Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới
(PNTĐ) - Giáo dục truyền thống cho phụ nữ Thủ đô trong kỷ nguyên mới không chỉ khơi dậy niềm tự hào về quá khứ mà còn là bước đi chiến lược để phụ nữ Thủ đô tự tin khẳng định vị trí của mình, đưa Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh.
Giáo dục truyền thống cầu nối quá khứ và hiện tại
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng, niềm tự hào dân tộc, truyền thống vẻ vang của phụ nữ Thủ đô và cả nước là yếu tố tạo nên nguồn lực nội sinh nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, ý chí vượt khó vươn lên để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, Thủ đô văn minh, hiện đại, góp phần vào nhiệm vụ cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong gia đình, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, họ là người giữ lửa, truyền đạt các giá trị đạo đức và văn hóa cho thế hệ trẻ. Không phải tự nhiên mà tục ngữ có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Do đó, việc quan tâm giáo dục truyền thống cho phụ nữ chính là cách tạo dựng, duy trì những “người thầy” để tiếp tục thực hiện trao truyền các giá trị cho những thế hệ tiếp nối.
Trong xã hội, những giá trị truyền thống chính là một trong những động lực giúp phụ nữ tự tin tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị và khoa học. Việc thực hiện tăng cường giáo dục truyền thống chính là cách bồi đắp bản lĩnh cho người phụ nữ có đủ hành trang tham gia, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển của xã hội.
Giáo dục truyền thống giúp phụ nữ trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa giá trị truyền thống và tinh thần đổi mới. Đây chính là nền tảng để phụ nữ góp phần lan tỏa sức mạnh dân tộc, đồng thời tiếp thu những giá trị tiến bộ của thời đại.
Trong thời gian qua, Hà Nội quan tâm giáo dục cho đội ngũ cán bộ Hội, hội viên thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức các hoạt động về nguồn, đi thăm các di tích lịch sử, biểu dương điển hình tiên tiến phụ nữ Thủ đô thi đua làm theo lời Bác. Giao lưu các nhân chứng lịch sử trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, phong trào Ba đảm đang, Tổ chức Ngày hội “Phụ nữ Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp”…

Chỉ riêng trong năm 2024 các cấp hội trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục về giá trị gia đình, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng cho chị em phụ nữ với 1.181 cuộc, 122.976 người tham gia.
Nhận thức rõ tầm quan trọng lớn lao trong việc giáo dục truyền thống đối với phụ nữ, Thành phố Hà Nội đã có những cố gắng trong triển khai thực hiện với những hình thức đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, đến nay công việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đó là tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. T
oàn cầu hóa đưa đến sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ, khiến các giá trị truyền thống bị cạnh tranh, đứng trước nguy cơ mai một hoặc bị biến tướng. Người phụ nữ đứng trong vòng xoáy của sự phát triển, phải chịu nhiều sức ép nên cũng khó tránh được sự tác động từ bên ngoài. Công nghệ hiện đại thay đổi cách con người tiếp cận thông tin và kiến thức, làm mờ nhạt vai trò của các phương thức giáo dục truyền thống…
Tuy nhiên, trong cách mạng công nghiệp, nữ giới, nhất là nữ giới ở khu vực nông thôn có tỷ lệ tiếp cận Internet và công nghệ thông tin thấp hơn so với nam giới, do đó khả năng khai thác công nghệ để học tập, phát triển cũng hạn chế hơn so với nam giới. Khoảng cách thế hệ giữa người lớn tuổi và giới trẻ ngày càng lớn cũng có phần do ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ.
Vẫn còn một số quan điểm lạc hậu, định kiến giới gắn việc giữ gìn truyền thống với sự áp đặt, hạn chế quyền tự do phát triển của phụ nữ. Điều này tạo nên sự mâu thuẫn giữa việc giữ gìn giá trị truyền thống và nhu cầu hiện đại hóa của chính người phụ nữ, trong đó người phụ nữ thường ở thế yếu.
Bản thân người phụ nữ do thường chịu thiệt thòi ở nhiều lĩnh vực, khiến họ cũng “quen” với việc chấp nhận những yếu tố bất bình đẳng mà mình phải chịu đựng như là điều đương nhiên. Tâm lý này cùng với sự hạn chế về cơ hội tiếp cận các chương trình giáo dục, bao gồm cả giáo dục truyền thống (cả ở góc độ chủ quan và khách quan) cũng ảnh hưởng tới việc phát huy vai trò của phụ nữ trong giáo dục truyền thống…

Đổi mới cách tiếp cận giáo dục
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra những cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Thủ đô Hà Nội. Để người phụ nữ Thủ đô nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung phát huy tốt vai trò của mình trong thực hiện giáo dục truyền thống trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trở thành cầu nối giữa việc khai thác, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau trong thực hiện giáo dục truyền thống đối với phụ nữ: Đổi mới cách tiếp cận giáo dục.
Một nét đặc trưng trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là việc khai thác, phát huy lợi thế của công nghệ số để tích lũy, phát triển, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác, phát huy nhân lên những lợi thế, sức mạnh mềm mà Việt Nam, Thủ đô Hà Nội đang có những lợi thế.
Trong giáo dục truyền thống, đây là một yếu tố cần đặc biệt chú ý. Sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như mạng xã hội, podcast và video ngắn để giới thiệu các giá trị lịch sử, truyền thống một cách hấp dẫn, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức một cách rộng rãi cho người phụ nữ.
Tổ chức các chương trình trải nghiệm thực tế như tham quan di tích lịch sử, tham gia các buổi diễn xướng dân gian, hay tái hiện các sự kiện lịch sử gắn liền với truyền thống hào hùng, sự phát triển mạnh mẽ của Thủ đô Hà Nội trong hiện tại và tương lai.
Tổ chức Hội và các tổ chức xã hội cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu về lịch sử; tham gia vào quá trình xây dựng các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của phụ nữ. Phát động các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử Hà Nội dành cho phụ nữ và gia đình, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.
Hội LHPN Việt Nam và các tổ chức xã hội cần tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục truyền thống. Lồng ghép các giá trị lịch sử vào các phong trào thi đua, hoạt động cộng đồng như phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”.
Hỗ trợ phụ nữ trong thời đại chuyển đổi số: Đưa công nghệ vào việc lan tỏa các giá trị truyền thống, như xây dựng thư viện số về văn hóa, hoặc các khóa học trực tuyến về lịch sử và đạo đức. Tiếp tục triển khai một số đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức hiểu biết và chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Thủ đô”, “Văn hóa ứng xử của người phụ nữ Hà Nội”; tôn vinh những cá nhân phụ nữ có đóng góp xuất sắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô… vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, “5 không 3 sạch”, tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy từ gia đình… hỗ trợ phụ nữ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dạy con, kỹ năng ứng xử trong gia đình…
Khuyến khích phụ nữ tham gia truyền đạt những bài học lịch sử cho thế hệ trẻ, bắt đầu từ những câu chuyện về Thủ đô, đất nước trong quá khứ và tiện tại. Trước tiên tập trung cho phát huy vai trò giáo dục của người phụ nữ ngay trong chính bản thân mỗi gia đình.
Bên cạnh đó, trong từng gia đình, phụ nữ cần được giáo dục cách giữ gìn giá trị tuyền thống, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo và tư duy hiện đại. Khích lệ, động viên các tầng lớp phụ nữ Thủ đô không ngừng phấn đấu học tập nâng cao trình độ mọi mặt, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đoàn kết giúp nhau vượt qua khó khăn, tích cực nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lao động, sản xuất kinh doanh.
* Bài viết tham gia hội thảo“Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” năm 2024.