Hai thiên thần nhỏ mang mùa xuân về

HOÀNG NHẬT
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để mang con đến thế giới này tất cả những người mẹ đều phải trải qua vô vàn vất vả, đối với chị Nguyễn Thị Sương, quê Diễn Châu - Nghệ An, hành trình đó còn gian nan hơn gấp bội phần. 9 năm ròng theo đuổi “tìm con” khắp các bệnh viện, năm 2023 là mùa xuân đầu tiên vợ chồng chị được bế bồng con yêu đi chúc mừng năm mới người thân, họ hàng.

Nhiều lần “lỡ hẹn”

Ngôi nhà nhỏ gia đình chị Nguyễn Thị Sương (sinh năm 1983) và anh Lê Đình Bồi (sinh năm 1979) năm nay trở nên ấm áp và hạnh phúc hơn rất nhiều với tiếng “ê a” của hai thiên thần nhỏ, những câu trò chuyện vui vẻ của ông bà nội ngoại và lời hỏi thăm chúc năm mới “Cát Tường - Như Ý” của người thân họ hàng.

Chị Sương chia sẻ: “Vợ chồng mình lấy nhau năm 2013 nhưng mãi đến tận năm 2015 mình mới có thai lần đầu. Niềm vui chưa trọn vẹn thì sau đó một thời gian hai vợ chồng nhận tin thai ngừng phát triển ở tuần thứ 8. Đến cuối năm 2015 mình có bầu lần 2, nhưng cũng khoảng hơn 10 tuần mình đi khám bác sĩ kết luận thai bất thường và đình chỉ thai”. Cuối năm 2016, trong lần mang thai tự nhiên tiếp theo, vợ chồng chị Sương anh Bồi thêm một lần buồn bã khi thai kỳ cũng chỉ diễn ra 9 tuần.

Hai thiên thần nhỏ mang mùa xuân về - ảnh 1

Mùa xuân này chị Sương bế bồng hai con yêu đi chúc mừng năm mới người thân, họ hàng

Sau nhiều lần “lỡ hẹn” với con, năm 2019 trong một lần đi khám chị Sương phát hiện bị dính buồng tử cung và thực hiện mổ tách dính ngay sau đó. Lúc này, bác sĩ cho biết tình trạng niêm mạc tử cung mỏng, tiền sử lưu thai nhiều lần chưa rõ nguyên nhân càng làm cơ hội đậu thai thành công của chị trở nên khó khăn. “Giai đoạn năm 2019 khi mổ tách dính buồng tử cung có lẽ là giai đoạn mình lo sợ nhất. Suy sụp về tinh thần, khó có con cộng thêm khi đó chồng mình phải nằm viện điều trị và phẫu thuật tim tại Bệnh viện Bạch Mai càng làm cho kinh tế gia đình trở nên khủng hoảng”- chị Sương kể.

Song trước khát khao cháy bỏng được làm cha mẹ, đến năm 2020 khi sức khỏe anh Bồi ổn định, hai vợ chồng vay mượn khắp nơi để ra Hà Nội thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI). Tuy nhiên 2 lần đều không thành công. Anh chị lại động viên nhau lấy lại tinh thần, tìm kiếm thông tin khắp các hội nhóm, trang mạng xã hội với mong muốn tìm được địa chỉ bệnh viện uy tín, bác sĩ “mát tay” giúp vợ chồng tìm được con.

Vỡ òa hạnh phúc làm cha mẹ

May mắn, khoảng tháng 5/2021 chị Sương đọc được thông tin về chương trình Tuần Lễ Vàng xét duyệt hỗ trợ 100% chi phí Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) của Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Ngay lập tức, hai vợ chồng khăn gói ra bệnh viện khám và nộp hồ sơ xét duyệt. Tháng 6/2021 sau quá trình tìm hiểu khảo sát, xét duyệt minh bạch hoàn cảnh gia đình anh chị tại địa phương, Bệnh viện đã trao quyết định hỗ trợ 100% chi phí thực hiện IVF cho hai vợ chồng.

