Nhiều “cửa” cho các sĩ tử

Chia sẻ

Năm học 2020-2021, các trường THPT công lập của Hà Nội dự kiến tuyển sinh khoảng 62%, tương đương với 69.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, với số học sinh còn lại vẫn còn nhiều cơ hội khác để học tiếp lên cao.

Theo ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội đảm bảo 100% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nguyện vọng sẽ tiếp tục được đi học phù hợp với năng lực, nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh. Cụ thể, có khoảng 22% số học sinh sẽ được tuyển vào trường THPT ngoài công lập và trường THPT công lập tự chủ tài chính; 8% học sinh tuyển vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và khoảng 8% học sinh tham gia học nghề.

Hàng chục ngàn chỉ tiêu vào trường ngoài công lập

Năm học 2021-2022, trong số 111 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường tư thục của Hà Nội được phép tổ chức tuyển sinh lớp 10, có 105 trường có phương án tuyển sinh theo phương thức xét học bạ; 30 trường áp dụng đồng thời cả hai phương thức là sử dụng điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và xét học bạ; 6 trường xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2021-2022.

Trường THPT Đông Đô, quận Tây Hồ năm học này tuyển 8 lớp 10 ban Cơ bản D, trong đó có lớp chất lượng cao, lớp tiếng Anh nâng cao, lớp ngoại ngữ 2. Phương thức xét tuyển là xét học bạ và tuyển thẳng với học sinh giỏi năm học 2020-2021. Nhà trường cam kết ổn định mức học phí trong cả năm học là 2,5 triệu đồng/tháng với học sinh lớp 10 và 3 triệu đồng/tháng với học sinh các khối còn lại. (9 buổi/tuần).  Riêng học sinh có hộ khẩu tại phường Bưởi vào học lớp 10 năm học 2021-2022 được miễn 100% kinh phí tăng cường cơ sở vật chất.

Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022Học sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022

Trường THCS-THPT Hà Thành, quận Bắc Từ Liêm cũng áp dụng phương thức xét học bạ 4 năm học cấp THCS và theo điểm thi vào lớp 10 dành cho 270 học sinh có nguyện vọng theo học tại trường. Đặc biệt, trường áp dụng tuyển sinh tất cả đối tượng học sinh, có và không có hộ khẩu Hà Nội.

Bên cạnh trường ngoài công lập, Hà Nội còn có một hệ thống các trường công lập tự chủ tài chính. Theo thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT bán công Phan Huy Chú, quận Đống Đa, năm nay, trường tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức xét học bạ và qua điểm chuẩn. Với phương thức xét học bạ, học sinh được xét bằng tính điểm học lực, điểm bộ môn và điểm cộng không phụ thuộc vào kết quả thi tuyển. Học sinh có học lực từ khá, hạnh kiểm tốt cấp THCS là có cơ hội xét tuyển vào trường. Đối với phương thức xét qua điểm, thời gian xét bắt đầu từ ngày 30/6.

Học sinh còn có thể chọn theo học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các quận/huyện trên địa bàn Hà Nội. Chẳng hạn Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Nam Từ Liêm năm học 2021-2022 tuyển sinh lớp 10 THPT chương trình Giáo dục thường xuyên kết hợp với học nghề. Học sinh học văn hóa được cấp bằng THPT quốc gia với chương trình 7 môn bắt buộc, học nghề được cấp bằng Trung cấp chính quy và được lựa chọn các nghề theo nguyện vọng (chương trình học 3 năm). Đặc biệt, thời gian tuyển sinh của trung tâm hiện chỉ mới bắt đầu và kéo dài tới ngày 15/8/2021.

Tại huyện Mỹ Đức, theo ông Lê Văn Thăng, Phó phòng GD-ĐT huyện, trên địa bàn có 4 trường THPT công lập là Mỹ Đức A, B, C và THPT Hợp Thanh. Năm 2021, Mỹ Đức có khoảng 2.500 học sinh tốt nghiệp lớp 9 THCS, tới đây, khoảng 80% các em sẽ theo học tại 4 trường công lập; 10% học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Đức, 10% theo học nghề, đi làm công nhân. Ông Thăng cho biết, gần đây, Trung tâm thực hiện liên kết với các trường nghề, tiến hành đào tạo cho học sinh vừa có bằng THPT, vừa có bằng nghề nên thu hút được nhiều học sinh đăng ký theo học. Ông Thăng cho rằng, đây là một hướng đi đúng, cho phép học sinh có nhu cầu, nguyện vọng được học nghề và sớm gia nhập thị trường lao động.

Nhiều điểm mới cần chú ý

Theo dự đoán, mặt bằng điểm chuẩn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10THPT công lập không chuyên năm học 2021-2022 của Hà Nội sẽ tăng cao hơn năm 2020 do đề thi được đánh giá khá “dễ thở” nên nhiều học sinh làm được bài. Sau khi công bố điểm thi, Hà Nội đồng thời cũng sẽ công bố điểm chuẩn dự kiến vào ngày 4/7 tới. Theo đó, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn bổ sung cho các trường THPT chuyên và không chuyên nếu tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Từ ngày 30/6 đến 6/7/2021, các cơ sở giáo dục trả hồ sơ và giấy báo kết quả thi; nhận đơn phúc khảo của HS (nếu có). Ngày 20/7, HS sẽ nhận kết quả phúc khảo.

Theo ông Phạm Văn Đại, năm nay các thí sinh sẽ có thêm nguyện vọng 3 (NV3) vào một trường công lập, nhiều hơn các năm trước 1 NV. Đối với học sinh không trúng tuyển NV1 sẽ được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Mức chênh giữa các nguyện vọng là 1 điểm, giảm 0,5 điểm so với mọi năm. Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.

Ngoài ra, đối với các trường THPT công lập, học sinh có thể xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Tuy nhiên, với trường ngoài công lập, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, chỉ áp dụng duy nhất hình thức xác nhận nhập học trực tiếp.

TRUNG THU

Tin cùng chuyên mục

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

Tạo động lực, nguồn lực và không gian phát triển cho giáo dục đại học

(PNTĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) bổ sung nhiều nội dung mới, đồng thời lược bỏ các quy định không còn phù hợp như: Phân loại trường theo định hướng, điều kiện thành lập trường thành viên, quy định bắt buộc hội đồng trường với trường thuộc lực lượng vũ trang, thủ tục mở ngành, phân hiệu, kiểm định… nhằm chuẩn hóa hệ thống, giảm thủ tục và thống nhất quản lí.
Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

Thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số: Vai trò chủ lực của ngành Giáo dục trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ đơn thuần là một hoạt động chuyên môn, mà còn là sứ mệnh chính trị - xã hội của ngành Giáo dục trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là bước kế thừa và phát triển trong thời đại mới, nơi tri thức, kỹ năng số trở thành công cụ tối quan trọng để nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội.