Gái có công, chông không phụ!

Chia sẻ

PNTĐ-Mấy ngày gần đây, chị thấy chồng mình có những biểu hiện rất lạ. Anh ít nói hơn, buổi đêm thi thoảng lại ra đứng ngoài ban công suy nghĩ đăm chiêu...

Gái có công, chông không phụ! - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Bí mật của chồng
 
Là chuyện gì? Chuyện làm ăn ở công ty hay vấn đề về sức khỏe của anh? Chị nhớ lần trước, anh giấu chị khi anh gặp sự cố về sức khỏe tình dục. Một tháng vợ chồng không “quan hệ”, chị đã từng nghi ngờ anh có bồ. Nhưng vô tình bác sỹ điều trị cho anh lại là người quen cũ của chị nên qua nói chuyện chị mới biết việc anh đang chữa bệnh nam khoa. Lần này cũng vậy, chị cố gắng tìm hiểu nhưng không sao tìm được câu trả lời. Vợ chồng chị vẫn yêu thương nhau, con gái - An ngoan ngoãn, học giỏi, chưa bao giờ khiến anh chị phải phiền lòng. Hay là sức khỏe anh tiếp tục có vấn đề? Không thể nào, mới tuần trước, anh chị vừa cùng nhau đi khám sức khỏe định kỳ. Bác sĩ bảo sức khỏe hai vợ chồng đều tốt. Chuyện anh “say nắng” bên ngoài lại càng không thể. Chị tin, tình yêu, sự hy sinh vì chồng vì con vì cả gia đình này của chị đủ để anh luôn trân trọng và giữ gìn hạnh phúc. Chồng chị cũng không phải kiểu người đàn ông trăng hoa. Anh tuyệt đối không bao giờ phụ bạc chị.
 
Vậy thì anh đang lo lắng điều gì? Chị miên man tự hỏi. Khi bước vào phòng, chị giật mình thấy anh đang lúi húi lật giở tờ giấy gì đó bên bàn làm việc. Sau đó, anh kẹp tờ giấy đó vào giữa một cuốn sách, đặt lên giá. Đó là cách anh… giấu bí mật, không để chị tìm ra. Buổi chiều, khi anh xách túi đồ thể thao đi đánh cầu lông ở nhà văn hóa, chị vội vã chạy vào phòng, lục tìm tờ giấy cất giấu trên giá sách. Biết đọc trộm thư của người khác là không nên, nhưng lần này chị thấy mình cần phải làm điều này. Chị không muốn mình đứng ngoài tâm sự của chồng. Biết đâu, chị có thể giúp anh một tay. Nếu vui buồn hai người không thể san sẻ cho nhau thì chao ôi, đâu còn ý nghĩa vợ chồng nữa.
 
Đó là một bức thư, với những dòng chữ viết tay. Một vài chỗ nét chữ đã bị nhòe đi, chị đoán chủ nhân bức thư vừa viết, vừa khóc: “Anh… Em biết em mắc trọng tội với anh và con. Bao năm qua, em đã không làm tròn trách nhiệm người mẹ. Nhưng vì hoàn cảnh xô đẩy, em không còn cách nào khác. Nhiều lúc nghĩ về quá khứ, em chỉ biết dằn vặt bản thân và muốn mình biến mất trên cõi đời này. Nhưng, em lại nhớ con, chỉ muốn được nhận lại con của mình. Vì thế mà em lại cố sống. Em biết mình thật quá đáng, lại càng không công bằng với chị nhà. Nhưng, em xin anh, hãy hiểu cho tấm lòng người mẹ như em…”.
 
Bức thư rất dài, nhưng chị chỉ nhớ nhất những dòng ấy. Chị đã hiểu rồi. Cuối cùng thì người phụ nữ đó đã trở lại, đòi nhận bé An. Chị vốn là người đến sau vì trước đó anh đã từng có người phụ nữ khác. Mấy năm trước, chị gặp anh khi anh đang ở trong hoàn cảnh gà trống nuôi con. Bé An nhỏ xíu, sài đẹn, còn anh thì vụng về trong việc chăm sóc con. Chị nghe kể, mẹ bé An sinh con xong thì “say nắng” người đàn ông khác nên ký sẵn đơn ly hôn, để con lại cho anh rồi bỏ đi. Ban đầu, chị thấy thương anh nên thường xuyên qua nhà giúp đỡ hai bố con. Chị chỉ nghĩ, trong nhà có bàn tay phụ nữ sẽ tốt hơn. Dần dần, từ thương đến yêu, rồi từ yêu đến chấp nhận hi sinh, chị đồng ý lấy anh trong sự phản đối quyết liệt của gia đình. Mẹ chị khóc ngất, bảo con gái dại, xinh xắn, trẻ trung mà sao làm vợ lẽ, mẹ kế. Chị đã phải quỳ xuống xin mẹ tha thứ rồi gạt nước mắt theo anh.
 
Lòng bao dung của người đến sau
 
Quả thật, nhiều lúc nhìn lại cuộc đời mình, chị tự hỏi chắc kiếp trước nợ bố con anh điều gì, để rồi kiếp này phải trả. Lấy nhau suốt 2 năm, cố gắng mãi nhưng chị vẫn không thể làm mẹ. Hai vợ chồng đi khám khắp nơi, bác sĩ chẳng tìm ra nguyên nhân. Chị lại tự an ủi mình, chắc ông trời muốn chị toàn tâm toàn ý lo cho bé An. Chị vốn không phải người đàn bà nhỏ nhen, hẹp hòi. Lúc lấy anh, chị cũng đã xác định tâm thế trở thành người mẹ kế tốt của con chồng. Hồi bé An còn nhỏ, ốm đau liên miên, chị thức ròng rã không biết bao đêm bế bồng. Khi con lớn dần, chị lại chăm con ăn học. Tiền kiếm được hàng tháng, chị nào có lo cho mình mà dồn hết cho anh và con.
 
Đáp lại tình yêu mà chị dành cho, bé An rất thương mẹ kế và hiểu chuyện. Sau này, dù biết chị không phải là mẹ ruột nhưng nó luôn hiếu thảo, yêu thương chị. Chị cũng mừng, cứ nghĩ cuộc sống của mình sẽ bình yên như thế này mãi. Đâu có ngờ, một ngày, mẹ con bé lại trở về đòi nhận lại con. Làm vợ anh bao năm qua, chị cũng đã hiểu vì sao anh trăn trở, suy nghĩ rất nhiều mà không thể giãi bày với chị. Anh sợ chị nổi giận. Làm sao có chuyện người không trồng cây, nhưng đợi tới ngày sắp có quả ngọt lại tìm đến đòi hái. Nhưng, nếu khước từ, anh lại thấy áy náy với mẹ đẻ của con bé. Đêm khuya, chị bước ra ban công, nơi anh lại đang đứng đăm chiêu nhìn ra xa. Chị khe khẽ đưa tay ôm lấy anh rồi chủ động gợi chuyện. Anh giật mình vì hóa ra, chị đã biết tất cả.
 
- Anh, em biết là anh đang rất khó xử. Nhưng, em nghĩ, anh hãy để cho chị ấy gặp con. Dẫu sao, trong con bé An cũng đang chảy dòng máu của người ấy. Em sẽ không buồn đâu, bởi em tin, bé An là người hiểu chuyện. Con biết em đã yêu thương và làm tất cả vì nó.
 
- Nhưng như thế thật không công bằng, em mới là mẹ của con bé. Anh không thể.
 
- Em biết. Nhưng, em sẽ không nghĩ gì đâu. Em tin chị ấy cũng đã đau khổ rất nhiều trong thời gian qua. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm anh ạ.
 
- Ôi, em, cảm ơn em vô cùng. Anh… anh thật không biết nói gì - chồng chị xúc động.
 
Khi bình tĩnh lại, chị cũng không biết vì sao mình có thể nói ra những lời như thế. Chị có thể đem hết vất vả, mệt nhọc khi nuôi con bé An trút lên người đàn bà kia, nhưng, chị lại không thể, đúng hơn là không muốn làm. Nói chuyện với chồng xong, chị chủ động gặp con. Chị kể hết với con về nỗi lòng, tâm sự của mình. Chị cũng là người khuyên bé An hãy cho mẹ đẻ một cơ hội để sửa chữa lỗi lầm với con gái.
 
- Mẹ, con cảm ơn mẹ thật nhiều. Nhưng, con có một đề nghị, cả 3 chúng ta sẽ cùng tới gặp mẹ con. Con muốn mẹ cũng có mặt trong lúc con và mẹ đẻ gặp nhau, được không? Mẹ mãi mãi là mẹ của con.
 
- Đúng vậy, anh cũng cần có em. Hãy luôn ở bên cạnh bố con anh, em nhé – Anh nói.
 
Chị mỉm cười, hạnh phúc. Bây giờ chị càng tin mình đã đúng. Dù có chuyện gì xảy ra, thì sẽ không bao giờ, chị mất anh và con. Giờ chị càng hiểu hơn ý nghĩa của câu nói: “Gái có công, chồng không phụ”.
 
    Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.