Hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em

Chia sẻ

PNTĐ-Hội LHPN TP Hà Nội đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ nhiều đơn thư của người dân, trong đó có nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

 
Trong 8 tháng đầu năm 2019, Hội đồng tư vấn Tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em của Hội LHPN TP Hà Nội đã tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ nhiều đơn thư của người dân, trong đó có nhiều vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.
 
Hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em - ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn phát biểu tại Hội nghị

 
Nhiều vụ việc được Hội can thiệp, xử lý kịp thời
 
Chị Nguyễn Thị H (huyện Mê Linh) lấy chồng và có 2 con trai. Cuộc sống hôn nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn, chị H ly hôn chồng. TAND huyện Mê Linh đã thụ lý vụ án và ra quyết định ly hôn, đồng thời giao cho chồng chị nuôi con trai lớn (SN 2012), còn chị H nuôi con trai thứ hai (SN 2015). Tuy nhiên, gia đình chồng cũ lại ngăn cản, không cho chị nuôi con. Chị H làm đơn gửi Hội LHPN Hà Nội và các cấp có thẩm quyền nhờ giải quyết.
 
Ngay sau khi nhận được đơn kêu cứu, Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội đã có công văn gửi Hội PN và Chi cục thi hành án huyện Mê Linh đề nghị thực hiện bản án ly hôn theo quyết định của Tòa án huyện Mê Linh; đồng thời có nhiều buổi làm việc với gia đình chồng cũ chị H, yêu cầu họ phải giao con cho chị H theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do xa mẹ lâu nên cháu bé không muốn ở với mẹ.
 
Hội PN tiếp tục đề nghị gia đình bên nội tạo điều kiện để chị H thăm hỏi, gần gũi các con, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn cản việc thăm nom con của chị H. Đến nay, Chi cục Thi hành án huyện Mê Linh đang tiếp tục tiến hành thủ tục xử lý để chị H được nuôi con theo quyết định của Tòa án.
 
Do bị chồng bạo lực thường xuyên, chị Nguyễn Thị T (quận Hai Bà Trưng) đã đơn phương ly hôn chồng. Mặc dù, TAND quận đã đồng ý cho chị T ly hôn nhưng chồng chị phản đối và làm đơn kháng cáo. Đồng thời, anh ta âm thầm đưa hai con (trong đó có một bé mới 16 tháng tuổi, đang bú mẹ) về quê ở Thanh Hóa nuôi dưỡng. TAND TP Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm và cho chị T nuôi 1 con, nhưng hễ chị T vào đón, anh ta vẫn đe dọa, ngăn cản. 
 
 Nhận được đơn đề nghị giúp đỡ của chị T, Thường trực Hội đồng đã hướng dẫn chị nộp đơn đến thi hành án (THA) quận Hai Bà Trưng xác minh và có biện pháp phối hợp với THA quận kịp thời giúp đỡ chị T được đón con về với mẹ. Đến ngày 30/7/2019, chị T cho biết, THA quận đã làm công văn ủy thác về THA Thanh Hóa hỗ trợ chị nhận con...
 
Tại Hội nghị họp Hội đồng tư vấn tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em diễn ra vừa qua, bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Luật pháp Chính sách, Hội LHPN TP Hà Nội, Trưởng Nhóm chuyên gia giải quyết các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em cho biết, từ đầu năm đến nay, Thường trực Hội đồng đã tham gia tư vấn, hỗ trợ và tiếp nhận 20 đơn thư của người dân, trong đó có 4 trường hợp tham mưu gửi đến cơ quan chức năng và trả lời công dân; phối hợp với quận/huyện xác minh, tư vấn giải quyết 15 đơn...; chỉ đạo quận/ huyện xác minh, phối hợp với chính quyền cơ sở giải quyết 19 trường hợp từ Ngôi nhà Bình yên gửi về; tham gia, phối hợp hỗ trợ và hướng dẫn các quận/ huyện, thị xã và Hội PN cơ sở xác minh và giải quyết vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng. 
 
Tăng cường tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý đến từng người dân
 
Theo bà Dương Thị Lý Anh, khi có vụ việc xảy ra, Thường trực Hội đồng luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội để xác minh, kịp thời hỗ trợ và đề xuất các ngành giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em. Hội đồng cũng chủ động phát huy vai trò của các cộng tác viên để tư vấn, hỗ trợ vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em khi được phát hiện. 
 
Bà Hồ Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho rằng, Hội PN cơ sở cần sớm phát hiện những “mầm mống” bạo lực, xâm hại từ mâu thuẫn nhỏ trong các gia đình để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phụ nữ có kiến thức tự bảo vệ mình.
 
Theo đó, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên, từ đầu năm 2019 đến nay, Thường trực Hội đồng tư vấn đã tổ chức 3 hội thảo “Nâng cao vai trò Hội Phụ nữ tham gia giải quyết vụ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em”; tập huấn hướng dẫn quy trình giải quyết vụ việc xâm hại phụ nữ và trẻ em tại 3 cụm địa bàn quận/ huyện/ thị xã và đơn vị trực thuộc với sự tham gia của đại diện cấp Hội PN và đại diện các ngành TP, quận/huyện. 
 
Trung tâm Tư vấn pháp luật và hỗ trợ kết hôn đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý tại các cơ sở. Các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em. Để giải quyết đơn thư và các vụ việc xảy ra, Hội đồng tư vấn còn chỉ đạo, hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của 23 tổ tư vấn tham gia giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em tại các quận/huyện và các xã/phường... 
 
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cho rằng, thời gian qua, Hội đồng tư vấn đã rất nỗ lực trong giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ trẻ em, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, trẻ em trên địa bàn. Có nhiều vụ việc, sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở hoặc phương tiện thông tin đại chúng, Hội đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo Hội PN cơ sở bám sát, xác minh vụ việc, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân. Đối với những vụ việc cần sự hỗ trợ pháp lý, các luật sư là thành viên trong Hội đồng tư vấn có thể hỗ trợ pháp lý miễn phí cho nạn nhân khi có yêu cầu.
 
 
Hồng Nhung 

Tin cùng chuyên mục

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

Ngôi nhà nhỏ, hạnh phúc to

(PNTĐ) - Có một căn nhà - đó là ước mơ, kế hoạch mà rất nhiều cặp vợ chồng đã cùng nhau dốc sức để biến thành hiện thực. Hành trình ấy có rất nhiều áp lực, nhiều lo toan và đôi lúc phải từ bỏ cả những niềm đam mê khác; nhưng bên cạnh đó cũng là sự háo hức, niềm vui khi, gia đình nhỏ có một nơi bình yên để trở về.
Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

Bài 1: Làm mẹ khi mới 12 tuổi

(PNTĐ) - Thời gian qua, công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn là một vấn nạn gây nhức nhối. Thực trạng này đòi hỏi các nhà chức trách phải phối hợp chặt chẽ với gia đình, nhà trường để có những biện pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả hơn.
Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.
Cây hạnh phúc nở hoa

Cây hạnh phúc nở hoa

(PNTĐ) - “Em nấu cơm xong chưa, tối nay anh có hẹn, nhà ăn sớm để anh đi sớm”. Thắng, chồng cô vừa dứt lời thì Thảo bỗng thấy bao nhiêu ấm ức bùng lên.