Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam: Vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2020

Chia sẻ

Đó là khẳng định của PGS.TS Phạm Quốc Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam trước thềm tuyển sinh năm 2021 .

     

PGS.TS Phạm Quốc BìnhPGS.TS Phạm Quốc Bình

- PV: Xin ông cho biết, những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2021 của Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam và thí sinh cần đặc biệt lưu ý những gì?.

- PGS.TS Phạm Quốc Bình: Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng một số phương thức tuyển sinh khác nhau. Nhưng trước tình hình dịch bệnh phức tạp, nhằm ổn định tâm lí cho thí sinh và phụ huynh, Học viện quyết định vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2020. Các phương án đã xây dựng có thể được xem xét cho các năm tuyển sinh tiếp theo. Do đó, thí sinh chỉ cần theo dõi và thực hiện các bước như kế hoạch chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo đề ra. Thường xuyên cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Học viện tại những mốc thời gian quan trọng và cố gắng dành thời gian ôn tập cho tốt để đạt kết quả cao trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

- PV: Nhiều cơ sở đại học thông báo tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam có áp dụng phương thức này không? Hiện nhiều thí sinh đang hiểu, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là chắn chắn trúng tuyển đại học. Như vậy có đúng không, thưa ông?

- PGS.TS Phạm Quốc Bình: Như câu trả lời trên, Học viện chưa áp dụng phương thức tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ Quốc tế. Nếu áp dụng vào những năm sau, Học viện sẽ có thông báo chi tiết, kịp thời cho thí sinh.

- PV: Nhiều ý kiến cho rằng, đối với khối ngành Sức khoẻ, chất lượng đầu vào cần phải có những yêu cầu nghiêm ngặt, vì vậy nhiều người lo lắng về việc xét tuyển học bạ đối với khối ngành này, vậy ông có chia sẻ gì?

- PGS.TS Phạm Quốc Bình: Các Quy định hiện hành về tuyển sinh khối ngành sức khỏe có những điều kiện bắt buộc  nhất định để đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào, dù là phương thức xét tuyển học bạ hay xét kết quả kì thi tốt nghiệp THPT hoặc thi tuyển.

- PV: Vấn đề học phí đào tạo khối ngành Sức khoẻ ngày một tăng cao, khiến nhiều phụ huynh, học sinh e ngại. Ông có ý kiến gì về việc này?

- PGS.TS Phạm Quốc Bình: Đào tạo khối ngành sức khỏe có chi phí vật tư, trang thiết bị lớn. Việc tăng học phí cũng nhằm mục đích nâng cao điều kiện cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, nhằm chia sẻ khó khăn chung của toàn xã hội trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã quyết định không tăng học phí trong năm học 2021- 2022.

- PV: Y dược cổ truyền cần được phát triển mạnh mẽ hơn nữa, song dường như so với khối ngành sức khoẻ khác, thí sinh vẫn chưa thực sự mặn mà với lĩnh vực này?

 - PGS.TS Phạm Quốc Bình: Thí sinh tốt nghiệp ngành y học cổ truyền  cũng có những lợi thế nhất định so với các ngành khác như về cơ hội việc làm phong phú, quy mô đào tạo trên toàn quốc hiện nay chưa đáp ứng được nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu khám và điều trị bệnh bằng YHCT, Thế giới đang càng ngày càng  hướng đến sử dụng các liệu pháp Y học cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

 - PV: Nhờ  tích cực quảng bá thông tin và cũng như những vấn đề đào tạo thực chất, chất lượng, hiệu quả cho ngành đào tạo YHCT nên trong nhiều năm vừa qua, Học viện luôn tuyển đủ số chỉ tiêu đăng kí, điểm chuẩn luôn cao hơn so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục & Đào tạo quy định (Như năm 2020 là 24,15 so với 21, cao hơn 3,15 điểm).

P.V (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.