GS.TS Phạm Gia Khải: Dạy con sự khiêm nhường và y đức

Chia sẻ

PNTĐ-Trong gia đình, GS.BS Phạm Gia Khải là người luôn gần gũi và vun đắp chữ “tâm”, chữ “đức” để làm chuẩn mực trong cuộc sống của mỗi thành viên.

 
GS.TS Phạm Gia Khải: Dạy con sự khiêm nhường và y đức - ảnh 1
 Đại gia đình BS Khải trong buổi sinh nhật ông tròn 73 tuổi
 
Tên tuổi gắn liền với những thành tựu nổi bật của ngành tim mạch học Việt Nam, BS Phạm Gia Khải còn là chuyên gia uy tín của nhiều tổ chức tim mạch thế giới, được nhiều người quý mến bởi tài và đức vẹn toàn, nhưng BS Khải luôn đề cao lối sống giản dị, khiêm tốn. Trong gia đình, BS vẫn luôn dạy con về y đức và lối sống khiêm nhường trong cuộc sống.
 
Ông luôn tâm niệm, bố mẹ phải luôn làm gương để con cái noi theo. Hai cô con gái của ông đều học hỏi tinh thần ham học và đức tính tự lập của bố. Có lần, Phạm Thị Kiều Linh, cô con gái thứ hai của BS, sinh năm 1980 – lúc đó vừa tròn 14 tuổi đã hỏi: “Tại sao bố có thể tự tin khi làm việc với người nước ngoài?”. Trầm ngâm một lúc, ông giải thích: “Bố không cao bằng họ nhưng bố tự đi lên bằng kiến thức chuyên môn, học ngoại ngữ để giao tiếp và tìm hiểu văn hóa của họ. Bố có thể khẳng định tầm vóc y học VN với thế giới”.
 
Vì thế nên khi các bạn hỏi Linh: “Tại sao bạn không nói là con của bố Khải?”, cô chỉ cười: “Tớ học ở bố niềm hăng say công việc, đi lên bằng thành quả lao động miệt mài”. Rất ít người biết Linh là con của GS Khải. Nhờ thành tích học tập, Kiều Linh được tuyển thẳng vào ĐH Y HN. Cả Linh và chị gái đều nỗ lực học tập, để đủ tiêu chuẩn vào các bệnh viện chứ không nhờ vào uy tín của bố. Chỉ khi ra trường, gặp những ca bệnh khó, Linh mới gọi điện nhờ bố tư vấn.
 
Khác với những người khác, BS không ngạc nhiên khi các con quyết định chọn ngành y. Cô con gái cả của ông, bác sĩ Phạm Tuyết Nga (SN 1969) mê được khoác áo blue trắng từ nhỏ, nhưng sự sáng tạo và thông minh của Kiều Linh lại là tố chất cần thiết của một bác sỹ khoa ngoại, BS Phạm Gia Khải đánh giá. Ông cười: “Mỗi đứa một tính. Cô chị dịu dàng, nhỏ nhẹ và kiên nhẫn… bao nhiêu thì cô em lại cá tính, giàu sáng tạo… bấy nhiêu”.
 
Chị Linh cười: “Bố tôi chỉ định hướng, còn quyết định chọn ngành là của các con. Nhưng tôi học được ở ông sự tâm huyết với người bệnh. Có lần cả nhà đang ăn cơm trưa, có bệnh nhân đến xin được khám, không để người bệnh đợi lâu, bố tôi đứng dậy khám luôn cho ông ấy” – chị kể. Những món quà cảm ơn từ người bệnh đôi khi chỉ có chục trứng gà, túi hoa quả… cũng làm cho vị bác sỹ đáng kính thấy ấm lòng.
 
Đến nhà BS Khải vào một buổi tối đầu đông, bà Tỉnh, vợ ông đang chuẩn bị bữa tối. Mấy hôm nay ông mất ngủ, bà chuẩn bị móng giò và ngó sen để nấu cho ông. Nhắc đến tình yêu dành cho hai con, bà Tỉnh cười: “Ông ấy thương và chiều hai cô con gái hơn chiều vợ ấy chứ”. Bà chỉ nói yêu thế thôi, chứ nhìn cách ông âu yếm nhìn bà, cách ông nhắc bà uống thuốc… cũng đủ thấy ông… chiều vợ lắm.
 
Kể chuyện về ông, bà nhớ : “Năm 1972, Mỹ dội bom xuống BV Bạch Mai nơi ông ấy đang công tác. Tôi ở nhà nghe tin mà đứng ngồi không yên. Cũng may ông chỉ bị choáng, một nữ sinh dũng cảm đã lao mình che cho ông ấy những mảnh đạn…”. Còn ông thì nhắc: “Năm 1965, nơi ở của bà ở BV K71 Thanh Hóa bị ném bom, tôi đau lòng quá, may mà bà thoát nạn…”. Những năm tháng chiến tranh, sự xa cách, tình yêu và nghĩa vợ chồng của ông bà đã thêm gắn bó.
 
Con gái ông bà, Kiều Linh hiện đang là bác sỹ có tiềm năng của BV Mắt Trung ương, còn chị Nga hiện đang công tác tại BV Tim mạch Việt Nam, đã lấy chồng, cũng là bác sỹ ở BV Việt Đức. Cuối tuần, cả gia đình con gái về chơi. Bữa cơm gia đình tràn ngập tiếng cười nói, khi thì chuyện ở bệnh viện tim mạch, chuyện ở phòng mổ của cô con gái út, khi lại là chuyện y đức.
 
Thỉnh thoảng, hai vợ chồng cùng nhau đi du lịch, xem phim và bàn luận về đoạn kết của bộ phim đó. Bà cười: “Đến lúc già, người ta mới có thời gian để dành trọn vẹn cho nhau”.

Hồng Nhung

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.