Đưa nhau ra tòa vì tài sản thừa kế

HOÀNG LAN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lâu nay, việc con cái hưởng tài sản thừa kế từ bố mẹ được cho là hợp lý, thuận tình. Tuy nhiên, không có nghĩa, các con tự cho mình quyền được định đoạt tài sản của bố mẹ, hoặc bố mẹ phải có nghĩa vụ tặng, cho, chia tài sản, để lại thừa kế cho con.

Đưa nhau ra tòa vì tài sản thừa kế - ảnh 1
Luật sư Ngô Thị Hồng Liên đang tư vấn pháp luật cho một khách hàng về chia tài sản thừa kế.

Kiện bố mẹ đòi công bằng
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Q và bà Nguyễn Thị V ở Hải Dương có 6 con chung. Cách đây hơn 10 năm, ông bà Q viết di chúc liệt kê và định đoạt khối tài sản được tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân giữa hai vợ chồng. Trong đó, tài sản là 1 ngôi nhà thờ ba gian ở Hải Dương, ông bà Q quyết định để lại cho em trai quản lý với điều kiện “không được phép bán”. Một ngôi nhà tại Hà Nội, ông bà Q để lại cho 4 người con. Còn lại một mảnh đất tại tỉnh Hải Dương, ông bà Q đã làm thủ tục tặng cho con út mà ông bà cho là còn nhiều khó khăn. Một người con gái không được vợ chồng ông Q cho tài sản vì họ cho rằng người này bất hiếu với bố mẹ. 

Xung đột bắt đầu xảy ra sau khi vợ chồng ông Q công bố bản di chúc. Trong đó, phản ứng dữ dội nhất là người con không được thừa kế tài sản. Người con gái cho rằng mình đã bị xâm phạm quyền lợi vì tài sản của bố mẹ là chung, bất cứ ai là con hợp pháp đều có quyền được sở hữu. 4 người con được nhận một mảnh đất lại cho rằng, tài sản mà họ được thừa kế từ bố mẹ là ít so với khối tài sản mà người con út được nhận. Ngoài ra, các con ông Q cũng không đồng tình việc bố mẹ cho tặng lại nhà cho em trai vì cho rằng, tài sản của bố mẹ trước tiên phải thuộc về các con.

Do không thống nhất được quan điểm, các con của ông bà Q đã quyết định nộp đơn đề nghị TAND giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế.

Tương tự, năm 2011, cụ M ở Bà Rịa Vũng Tàu lập di chúc để lại tài sản cho con trai là ông T quyền sử dụng 1.600m2 đất tọa lạc tại huyện Đất Đỏ. Đến năm 2021, cụ M lại làm thủ tục ký hợp đồng tặng cho bà L là con gái mảnh đất nêu trên. Sau khi biết sự việc, ông T bất bình cho rằng, việc này xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của ông nên đã khởi kiện để yêu cầu Tòa án tuyên bố tờ di chúc lập năm 2011 là hợp pháp và buộc chị gái giao trả quyền sử dụng mảnh đất trên cho mình. 

Lý do cụ M thay đổi di chúc là vì cụ đã già cần được các con báo hiếu, chăm sóc. Tuy nhiên, ông T đã không thể hiện trách nhiệm làm con đối với cụ. Vì vậy, cụ M chuyển tài sản sang cho con gái để bà này có điều kiện bán đất lấy tiền chữa bệnh và giữ lại làm tiền dưỡng già cho mẹ. 

Một trường hợp khác, thông qua Báo Phụ nữ Thủ đô để được kết nối với luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý. Đó là bà Nguyễn V.A, bị con trai đòi khởi kiện để phân chia lại tài sản thừa kế. Bà V.A có tài sản là một thửa đất rộng 260m2 (một mặt quay ra đường, một mặt giáp ngõ) và một ngôi nhà trên đất rộng 60m2. Hơn 10 năm qua, bà sống cùng  con gái (đã ly hôn chồng) tại ngôi nhà này. 

Vừa qua, xét thấy sức khỏe yếu, sợ không sống được bao lâu, bà V.A đã quyết định lập di chúc. Trong đó, bà chia cho con gái đang ở cùng phần nhà quay ra mặt đường lớn. 3 con gái và con trai còn lại bà chia thừa kế phần đất ở phía trong giáp ngõ. Tuy nhiên, con trai bà V.A kiên quyết không nhận phần tài sản được thừa kế mà cho rằng, mình sau này sẽ lo hương hỏa, thờ cúng gia tiên nên phải được nhận mảnh đất có giá trị hơn quay ra mặt đường. Các con gái đã đi lấy chồng thuộc “con nhà người ta” nên chỉ được nhận phần đất phía sau, quay ra mặt ngõ. 

Cuối cùng, chỉ vì không thể thống nhất phương án chia tài sản thừa kế mà mẹ con, anh chị em lục đục khiến bà V.A vô cùng khổ tâm.

Bố mẹ không có nghĩa vụ cho, tặng con tài sản
Theo Thạc sỹ, luật sư Ngô Thị Hồng Liên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn Phúc, theo quy định của pháp luật, điều kiện để con nhận được tài sản thừa kế là khi cha mẹ mất. Trong trường hợp cha mẹ chưa mất nếu muốn chia tài sản cho con có thể thông qua hình thức tặng, cho tài sản. Cụ thể, quy định Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. 

Tuy nhiên trong một số trường hợp cha mẹ lập di chúc về việc phân chia tài sản thì cha mẹ cho ai với phần bao nhiêu là quyền của cha mẹ và pháp luật không có quy định bắt buộc phải tặng tài sản cho ai và không áp dụng quy định về hàng thừa kế trong trường hợp này. 

Luật sư Ngô Thị Hồng Liên phân tích, việc kiện đòi quyền thừa kế của những người con đối với cha mẹ nêu trên là không có cơ sở về mặt pháp luật cũng như phương diện về tình nghĩa. Việc chia tài sản cho con khi bố mẹ còn sống là sự thể hiện ý chí định đoạt của bố mẹ, mong muốn để lại tài sản thuộc sở hữu của mình cho con cái căn cứ theo Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền định đoạt của chủ sở hữu: “Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”. Mặt khác, theo khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự quy định về thời điểm mở thừa kế: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết…”. 

Như vậy, vì cha mẹ vẫn còn sống nên không ai có quyền can thiệp, định đoạt, yêu cầu đòi bán, đòi chia phần hơn cũng như chưa thể có cơ hội, điều kiện để có quyền hưởng phần tài sản mà cha mẹ hiện đang sở hữu. Con cái chỉ có quyền can thiệp, định đoạt khi cha mẹ mất năng lực hành vi, bị giới hạn về năng lực dân sự, hay cha mẹ mất không để lại di chúc, di chúc không hợp pháp hoặc trong một số trường hợp đặc biệt khác.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.
Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

Khi cha mẹ đẩy con vào... bi kịch

(PNTĐ) - “Chồng ngã vợ nâng, đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại…” là phương châm sống của một số người chồng, người vợ bị bạn đời phản bội. Họ hi vọng, với sự vị tha, độ lượng của mình sẽ thức tỉnh người u mê, lầm lỗi, cho họ một lối về tránh gia đình đổ vỡ. Tuy nhiên, không phải người chồng, người vợ nào cũng biết thức tỉnh trước sự vị tha của người bạn đời.