“Khi nhận quyết định vợ chồng mình vui lắm vì chưa bao giờ được hỗ trợ nhiều đến vậy. Mình biết đến phương pháp IVF lâu rồi mà chưa thực hiện được, khi đó được làm IVF miễn phí mình có linh cảm rất rõ là hai vợ chồng sắp chạm đến giấc mơ có con rồi”- chị Sương bộc bạch.

Hai thiên thần nhỏ mang mùa xuân về - ảnh 2
Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao quyết định hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF cho các gia đình năm 2021

Những tháng ngày sau đó, hai vợ chồng thực hiện khám, kích trứng và tạo được 7 phôi. Tháng 11/2021, chị Nguyễn Thị Sương tiến hành chuyển phôi, hạnh phúc vỡ òa khi bác sĩ thông báo đậu “song thai”. “Như một giấc mơ mà mình đã ao ước suốt 9 năm qua, quá nhiều sự mong mỏi chờ đợi của cả gia đình giờ đây đã hóa phép màu”- chị Sương nói trong niềm xúc động.

Với tiền sử sản khoa nặng nề 3 lần thai lưu, thể trạng sức khỏe kém, niêm mạc tử cung mỏng và mang thai trong độ tuổi ngấp nghé 40 nên Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã quyết định hỗ trợ chị Sương ở lại khu nội trú để tiện theo dõi và xử lý kịp thời khi có các bất thường xảy ra. Trong giai đoạn đầu mang thai, sức khỏe yếu cùng tâm trạng lo sợ gặp phải tình trạng giống các lần trước đó, đến tuần 10 thai kỳ, chị Sương bị ra máu dọa sảy, ngay lập tức chị được các bác sĩ hỗ trợ tích cực và giữ thai thành công. Những ngày sau thai nhi đã an toàn trong bụng mẹ, sinh linh bé nhỏ mạnh mẽ vượt cột mốc 3 tháng.

Đường về quê xa, sức khỏe thai kỳ không ổn định cộng với hoàn cảnh gia đình neo người, những cơn ốm nghén liên tục xuất hiện làm chị cảm thấy kiệt sức, chị Sương làm đơn xin Bệnh viện được tiếp tục ở lại khu nội trú để theo dõi. Xét thấy hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, Ban lãnh đạo Bệnh viện đã quyết định đồng ý hỗ trợ để chị Sương được ở lại Bệnh viện suốt những tuần thai kỳ còn lại.

Mang song thai tới tuần thứ 25, chị Sương gặp nguy cơ sinh non và phải khâu eo cổ tử cung cấp cứu để giữ thai an toàn. Vất vả khó khăn này chưa qua, những lo lắng khác lại ập tới khi ở tuần 26 chị bị tiểu đường thai kỳ, nguy cơ tiền sản giật. May mắn thay do phát hiện sớm, được bác sĩ hỗ trợ, điều chỉnh chế độ ăn, dần dần tình trạng đường huyết tăng cao dần được kiểm soát.

“Nhà neo người nên suốt thời gian nằm theo dõi ở Bệnh viện mình không có chồng bên cạnh, may sao được sự chăm sóc thăm hỏi hàng ngày của bác sĩ Hưởng, bác sĩ Mỹ, bác sỹ Khanh… Các y bác sĩ đều rất ân cần hỏi han chăm sóc, cảm giác như đang ở chính nhà mình vậy. Biết ơn vô cùng quãng thời gian ấy”-chị Sương nhớ lại.

Hai thiên thần nhỏ mang mùa xuân về - ảnh 3
Hai thiên thần nhỏ Lê Đình Khải và Lê Đình Hoàn chào đời ngày 8/8/2022

Hành trình mang thai của chị Nguyễn Thị Sương quá vất vả và nhiều nguy cơ, cùng với đó là mang song thai nên bác sĩ chỉ định can thiệp mổ lấy thai, bảo đảm em bé chào đời an toàn.

“Hạnh phúc ngập tràn, mẹ chồng khóc, chồng mình khóc ngay tại cửa phòng phẫu thuật khi nghe thấy tiếng khóc chào đời của 2 con yêu Lê Đình Khải và Lê Đình Hoàn. Giây phút đó chính là giây phút làm thay đổi cuộc đời mình, đưa mình vào hành trình mới - trải nghiệm thiên chức làm mẹ”- chị Sương xúc động nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.