Nữ giảng viên với ước mơ “giải mã” não bộ người

Chia sẻ

Với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào chẩn đoán bệnh Alzheimer, TS Hà Thị Thanh Hương, trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã trở thành nhà nghiên cứu người Việt đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award do Tổ chức quốc tế nghiên cứu về khoa học thần kinh trao tặng.

TS Hà Thị Thanh Hương (bên phải) hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệmTS Hà Thị Thanh Hương (bên phải) hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm

Tuy nhiên, với chị và các cộng sự, đó chỉ là sự khởi đầu thuận lợi trên hành trình nghiên cứu nâng cao sức khỏe tinh thần cho người Việt Nam.

 TS Hà Thị Thanh Hương, sinh năm 1989, hiện là trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y Sinh của trường Đại học (ĐH) Quốc Tế, ĐHQG TPHCM. Chị cho biết, ước mơ “giải mã” sức khỏe bộ não người đã theo chị từ khi còn là học sinh chuyên Sinh ở trường Phổ thông Năng Khiếu, ĐHQG TPHCM. Hồi đó, khi đưa người thân trong gia đình đến các bệnh viện để khám sức khỏe tâm thần, dù chưa hiểu nhiều về các bệnh này nhưng chị có cảm giác việc tiếp cận, chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh của các bác sĩ vẫn còn hạn chế. Người bệnh chỉ trả lời qua bảng câu hỏi mà chưa được tìm hiểu căn nguyên từ trong não bộ. Vì vậy, chị quyết định sau này sẽ đi sâu nghiên cứu về sức khỏe não bộ con người.

 Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Công nghệ sinh học, chuyên về Y dược của trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2011, TS Hương đã được nhận học bổng toàn phần làm tiến sĩ chuyên sâu về Thần kinh học tại ĐH Stanford, Mỹ do Chương trình học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF trao tặng. 6 năm miệt mài nghiên cứu, làm việc ở Mỹ, dù không thiếu cơ hội nhưng chưa bao giờ chị nghĩ tới việc ở lại nước bạn. Chị thậm chí còn không nộp bất kỳ một hồ sơ xin việc tại trường đại học hay viện nghiên cứu nào. TS Hương luôn mong ước sớm được trở về, góp phần xây dựng ngành Thần kinh học ở Việt Nam.

TS Hương cho biết, phụ nữ làm khoa học gặp nhiều thử thách, lúc nào cũng cảm thấy 24h một ngày là chưa đủTS Hương cho biết, phụ nữ làm khoa học gặp nhiều thử thách, lúc nào cũng cảm thấy 24h một ngày là chưa đủ

Ngày về, hành lý của chị và người bạn đời (hiện cũng là giảng viên của trường ĐH Khoa học Tự nhiên) đa phần là các thiết bị thí nghiệm sinh hóa, sinh học phân tử… do anh chị vừa được các phòng thí nghiệm tại Mỹ trao tặng, vừa tự bỏ tiền túi mua. Sau khi “đầu quân” về Khoa Kỹ thuật Y sinh tại ĐH Quốc tế, TS Hương đã nhanh chóng kết nối với các trí thức trẻ, chuyên gia ở trong và ngoài nước, và các bác sĩ ở nhiều các bệnh viện lớn… để triển khai hàng loạt dự án về sức khỏe tâm thần.

Trong số này, dự án đã đưa chị tới giải thưởng quốc tế Early Career Award là phát triển phần mềm chẩn đoán Alzheimer. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người lớn tuổi và đang có chiều hướng gia tăng ở Việt Nam trong bối cảnh già hóa dân số.

Theo TS Hương, hiện nay, theo quy trình chẩn đoán Alzheimer, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các bài kiểm tra tâm thần kinh, xét nghiệm máu để loại trừ nguyên nhân, sau đó chụp MRI sọ não. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ tải ảnh MRI  lên phần mềm rồi vẽ khoanh vùng đồi hải mã để tính toán thể tích vùng não bị teo nhỏ. Quá trình này sẽ mất khoảng 1 tiếng/bệnh nhân. Tuy nhiên, do làm “thủ công” nên việc đo chụp sẽ khó thực hiện hơn nếu như ở vào giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer, khi các dấu hiệu teo não chưa rõ ràng và khá phân tán, chưa hẳn đã tập trung vào vùng hồi hải mã.

Dự án của TS Hương và cộng sự đã đưa ra một cách tiếp cận mới hiện đại thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI lên phân tích ảnh MRI. Công nghệ này giúp các bác sĩ có được thông số đo đạc các vùng tổn thương của não chỉ trong vòng 10 phút, đồng thời đưa ra xác suất mắc bệnh. Từ đó, những bệnh nhân ở xa cũng có thể được chẩn đoán, thay vì phải tới các bệnh viện có chuyên gia về Sa sút trí tuệ. Một triển vọng khác là trí tuệ nhân tạo cũng sẽ giúp chẩn đoán sớm các tổn thương ngay cả trên những vùng ngoài hồi hải mã. Bên cạnh hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nhóm cũng đang triển khai nghiên cứu các công cụ sinh học phân tử có tính đột phá lớn như giải trình tự RNA trong mẫu máu.

 Một dự án khác mà TS Hương và cộng sự cũng đang dồn rất nhiều tâm huyết và công sức là chẩn đoán mức độ stress. Trong xã hội hiện đại, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19, ước tính tỷ lệ người bị stress có xu hướng tăng cao. Nhưng, mức độ tăng stress trên mỗi người ra sao, tăng cao ở thời điểm nào hiện chưa có công cụ định lượng. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của TS Hương cũng đang hợp tác sử dụng các phương pháp sinh hoá để đưa ra sản phẩm que thử độ hormone gây ra stress trong cơ thể.

Hay như bằng phương pháp sử dụng công nghệ đo tín hiệu điện não, nhóm cũng đang nghiên cứu các quy trình phân tích và phân loại tín hiệu điện não nhằm phát hiện stress một cách chính xác hơn. Quy trình phân tích này có thể kết hợp với các thiết bị đo điện não di động, người sử dụng đội chiếc mũ này ngay tại nhà để được đo tín hiệu điện não và phân tích mức độ stress.

 TS Hương cho biết, phụ nữ làm khoa học gặp nhiều thử thách, lúc nào cũng cảm thấy 24h một ngày là chưa đủ. Thế nhưng, thường chị không bao giờ nhận “đặc quyền” ăn ngủ tại phòng thí nghiệm. Hàng ngày, chị vẫn luôn về nhà để hai con nhỏ có mẹ, rồi sau khi các con đã ngủ ngoan chị mới lại trở dậy, tiếp tục hết mình với đam mê khoa học.

TS  Hà Thị Thanh Hương luôn mong muốn bằng các nghiên cứu  của mình và cộng sự có t thể nâng cao sức khỏe tinh thần cho người Việt NamTS Hà Thị Thanh Hương luôn mong muốn bằng các nghiên cứu của mình và cộng sự có t thể nâng cao sức khỏe tinh thần cho người Việt Nam

Có một số dự án chị và nhóm cộng sự dồn rất nhiều tâm huyết nhưng gặp trở ngại liên tục trong quá trình triển khai như dự án ứng dụng thiền chánh niệm để giảm stress, dự án nghiên cứu sức khỏe tinh thần của người cao tuổi ở thành thị và nông thôn. Ngoài ra cũng có những đề cương nghiên cứu không nhận được tài trợ do ở Việt Nam không tìm được nhóm bệnh nhân chuẩn, chưa có kho lưu trữ mẫu bệnh phẩm, thiếu các dữ liệu được số hoá để phục vụ nghiên cứu. Nhiều dữ liệu chỉ được lưu trữ trên giấy nên nhà nghiên cứu rất khó để tiếp cận, đã gây ra một sự lãng phí tài nguyên lớn.

 Vì vậy, TS Hương rất hiểu vai trò của việc đưa công nghệ vào hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Tại Mỹ, từ lâu các bệnh viện đã thực hiện việc số hóa, đồng bộ hóa dữ liệu còn ở Việt Nam, quá trình này mới đang được triển khai. Tuy nhiên, TS Hương thấy rằng, đây là một tín hiệu rất đáng mừng và hy vọng, Việt Nam sẽ nhanh chóng bắt kịp xu hướng chuyển đổi số trên thế giới.

Cùng với đó, theo TS Hương, kỷ nguyên số cũng đặt ra thách thức với các nhà khoa học là phải không ngừng nỗ lực học hỏi và tiếp nhận các kỹ thuật cũng như kiến thức mới, hợp tác với các nhóm chuyên gia đa ngành, nghiên cứu hiệu quả hơn và sản phẩm làm ra phải đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

Đồng hành cùng con “vượt vũ môn”

(PNTĐ) - “Việc học thi là việc của con, việc của cha mẹ là hỗ trợ con làm tốt việc học của mình. Cha mẹ cần ý thức rõ vai trò hỗ trợ của mình mà không phải sống thay, quyết định thay cho con” – chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh cho biết.