Thiếu trầm trọng giáo viên đứng lớp
(PNTĐ) - “Giáo viên thêm 71.000 người, trong khi học sinh tăng trên 3 triệu”- đó là lời trần tình của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Đây quả là thách thức khi ngành GD-ĐT đang triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới và giáo viên chính là lực lượng quyết định thành bại của đổi mới giáo dục.

Áp lực công việc quá lớn
Tiếp cận báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) lưu ý đến một nội dung được mà Chính phủ đánh giá là hạn chế: "Tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng". Theo đại biểu Tô Văn Tám, đây rõ ràng là một thực tế bởi từ năm 2020 đến tháng 6/2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Nguyên nhân của tình trạng trên không chỉ đến từ tiền lương, thu nhập thấp mà còn do môi trường làm việc chưa tốt, áp lực của công việc quá lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, giáo viên nghỉ việc thực sự là hiện tượng bất thường trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông cần rất nhiều giáo viên. Trong giai đoạn 2021-2022 tính đến tháng 8/2022 do Cục Nhà giáo cung cấp, trong tổng 16.265 giáo viên nghỉ việc thì số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người. Nếu phân cấp học thì mầm non có 6.391 giáo viên nghỉ việc. Số giáo viên nghỉ việc cũng chủ yếu đang tập trung vào một số các tỉnh, địa bàn là khu đô thị, khu công nghiệp... Đại biểu này cho rằng, Chính phủ cần có ý kiến với Quốc hội để giải quyết ngay vấn đề thiếu giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình), Chính phủ rất cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Đại biểu này cho rằng sự thành bại của đổi mới giáo dục vai trò quyết định là ở nhà giáo, vì vậy cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo. Trong đó, có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo và đặc biệt là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học, chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt nhất là những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp.
Cần tuyển dụng ngay giáo viên trong năm học 2023-2024
Trả lời ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chính là 2 vấn đề nổi cộm mà ngành GD-ĐT đang gặp phải.
“Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên tại tháng 9/2015 là 1.156.000 giáo viên bậc mầm non đến phổ thông, đến thời điểm tháng 9/2022, cả nước có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm khoảng 71.000 người, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu”- Bộ trưởng cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, theo Bộ trưởng do từ nhiều năm về trước đã thiếu, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, thiếu do tăng dân số tự nhiên. Ngoài ra, thiếu giáo viên còn do biến động dồn dịch về dân số; do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi; thiếu do việc tăng từ học 1 buổi lên 2 buổi/ngày; thiếu do chuẩn về tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp...
Thiếu giáo viên còn do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh THPT học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo con số thống kê thì chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu 26.228 giáo viên để đảm bảo cho các môn.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026, riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27.000 giáo viên. Các Sở Nội vụ của các địa phương đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên. Trong số 65.000 chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành Nội vụ phối hợp để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024. Bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn và nếu sau năm 2024, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa.
Một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên, chính sách này đang được Chính phủ tính toán, sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, vị trưởng tư lệnh ngành GD-ĐT đã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non để giải quyết tình trạng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non. “Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%. Nếu tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng từ 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị.