Bài 2: Gia đình chịu tác động mạnh mẽ, nhiều thách thức trong thời kỳ hội nhập

Chia sẻ

Xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập đã mang đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng mang lại nhiều tác động và thách thức nảy sinh từ mặt trái của cơ chế thị trường.

Công nghệ đang khiến cho các thành viên gia đình đắm chìm trong thế giới ảo xa rời sự kết nối tình cảm trong thế giới thựcCông nghệ đang khiến cho các thành viên gia đình đắm chìm trong thế giới ảo xa rời sự kết nối tình cảm trong thế giới thực (Ảnh: Minh họa)

Tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng

Kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho thấy, sau 9 năm kể từ điều tra đầu tiên (năm 2010), tỷ lệ các hình thức bạo lực phổ biến nhất đối với phụ nữ ở Việt Nam, theo chính "người trong cuộc" chia sẻ trong các cuộc phỏng vấn, giảm không đáng kể và bạo lực tình dục lại có xu hướng tăng lên. Hầu hết phụ nữ Việt Nam vẫn có nguy cơ cao bị một, hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng hoặc bạn tình gây ra. Cụ thể, gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15-64 được phỏng vấn và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra. Cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời; 31,6% phụ nữ phải chịu các hình thức bạo lực này ở hiện tại (trong 12 tháng qua). Trẻ em cũng là nạn nhân của bạo lực khi sống trong gia đình có người mẹ bị đánh đập với những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của trẻ. Điều tra cũng khẳng định bạo lực là một hành vi có tính tiếp thu và ước tính 4,4% phụ nữ đã bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ trước 15 tuổi.

Mặc dù chúng ta đã có những chế tài để phòng chống bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới trong gia đình. Thế nhưng, những mặt trái của xã hội đã khiến tình trạng bất bình đẳng, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em không những không giảm mà còn gia tăng và biến tướng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019" cho thấy, trong giai đoạn này có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Tuy nhiên đây chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm", vì vẫn còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý. Ngoài các hình thức trẻ em bị xâm hại nêu trên, theo Báo cáo của Chính phủ, còn 790.518 trẻ em lao động trái pháp luật; 156.932 trẻ bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13.489 trẻ 15 tuổi tảo hôn.

Đoàn giám sát cũng cho rằng nguyên nhân là do mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, Internet, mạng xã hội; Việc di dân tự do; Sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức xã hội trong một bộ phận người dân; Tình trạng lạm dụng rượu, bia, chất kích thích mạnh khác chưa được ngăn chặn hiệu quả; Số lượng lớn trẻ em phải sống trong hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội…

Báo động lối sống mới làm thay đổi giá trị hôn nhân, gia đình truyền thống

Ngày nay, xu hướng thực dụng đang xâm nhập vào quan hệ hôn nhân, gia đình. Những toan tính, vụ lợi, lối sống ích kỷ cá nhân đang ngày càng làm tổn thương tình cảm gia đình. Ở một bộ phận, quan niệm về hôn nhân đang trở nên đảo lộn, tính nghiêm túc của hôn nhân đang bị coi thường. Lối sống tự do, thích hưởng thụ xuất hiện khá phổ biến dẫn tới tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân bừa bãi, chuyện nam nữ sống thử với nhau khá nhiều và không ít thanh niên xem đó là chuyện bình thường. Đặc biệt có những trào lưu yêu đương trá hình làm băng hoại đạo đức lối sống gia đình dưới vỏ bọc cha nuôi, con nuôi như trào lưu “Sugar daddy, sugar baby” nổi lên gần đây.

Bên cạnh đó, tình trạng ly hôn, đặc biệt là ly hôn giữa các cặp vợ chồng trẻ ngày càng gia tăng với những lý do dễ dàng. Nếu như trước đây, các kiểu gia đình mới như: Gia đình chung sống không kết hôn, gia đình (làm mẹ) đơn thân không nhiều thì nay lại có xu hướng gia tăng. Nghiên cứu "Một số biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay, khuyến nghị và chính sách" của GS.TS Nguyễn Minh Thi (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy, với những thay đổi lớn trong kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, những hình thức hôn nhân gia đình mới ủng hộ tính cá nhân có xu hướng tăng. Có 38,5% người trả lời chấp nhận sống độc thân; 28,4% có nhu cầu, mong muốn sống thử trước khi kết hôn.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thực trạng hôn nhân ở Việt Nam và thế giới: Nguyên nhân tỷ lệ ly hôn ở gia đình trẻ tăng cao?” do Trung ương Đoàn- Hội LHTN Việt Nam tổ chức tháng 9/2020, Thạc sĩ Lê Thị Lan Phương, Quản lý chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho biết: Tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm từ 1,4% (2009) lên 2,1% (2019). Báo cáo của tòa án cũng cho thấy, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn và 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn. Chỉ tính riêng ở địa bàn Hà Nội, năm 2019 có 17.000 vụ án ly hôn tại 30 quận, huyện.

