Phụ nữ “nói không” với rác thải nhựa: khó hay dễ?

Kỳ 1: Phụ nữ Thủ đô tiên phong “nói không” với rác thải nhựa

Bài và ảnh: Thanh Thanh - Quỳnh Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) -Rác thải nhựa đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, nhất là sức khỏe con người. Chống rác thải nhựa là việc làm khó đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị.

Kỳ 1: Phụ nữ Thủ đô tiên phong “nói không” với rác thải nhựa - ảnh 1
Lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội, Huyện ủy Ba Vì tham quan gian hàng trưng bày mô hình “Chống rác thải nhựa” sáng ngày 29/5/2023.

Cán bộ Hội gương mẫu đi đầu
Hội LHPN Hà Nội là một tổ chức chính trị - xã hội có lực lượng hội viên đông đảo tham gia trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng sản phẩm, những năm qua, xác định công tác bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác Hội và phong trào phụ nữ và mỗi cán bộ, hội viên là lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp, chung tay bảo vệ môi trường. Theo bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, từ năm 2019 đến nay, hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của Chính phủ, TƯ Hội LHPN Việt Nam và TP Hà Nội phát động, Hội LHPN Hà Nội đã bám sát các văn bản chỉ đạo của các cấp, ban hành nhiều văn bản triển khai, thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong hệ thống Hội, đưa nội dung vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa vào nội dung thi đua của cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và gắn với các tiêu chí thi đua hàng năm. Đồng thời, Thành Hội đã chỉ đạo các cấp Hội Phụ nữ tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng túi nilon, cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi và lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp phụ nữ và nhân dân bằng những việc làm thiết thực.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền Thúy, Chánh Văn phòng Hội LHPN Hà Nội, việc “Nói không” với túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần không phải một sớm một chiều có thể thực hiện được ngay. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu” và tinh thần quyết tâm thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” hiệu quả, thiết thực, đặc biệt là phát huy tinh thần nêu gương, khoảng 5 năm gần đây, Thành Hội Phụ nữ Hà Nội đã tiên phong trong việc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như nước uống đóng chai, ống hút nhựa, cốc nhựa… trong hội nghị, tiếp khách.

Nếu như trước đây, việc sử dụng các chai nước uống bằng nhựa trong các cuộc họp, các hội nghị được tổ chức tại Thành Hội được xem là việc bình thường nhằm phục vụ đại biểu, thì hiện nay, thói quen này đã được thay thế hoàn toàn bằng chai thủy tinh đựng nước tinh khiết, nước trà. Các chai thủy tinh hay bình sứ được vệ sinh sạch sẽ để đựng nước sử dụng nhiều lần vừa tiết kiệm kinh phí vừa bảo vệ môi trường.

Là huyện miền núi, phụ nữ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, song huyện Ba Vì vẫn luôn sẵn sàng cùng vào cuộc để thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, áp dụng theo cách làm của Thành Hội, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng chia sẻ: Nếu trước đây, mỗi tháng Hội phải mua hàng trăm lốc nước đóng chia bằng nhựa, giờ cần vài chục chai thủy tinh để đựng nước; đồng thời trước cuộc họp, chị em chắt nước từ bình nước khoảng 20 lít vào các bình thủy tinh rồi rót ra ly; đồng thời pha thêm vài bình trà lớn để đại biểu nào có nhu cầu thì tự phục vụ. Đối với những xã, thị trấn kinh phí hoạt động cho phong trào Hội còn khó khăn, hạn chế, các đơn vị sử dụng một bình to chứa nước tinh khiết rồi rót nước vào các cốc thủy tinh để sử dụng. Để triển khai đồng loạt, Hội Phụ nữ đã trao tặng hàng nghìn bình nước thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho các cơ sở Hội và hội viên phụ nữ.

Việc dùng chai thủy tinh hay bình sứ, bình inox… đựng nước uống thay thế chai nhựa, lọ nhựa là việc làm cần thiết, phù hợp, hiện nay nhiều chị em cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn tại các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên… không những đã và đang thay đổi dần thói quen này mà còn vận động người thân gia đình, bạn bè cùng tham gia thực hiện.

Linh hoạt, sáng tạo trong tuyên truyền
Để phong trào “Chống rác thải nhựa” phát huy hiệu quả, thực chất, tránh hình thức, bằng nhiều sáng kiến hay trong công tác tuyên truyền, vận động, các cấp Hội Phụ nữ đã từng bước giúp chị em hội viên phụ nữ hiểu và làm theo. Theo đó, sau những buổi họp sinh hoạt theo định kỳ của Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ xã Kim Chung, huyện Đông Anh còn tham gia vệ sinh môi trường, thu gom chai nhựa, túi nilon, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh tại khuôn viên của UBND, nhà văn hóa..., Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Chung Lê Thị Minh Nhàn cho biết: Công tác bảo vệ môi trường của chúng tôi không chỉ dừng lại ở các hoạt động vệ sinh, thu gom rác thải thông thường, mà Hội còn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân hạn chế sử dụng túi nilon, vật liệu nhựa dùng 1 lần trong gia đình, khu dân cư và nơi làm việc.

Kỳ 1: Phụ nữ Thủ đô tiên phong “nói không” với rác thải nhựa - ảnh 2
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày mô hình “Chống rác thải nhựa” sáng ngày 29/5/2023.

Khó khăn lớn nhất để triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” đó là việc thay đổi thói quen sử dụng túi nilon đã ăn sâu vào ý thức của mỗi người. Trước đây, mỗi khi đi chợ, bà Nguyễn Thị Hường, phường Quang Trung, quận Hà Đông luôn có thói quen, mỗi lần đi chợ đều mang về cả chục chiếc túi nilon đủ màu đựng thịt, cá, rau... Thế nhưng kể từ khi Hội LHPN quận Hà Đông xây dựng mô hình “Chống rác thải nhựa, túi nilon” triển khai rộng rãi tại Hội LHPN 17 phường nhằm tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường, bà Hường đã thay đổi thói quen tưởng chừng cố hữu. Giờ đây, bà chỉ sử dụng làn nhựa khi đi chợ, đôi khi thay đổi bằng túi vải hoặc túi thân thiện với môi trường mua tại các siêu thị lớn.

Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông Lại Hà Phương, tới nay, Hội LHPN quận đã phát hơn 3.000 làn nhựa nhằm giúp chị em đi chợ, nhằm hạn chế sử dụng túi nilon. “Việc tuyên truyền cho các bà, các chị được các cấp Hội trong các ngày lễ kỷ niệm lớn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Nhờ đó, mô hình có sức lan tỏa lớn, đến mọi đối tượng phụ nữ. Ngoài việc sử dụng làn nhựa của các bà, các mẹ đã nghỉ hưu, nhiều chị em trong độ tuổi lao động còn chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy đi chợ, siêu thị, tất cả đều nhằm hạn chế túi nilon…

Tại quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch Hội LHPN Quận Trịnh Thị Huệ cho biết: Công nghệ số phát triển, song song với tuyên truyền trên mạng xã hội, nhóm zalo, facebook, nhiều cán bộ Hội, hội viên nòng cốt đã kiên trì, bền bỉ đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động, tuyên truyền chị em, hội viên và người dân thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Lúc đầu, nhiều hộ gia đình có chút ngại, và không tin sẽ làm được việc này nhưng do thấy được cái lợi khi hạn chế sản phẩm nhựa dùng 1 lần để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cộng đồng nhiều chị đã tích cực vào cuộc thực hiện phong trào. Hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Quận Hội phát động tới 100% cơ sở Hội và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân.

Kỳ 1: Phụ nữ Thủ đô tiên phong “nói không” với rác thải nhựa - ảnh 3
Hội LHPN huyện Đông Anh tham gia mô hình chống rác thải nhựa
Kỳ 1: Phụ nữ Thủ đô tiên phong “nói không” với rác thải nhựa - ảnh 4
Hội LHPN quận Long Biên tổ chức hội thi "Tái chế rác thải nhựa"

Để phong trào “Chống rác thải nhựa” lan tỏa và thực sự có hiệu quả trong năm 2022, Hội LHPN quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức cuộc thi “Phụ nữ Bắc Từ Liêm chung tay phòng, chống rác thải nhựa”; Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, mới đây, vào cuối tháng 5/2023, Hội LHPN quận Long Biên tổ chức hội thi “Tái chế rác thải nhựa”… Bên cạnh cuộc thi, Hội Phụ nữ còn tổ chức các gian hàng trưng bày các sáng kiến và các sản phẩm xanh, thay thế các sản phẩm nhựa, nilon... thu hút được sự quan tâm của nhân dân trên địa bàn hưởng ứng.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

Tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ năm 2023-2024 trong các cấp Hội

(PNTĐ) - Ngày 15/4, Hội LHPN quận Thanh Xuân đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị năm 2023-2024 trong các cấp Hội và Tập huấn Quán triệt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2024.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

Hội LHPN Hà Nội: Bàn giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng

(PNTĐ) - Ngày 17/4, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp tập hợp, thu hút phụ nữ trên không gian mạng”. Chủ trì hội thảo có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam và bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội.
Đánh giá, nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp

Đánh giá, nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp

(PNTĐ) - Ngày 17/4/2024, Hội LHPN quận Ba Đình đã tổ chức tọa đàm “Kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình thực hiện hiệu quả Chương trình, Đề án, Cuộc vận động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra”. Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm có bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội.