Hành vi cản trở ly hôn bị xử lý thế nào?

Chia sẻ

Chồng tôi là người vũ phu nên hôn nhân của chúng tôi không hạnh phúc. Sau 5 năm chịu đựng cuộc sống bạo lực, sức khỏe và tinh thần của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, tôi đã quyết định ly hôn. Tuy nhiên, khi tôi công khai chuyện ly hôn thì bố mẹ chồng có hành động cản trở, không cho vợ chồng tôi ly hôn. Lý do là họ không muốn mất danh dự gia đình khi con trai ly hôn. Một mặt, họ thuyết phục tôi nên tiếp tục cuộc hôn nhân này "vì con", một mặt dùng đủ mọi cách để tôi không thể ly hôn. Họ dùng quan hệ để các cơ quan chức năng không giải quyết đơn ly hôn của tôi mà cho hai bên hòa giải. Họ không cho tôi quyền nuôi con nếu ly hôn, không phân chia tài sản…

Tôi đã hết tình cảm với chồng, cuộc sống kéo dài ngày nào là bị bạo lực thể xác và tinh thần ngày đó. Vì vậy, tôi muốn giải thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh này càng nhanh càng tốt, thế nhưng lại rơi vào tình trạng không thể ly hôn. Xin hỏi Quý báo, việc bố mẹ chồng dùng mọi cách để ngăn cản việc ly hôn của tôi có bị pháp luật xử lý không? Nếu có thì bị xử lý như thế nào?
                                                                                  Minhnguyetanh@gmail.com

Quyền kết hôn và yêu cầu ly hôn là một trong những quyền của công dân được pháp luật bảo vệ. Cụ thể, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn nếu như hôn nhân không hạnh phúc, hoặc mục đích hôn nhân không đạt được. Không ai có quyền cản trở hôn nhân tự nguyện, hoặc ly hôn tự nguyện của vợ chồng, nếu vi phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Những hành vi cản trở ly hôn như: Đe dọa uy hiếp tinh thần, bạo lực, ngược đãi, đưa ra những yêu sách về phân chia tài sản để buộc vợ chồng phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ sẽ bị pháp luật xử lý.

Dựa trên căn cứ của pháp luật, bạn có quyền yêu cầu tòa án ly hôn. Đặc biệt trong tình trạng bị bạo lực gia đình, người vợ có quyền đơn phương gửi đơn ra tòa xin ly hôn (có bằng chứng để chứng minh mình bị bạo lực kèm theo), thay vì phải có sự đồng thuận ký đơn ly hôn của người chồng. Hành vi cản trở con dâu ly hôn của bố mẹ chồng bạn là vi phạm pháp luật. Dựa theo mức độ vi phạm, hành vi của họ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Cụ thể, theo Điều 59, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình… thì hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi “Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn”.

Nếu người đã bị xử phạt hành chính vẫn tiếp tục có những hành vi cản trở ly hôn, thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện. Theo đó, người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Vì thế, nếu có chứng cứ về hành vi cản trở con cái ly hôn của bố mẹ chồng, bạn có thể làm đơn tố cáo ra pháp luật để được xử lý và bảo vệ quyền lợi của mình khi ly hôn.

Báo Phụ nữ Thủ đô

Tin cùng chuyên mục

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

Giữ cội rễ từ gia đình trong thế giới hội nhập

(PNTĐ) - Trong một thế giới ngày càng phẳng, khi việc học tập, sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở nên phổ biến, nhiều bậc phụ huynh người Việt lựa chọn cho con tiếp cận với nền giáo dục phương Tây từ rất sớm. Nhưng giữa làn sóng đó, có những người lại đi ngược dòng. Vợ chồng anh Nguyễn Hồng Trung (gốc Hà Nội) và chị Lương Quân Nhi (người Sài Gòn) là một trong số gia đình chọn đưa con từ Mỹ trở về Việt Nam để con học tập và trưởng thành trong lòng văn hóa quê hương.
Điểm tựa của con

Điểm tựa của con

(PNTĐ) - Hoàng Lê Hằng Nga vừa tốt nghiệp khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Do đặc thù của ngành học, cô cần phải thực hiện nhiều khảo sát, mỗi khảo sát lại cần nhiều khách thể tham gia. Mối quan hệ bạn bè ít ỏi khó mà đáp ứng được, nên Hằng Nga cần đến sự cứu trợ của bố mẹ nữa. Vì thế, bố mẹ Nga hàng ngày gửi đường link, bảng khảo sát của con gái cho bạn bè, người thân.
Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.