Báo động trẻ em đang bị xâm hại trên môi trường mạng

Chia sẻ

Quốc hội lần đầu tiên giành trọn một ngày (27/5) để xem xét, thảo luận các báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, đảm bảo an toàn và phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Hội LHPN Hà Nội và báo PNTĐ thăm hỏi, động viên một trường hợp cháu bé bị xâm hại tại Chương Mỹ (Hà Nội)Hội LHPN Hà Nội và báo PNTĐ thăm hỏi, động viên một trường hợp cháu bé bị xâm hại tại Chương Mỹ (Hà Nội) (Ảnh: T.H)

Mỗi ngày có hơn 720 nghìn hình ảnh xâm hại trẻ em bị phát tán trên mạng

Đại biểu quốc hội Hoàng Thị Hoa (tỉnh Bắc Giang) cho biết: Theo thống kê, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), trong đó hơn 1/3 ở độ tuổi từ 15 đến 24.

Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, hầu hết là hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục, trong đó số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam. Trong 3 năm qua, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường MXH. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh đúng thực chất bức tranh trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng.

Đáng nói, “qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập phòng chat ảo, thiết lập hoặc tham gia các trang web, diễn đàn trên MXH để tìm kiếm trẻ em, từ đó thả tin nhắn, lời thoại làm quen. Sau một thời gian trò chuyện, bọn chúng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới, về tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, xem các hình ảnh khiêu dâm trên mạng… Có những đối tượng còn giả là người cùng giới với trẻ. Chúng lấy hình ảnh đại diện là bé gái 14 - 15 tuổi, rồi nhắn tin kết bạn làm quen, trò chuyện về sự phát triển của các bộ phận trên cơ thể, sau đó gạ gẫm, chụp cho nhau xem. Nhiều em thấy đó là bạn cùng giới nên đã mất cảnh giác, gửi hình ảnh cho chúng. Khi đã có hình ảnh, đoạn phim của trẻ, các đối tượng ép trẻ phải quan hệ tình dục, nếu không sẽ phát tán hình ảnh lên mạng” - đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) thông tin.

Các đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ; thông tin về kẻ phạm tội đều ảo, ẩn danh, các máy chủ hầu hết đặt ở nước ngoài cho nên dễ dàng xóa, hủy chứng cứ. Do đó, còn rất nhiều kẻ phạm tội xâm hại trẻ em vẫn đang nhởn nhơ trên MXH.

Cần trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng an toàn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, dù trẻ em đang đứng trước không ít nguy cơ xâm hại trên MXH nhưng nhiều cha mẹ chưa biết hướng dẫn trẻ cách thức sử dụng mạng an toàn. Công bố mới nhất của tổ chức Kaspersky cho thấy, 84% phụ huynh trên toàn thế giới lo lắng về vấn đề an toàn của con khi sử dụng mạng. Tuy nhiên, tính trung bình thì các bậc phụ huynh chỉ dành 46 phút để trò chuyện với con về vấn đề này trong suốt cuộc đời thời thơ ấu của chúng.

Bởi vậy, ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên MXH, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng con trở thành công dân có trách nhiệm trên MXH; Đồng thời kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học; Kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác…

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng), Quốc hội, Chính phủ cũng cần xem xét ban hành quy định riêng, cụ thể về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng internet, máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử và truyền thông; Bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin, bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời tư, bí mật cá nhân, quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ trẻ em tìm kiếm, thu nhận và phổ biến thông tin, bày tỏ ý kiến nguyện vọng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải quy định chi tiết các hành vi được coi là xâm hại và có chế tài xử lý nghiêm ngặt. Hiện nay, “các hành vi như quay lén, nhìn lén hoặc bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục với hình thức trực tiếp hoặc qua mạng, hiện tượng khoe bộ phận nhạy cảm nơi cộng đồng trường học khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài của pháp luật. Vì xử lý theo chế tài của pháp luật thì khó xử lý hoặc xử lý cũng rất nhẹ. Các hành vi nói chuyện dâm ô hoặc dụ dỗ sex với trẻ em không có quy định cụ thể nên hầu như không được xử lý” - đại biểu Ksor Phước Hà (tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh.

Có thể thấy rằng, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội, do sự lan truyền nhanh, nhiều người biết, gây ám ảnh và có thể theo các em suốt cuộc đời. Bởi vậy, gia đình và cả xã hội cần vào cuộc kịp thời, phòng ngừa nguy cơ bị xâm hại trên MXH để mọi trẻ em được sinh ra, lớn lên an toàn và phát triển trong tương lai.

THẢO HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.
Tha thứ nhưng không... buông bỏ

Tha thứ nhưng không... buông bỏ

(PNTĐ) - Trong lá đơn ly hôn đơn phương gửi ra tòa, anh nêu lý do hôn nhân đổ vỡ là do “vợ dù tha thứ nhưng không buông bỏ lỗi lẫm của chồng, khiến cuộc sống hôn nhân không còn ý nghĩa”.