12 tại quận Nam Từ Liêm cho biết: Không phải tới năm học này mà nhiều năm trước, khi con chị đang học lớp 9, chị cũng đã từng bị cô giáo chủ nhiệm gọi ra gặp riêng. Tại buổi gặp, cô giáo cho biết, sức học của con chị không thể thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập. Vì vậy, tốt nhất, con không nên dự thi vào trường công lập mà nên tìm trường ngoài công lập hoặc trường nghề để theo học. Khi vẫn quyết định cho con dự thi để thử sức, chấp nhận cả việc con có thể không trúng tuyển, gia đình chị L.H đã vấp phải thái độ khó chịu của cô giáo.

“Cuộc nói chuyện hôm đó chỉ có hai người nên tôi không có bằng chứng về sự ép buộc của cô giáo. Hơn thế, gia đình cũng muốn để con yên ổn học nốt mấy tháng còn lại nên cũng chẳng muốn phản ánh hay làm to chuyện” - chị L.H nói.
Phản ánh trên trang thông tin của Bộ GD-ĐT, một phụ huynh học sinh cũng cho biết: Do hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn nên sức học của cháu chị bị sa sút. Sau đó, hai mẹ con cháu được Ban Giám hiệu gọi lên ký cam kết tự nguyện không thi cấp 3. Ngay lớp 9 cháu đã làm thủ tục để chuyển sang trường học nghề.

Nhiều cha mẹ học sinh cũng phản ánh nếu không ép học sinh không thi vào lớp 10 ở nhiều trường công lập hiện nay còn có hiện tượng giáo viên yêu cầu học sinh đăng ký dự thi vào trường THPT công lập có mức điểm chuẩn ở dưới sức học của các em để tăng khả năng trúng tuyển. Cũng vì vậy, đã có nhiều trường hợp học sinh khá giỏi đỗ vào trường “nhóm 2, 3” nhưng lại thừa nhiều điểm trong sự luyến tiếc của các em.

Một học sinh khác cũng phản ánh với Bộ GD-ĐT sự việc tương tự đã xảy ra với em 4 năm về trước. “Là một học sinh lớp 9 em rất nỗ lực để thi vào trường top đầu của tỉnh. Nhưng chỉ vì bài kiểm tra đầu năm em chỉ vỏn vẹn 2,5 điểm Toán. Những lần sau em rất quyết tâm thi vào trường top đầu (những lần thi sau em đều dư thừa đến 4-5 điểm so với điểm chuẩn của trường các năm trước). Nhưng trường em đang học liên tục chỉ trích em trên lớp, nói rằng em không thể đỗ được trường đó và liên tục gọi em ra ngoài làm công tác tư tưởng, gọi điện cho gia đình, đề nghị em thi trường "top dưới".

Nhiều học sinh yếu kém không được khuyến khích thi vào lớp 10 vì nhà trường sợ các em thi rớt sẽ ảnh hưởng tới thành tíchẢnh minh họa: Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022Nhiều học sinh yếu kém không được khuyến khích thi vào lớp 10 vì nhà trường sợ các em thi rớt sẽ ảnh hưởng tới thành tích   - Ảnh minh họa: Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022

Chấm dứt xếp hạng trường dựa trên tỷ lệ đỗ đạt

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội, hiện tượng các nhà trường “ép” học sinh được cho là yếu kém không được thi lên lớp 10 THPT công lập bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có áp lực từ bệnh thành tích.

Hàng năm chất lượng của một trường học, trình độ năng lực của hiệu trưởng được khẳng định bằng tỷ lệ học sinh của trường đó thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập (với trường THCS) hay đỗ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển đại học (với trường THPT). Mỗi năm, chính Bộ GD-ĐT công bố xếp hạng các trường phổ thông trên cả nước dựa theo tiêu chí có học sinh thi đỗ các kỳ thi như một sự khẳng định đó là tiêu chí đánh giá chất lượng của trường. Còn với giáo viên, nếu trong lớp có nhiều học sinh không đỗ vào trường THPT công lập thì rất có thể năm sau sẽ không được phân công dạy lớp 9.

PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, việc đánh giá như vậy là sai lầm và buộc các trường phải gồng mình chạy theo bệnh thành tích. Trong khi lẽ ra, đánh giá chất lượng giáo viên, trường học nên căn cứ vào sự tiến bộ của các học sinh ở đầu vào và đầu ra. “Một giáo viên giỏi không phải là dạy cho bao nhiêu học sinh đã khá giỏi, chăm ngoan sẵn thi đậu mà là giúp đỡ, truyền cảm hứng cho học sinh yếu kém học tập tiến bộ, yêu thích việc học. Đó mới là mục tiêu của giáo dục. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta chỉ có danh hiệu giáo viên dạy giỏi chứ không có danh hiệu giáo viên giáo dục giỏi”- PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức lại nhìn nhận sự việc “ép học sinh yếu kém không được thi lên lớp 10” từ góc độ của việc hướng nghiệp. Theo thầy Bình, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh phổ thông lẽ ra phải là cả một quá trình được thực hiện bài bản, khoa học ngay từ khi học sinh vào bậc THCS chứ không phải đợi tới khi các em chuẩn bị bước vào kỳ thi cuối cấp.

Nếu được định hướng sớm, bản thân nhiều học sinh và gia đình có thể xác định được rõ năng lực, nguyện vọng của bản thân để chủ động lựa chọn hướng đi thích hợp. Như vậy, không phải em nào cũng chọn lựa học tiếp lên cao theo hướng hàn lâm mà có thể chủ động chuyển sang học nghề, học bổ túc nếu phù hợp.

Đặc biệt, theo thầy Bình, việc các trường THCS, giáo viên định hướng nghề nghiệp cho học sinh là cần thiết nhưng việc định hướng này chỉ nên đóng vai trò cung cấp thông tin để học sinh tự lựa chọn. Thầy cô giáo không được áp đặt, can thiệp thô bạo, buộc học sinh và gia đình các em phải nghe theo nếu không sẽ “đánh trượt tốt nghiệp THCS”.

Tại một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt tại Đức, nhiều học sinh sau tốt nghiệp THCS không có nguyện vọng học theo con đường hàn lâm sẽ chuyển sang học nghề.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, chúng ta cũng cần thay đổi quan niệm của xã hội về nghề nghiệp theo hướng không có nghề nào tốt, nghề nào xấu, cũng như không phải học phổ thông tốt hơn học nghề. Khi quan niệm thay đổi thì việc học sinh lựa chọn đi học nghề hay trường nghề, không lựa chọn thi vào trường THPT công lập cũng sẽ trở nên rất bình thường. Như vậy, cha mẹ học sinh và học sinh cũng sẽ không thấy bị tổn thương khi được giáo viên định hướng lựa chọn con đường học tập khác ngoài học tiếp lên bậc THPT.

Bài và ảnh: HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

Hà Nội công bố thành lập trường THCS Giảng Võ 2

(PNTĐ) - Chiều 17/5, quận Ba Đình tổ chức Hội nghị công bố, quyết định thành lập Trường THCS Giảng Võ 2 và trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng. Trường THCS Giảng Võ 2 (quận Ba Đình) được thành lập trên cơ sở tách Trường THCS Giảng Võ để hướng tới xây dựng trường chất lượng cao.
Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

Luật Nhà giáo: Kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo

(PNTĐ) - Chiều 17/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức chương trình Tọa đàm với các cơ quan báo chí về Dự thảo Luật Nhà giáo lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật. Trước đó, ngày 13/5/2024, Bộ GD-ĐT đã công bố Dự thảo Luật Nhà giáo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội.
Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

Thủ tướng chỉ thị tăng cường, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học 2024

(PNTĐ) - Để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện; thực hiện đúng quy định, quy chế tổ chức thi; thông tin, truyền thông phải chủ động, kịp thời, đầy đủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, xử lý linh hoạt, hiệu quả những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh tham gia Kỳ thi.
Giúp con thích đọc sách chữ

Giúp con thích đọc sách chữ

(PNTĐ) - Sách đã giúp chị Phạm Hạnh (Quảng Ngãi) bước sang một trang mới, tích cực, hiểu biết và phát triển bản thân hơn. Chị đã quyết định đầu tư cho mình và gia đình một kệ sách và giúp con yêu từng trang sách chữ.