Việc gia tăng các vụ ly hôn sẽ gây hệ lụy không nhỏ đến gia đình và xã hội. Nó không chỉ khiến giá trị đạo đức gia đình bị xuống cấp bởi những ảnh hưởng tiêu cực từ các vụ ly hôn mà còn làm cho xã hội bất ổn, gia tăng tình trạng phạm tội của trẻ em. Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, trong hơn một thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có ít nhất 13.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Loại hành vi mà người chưa thành niên thực hiện, chiếm tỉ lệ lớn là xâm phạm sở hữu khoảng 46%, trong đó hành vi trộm cắp tài sản chiếm gần 38%. Các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác chiếm hơn 18% trên tổng số vi phạm bao gồm các tội như: Giết người, cướp tài sản, cướp giật tài sản, tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Trong tổng số người chưa thành niên vi phạm pháp luật, gần 21% người chưa thành niên bị khởi tố có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi như bố hoặc mẹ bị phạt tù, ly hôn…

Quan hệ gia đình lỏng lẻo, suy giảm sự kết nối tình cảm bởi công nghệ số

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập phát triển đất nước, những chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa Việt Nam, cách mạng công nghệ số đã có nhiều tác động tích cực đến kết quả xây dựng gia đình. Tuy nhiên bên cạnh đó, gia đình Việt phải đối diện với rất nhiều thách thức, và bước đầu có những dấu hiệu khủng hoảng. Đặc biệt trong bối cảnh đất nước ta đang trên đà hội nhập, những ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, của văn hóa ngoại lai, của công nghệ số và mạng xã hội đã làm cho các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lỏng lẻo, truyền thống tốt đẹp trong gia đình bị phá vỡ, đạo đức xuống cấp. Thực trạng này đã và đang đặt ra những thách thức lớn đối với mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam trước yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Thi, cách mạng công nghệ lần thứ 4 với đặc điểm là sự kết hợp một cách sâu rộng các lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân gia đình Việt. Việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới ảo vô tận và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự quy trì các mối quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn. Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa một mặt mang lại tiềm năng lớn giải phóng sức lao động của con người, nhưng mặt khác lại đang tạo nên một thế giới tình yêu, hôn nhân ảo - như robot tình dục, hẹn hò trực tuyến… Điều này dẫn tới nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần tình dục, không cần gia đình, con cái, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

Đánh giá về những tác động và ảnh hưởng của mặt trái xã hội tới gia đình, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, của Quốc hội cho rằng: Việc thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc giáo dục giữa các thành viên diễn ra với không ít gia đình hiện nay. Ở khu vực đô thị, do nhịp sống hiện đại, khung cảnh sinh hoạt gia đình dường như bị thu hẹp dần bởi những bữa cơm thiếu thành viên, những khoảnh khắc gặp nhau vội vã, những cuộc trò chuyện thăm hỏi ngày càng thưa thớt. Ngay cả khi có điều kiện ngồi cùng nhau trong một khung cảnh chung thì dường như mỗi thành viên cũng đang tập trung chú ý vào máy tính, điện thoại và bị cuốn vào những mối quan tâm riêng trên không gian mạng. Ở địa bàn nông thôn, do hoàn cảnh mưu sinh, nhiều người phải di cư lao động tìm việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp dẫn tới nguy cơ tình cảm gia đình phai nhạt, sự gắn kết giữa các thành viên gia đình trở nên lòng lẻo, hạn chế. Trẻ em không có được sự chăm sóc từ cha mẹ dẫn tới tổn thương.

