Bắt cóc trẻ em: Cảnh giác nhưng không thái quá

Chia sẻ

PNTĐ-Những thông tin về nạn bắt cóc trẻ em lan truyền trên mạng khiến nhiều người hoang mang và cảnh giác tối đa. Nhiều vụ việc đánh nhầm người ngay dẫn đến hậu quả đau lòng.

 
Bắt cóc trẻ em: Cảnh giác nhưng không thái quá - ảnh 1
Hai phụ nữ bán tăm bông bị người dân đánh oan
vì nghi bắt cóc trẻ em
 
Ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia an toàn thông tin trên mạng chia sẻ, mạng xã hội ngày càng phát triển, xu hướng tương tác trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin cảnh báo đúng sự thật, nhiều thông tin được tạo ra nhằm mục đích câu view, thu hút sự quan tâm của dư luận để bán hàng. Các status câu like đưa thông tin ở mức nghiêm trọng hơn khiến nhiều người cho rằng hiện trạng bắt cóc trẻ em diễn ra dày đặc, gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận. Một số tờ báo mạng đã vội vã “vợt” về khi chưa kịp kiểm chứng khiến nhiều người tin đó là sự thật. “Tin giả” này khiến cha mẹ lo lắng, tìm cách bảo vệ con. Chỉ cần thấy người lạ có những biểu hiện đáng nghi, cha mẹ đã kêu cứu, vây bắt, tra khảo và cùng đám đông “tự xử”.
 
Luật sư Đặng Thị Vân Thịnh, Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội phân tích, có hai trường hợp bắt cóc trẻ em có thể xảy ra, một là có mâu thuẫn sâu sắc với gia đình cháu bé nên bắt cóc trẻ em để trả thù, hai là vì lợi ích kinh tế. Đối với hành vi bắt cóc để tống tiền, các đối tượng thường nhắm đến những gia đình khá giả, có khả năng đáp ứng cao cho đối tượng. Một số vụ bắt cóc nhằm mua bán trẻ em, đối tượng lợi dụng sơ hở trong quản lý của gia đình và khả năng kháng cự kém của các cháu bé để ra tay thực hiện hành vi.
 
“Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 1999 (đang có hiệu lực thi hành) không quy định riêng về tội Bắt cóc trẻ em như Bộ luật Hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) mà chỉ quy định tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” tại Điều 134 với tình tiết tăng nặng định khung tại Khoản 2, Điểm Đ là “đối với trẻ em thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm”. Ngoài ra, xét hậu quả xảy ra, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân. Nếu xét hành vi, động cơ, mục đích, người phạm tội có thể bị xét xử về tội Giết người với tình tiết tăng nặng định khung tại Khoản 1, Điểm C là “Giết trẻ em” với mức phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
 
Tuy nhiên trên thực tế, do bị kích động bởi các thông tin bắt cóc trẻ em tràn lan trên mạng, nên nhiều người đã vây bắt, đánh hội đồng, đập phá tài sản của người bị nghi ngờ là bắt cóc. Đây là sai luật, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và nhân phẩm của con người được pháp luật bảo vệ. Kể cả người đó bị phát hiện là bắt cóc trẻ em, người dân cần giao người đó cho cơ quan có thẩm quyền phán xử theo đúng quy định của pháp luật. Cha mẹ cần tỉnh táo kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người xung quanh để bắt giữ đối tượng, báo và giao ngay đối tượng cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật, không tự ý xử lý đối tượng gây mất trật tự công cộng và phải chịu chế tài của pháp luật hình sự. “Đối với những người có hành vi tấn công ngời nghi bắt cóc trẻ em, tùy từng hành vi, mục đích, hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật ở tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người" - luật sư Vân Thịnh lý giải.
 
 Tâm lý lo sợ thái quá của người lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy, sinh hoạt và học tập của con trẻ. Nhiều trẻ cho rằng, người lạ là kẻ xấu, luôn đề phòng tất cả mọi người. Có những trường hợp, bố mẹ vì lo sợ nên đã cách ly không cho con vui chơi, giao tiếp với bên ngoài, cả ngày chỉ làm bạn với tivi và ipad, dẫn đến sự phát triển lệch lạc về tâm sinh lý, thể chất của con sau này.
 
Do đó, trước khi chờ đợi cơ quan chức năng xiết chặt các thông tin gây tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, thì cha mẹ cũng cần cân nhắc và có đánh giá đúng mức về mức độ thông tin, không nên chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng để tránh gây bất an trong dư luận. Cha mẹ cần đề cao cảnh giác và bảo vệ con, song bên cạnh việc giám sát, không bỏ mặc con cái một mình, cha mẹ cũng cần dạy cho con những kỹ năng ứng phó trước nạn bắt cóc như không theo và nhận đồ của người lạ; biết danh sách những người đáng tin tưởng: cô giáo, công an; có mật khẩu riêng của từng gia đình để con nhận diện người thân, sơ; cho con tham gia các lớp học võ thuật để tăng tính bạo dạn và phản xạ...
 
Nếu trẻ không may bị bắt cóc, cha mẹ cần bình tĩnh, trình báo với cơ quan công an hoặc gọi điện đến đường dây nóng 18001567 để được tư vấn hỗ trợ. Đặc biệt, cha mẹ không nên nói rõ địa chỉ, tên tuổi, trường học của con trên mạng xã hội để tránh kẻ bắt cóc lấy được thông tin tiếp cận cháu bé.
 
 Ngày 22/7, hai người phụ nữ bán tăm bông dạo đã bị người dân xã Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội đánh trọng thương chỉ vì nghi ngờ là đối tượng bắt cóc. Trước đó, ngày 20/7, người dân cho rằng, người đàn ông đi xe Fotuner có ý định bắt cóc trẻ em, người dân đã bủa vây, đốt xe mặc cho người đàn ông này van xin. Ngày 7/7, hai thanh niên đến huyện Yên Phong, Bắc Ninh xin việc cũng bị dân làng quây đánh. Ngày 5/7, hàng trăm người dân ở thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vây đánh hai người đàn ông lạ mặt đang đi phun thuốc diệt muỗi cũng vì nghi họ bắt cóc trẻ em...
 
 
Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.