Theo TS Nguyễn Thị Mai Hoa, một hệ quả khác tác động trực tiếp đến chức năng giáo dục của gia đình đó là sự tác động của hệ giá trị tình cảm, chi phối các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, kết quả của công cuộc đổi mới đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, nhưng đồng thời nảy sinh những thách thức lớn đối với hạnh phúc và sự bền vững của gia đình Việt. Thu nhập có thể tăng lên, nhà cửa khang trang hơn, nhu cầu sinh hoạt của mỗi thành viên trong gia đình dễ dàng được đáp ứng, nhưng bi kịch mới của gia đình đã hình thành bởi sự rạn nứt về tình cảm, sự nghi kỵ do thiếu lòng tin, dần tạo nên mẫu thuẫn xung đột, bạo lực, gia tăng ly hôn… Hay như thực trạng liên tiếp những vụ án đau lòng xảy ra gần đây mà nạn nhân và thủ phạm là cha mẹ, con cái anh em trong gia đình. Trong điều kiện ấy, gia đình khó có thể làm tốt chức năng giáo dục, các thành viên trong gia đình khó có thể hình thành nhân cách tốt. Đây cũng chính là những vấn đề mà các cơ quan chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương, các cấp, các tổ chức đoàn thể xã hội phải đặc biệt quan tâm.

(Còn nữa)

"Bình đẳng giới trong gia đình còn nhiều bất cập

Dù đã có những kết quả tích cực nhưng nhìn chung, bình đẳng giới trong gia đình vẫn còn khá nhiều điều bất cập. Việc phân biệt đối xử theo giới tính trong gia đình vẫn diễn ra khá phổ biến, phần lớn người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ và trẻ em gái. Vị thế, quyền năng về kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội vẫn còn thấp hơn nam giới. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ gia đình chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới…Tình trạng buôn bán, bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em còn diễn ra phổ biến. Ở một số địa phương đã xảy ra những vụ bạo hành nghiêm trọng có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở cấp cộng đồng nhằm từng bước giảm thiểu bạo lực, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới. Một số mô hình được triển khai đã góp phần giảm thiểu các vụ bạo lực gia đình ở địa phương.

Thạc sĩ Lê Khánh Lương,

Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội


"Một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành "tổ ấm"

Trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ trong gia đình. Những giá trị, chuẩn mực truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. Mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con cái dường như bị suy giảm. Nền tảng đạo đức xã hội, nhân cách của một số trẻ em đang có nguy cơ bị lung lay, bởi chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và thiếu vắng sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình.

Ðáng lo ngại hiện nay là, vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành "tổ ấm" cho mỗi con người… Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng khá bất ổn ở không ít gia đình, đó là việc thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái, dù họ vẫn sống cùng nhà với các con, cả đối với những người đang vật lộn mưu sinh cũng như các gia đình khá giả hơn. Vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ người cha, người mẹ không dành thời gian để chăm sóc con cái. Sự thiếu quan tâm của cha mẹ đối với con cái có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực cả về mối liên hệ tình cảm cha mẹ - con cái hoặc tăng thêm nguy cơ đối với các hành vi lệch chuẩn trong cuộc sống. Không ít trẻ em trong các gia đình không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, đi lang thang bụi đời, để cuối cùng rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, cướp giật, mại dâm, trộm cắp... gần đây nhất nhiều cháu gái nhỏ bị xâm hại rất thương tâm.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
(Dẫn từ bài viết "Gia đình và giáo dục gia đình trong bối cảnh xã hội ngày nay")

THU HÀ

 

Tin cùng chuyên mục

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

Khổ vì mẹ chồng hay... soi

(PNTĐ) - Từ ngày có mẹ chồng lên ở cùng, Trang nhàn hẳn việc chăm con và dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng, sự soi mói, để ý của bà khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt.
Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú

(PNTĐ) - Khi ra đời, lẽ ra được quyền có đủ cả cha và mẹ nhưng những đứa trẻ ấy lại phải ngậm ngùi mang danh “con ngoài giá thú”. Bỏ qua trường hợp người phụ nữ chủ động chọn làm mẹ đơn thân nhờ sự giúp đỡ của y học, các em là kết quả của mối quan hệ yêu đương “ngoài luồng”, người bố sau cuộc vui thì “quất ngựa truy phong”... Trong khi đó, việc “xác định bố cho con” vô cùng khó khăn vì không đủ chứng cứ, nếu xác định được thì người mẹ cũng vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

“Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê“

(PNTĐ) - Ly hôn là giải pháp cuối cùng cho một cuộc hôn nhân không còn tiếng nói chung. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng trẻ, khi mới chỉ xảy ra mâu thuẫn nhỏ nhặt, thay vì tìm cách hàn gắn  hạnh phúc, ngồi lại với nhau để tìm giải pháp thì lại vội vã chọn ly hôn...