Học làm... ông

Linh Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mải sửa cái khóa cửa bị hỏng, nếu bà không nhắc thì ông cũng quên luôn giờ đón cháu. Thế là ông vội dắt xe máy ra đường và phóng đi.

Đi được một đoạn, ông mới nhớ ra là quên không đội mũ bảo hiểm và cũng quên luôn mang mũ cho cháu. Nhưng rồi ông tặc lưỡi: “Đi trong làng thôi mà. Thêm nữa, từ nhà đến trường cháu có một đoạn ngắn không cần mũ cũng được”. Rồi ông lại tiếp tục phóng đến trường. Thật may, xe vừa dừng thì thằng cháu Bi ra khỏi cổng trường.

Tuy nhiên, lần này thấy ông, nó cứ nhùng nhằng không chịu ra chỗ ông. Ông phải gọi mãi, rồi còn hơi cao giọng nó mới đồng ý để ông đèo về. Tuy nhiên, trước khi lên xe, nó hỏi: “Mũ bảo hiểm của ông và cháu đâu ạ?”. Ông cười: “Ông quên rồi. Mà ông cháu mình đi gần, lo gì. Đấy cháu xem, trên đường cũng đầy người chả đội mũ bảo hiểm”.

Thằng cháu Bi im lặng từ đó đến tận lúc về nhà, rồi cả khi vào bữa cơm. Hôm nay bố mẹ cháu đi vắng, nên ông có trách nhiệm cho cháu ăn. Thấy cháu cứ ngồi gẩy gẩy mấy hạt cơm, ông mắng: “Cháu Bi hôm nay hư thật, ông thấy cháu tỏ thái độ không vui với ông ngay từ trường. Có chuyện gì cháu nói ra xem nào?”.

Học làm... ông - ảnh 1
Ảnh minh họa

Đến lúc này thì thằng Bi òa khóc nức nở. Rồi nó bảo ông hôm nay không tuân thủ luật giao thông, sao ông đèo cháu trên đường mà không đội mũ, ông còn bảo là nhiều người cũng giống như ông. Vậy là tất cả người lớn đều mắc lỗi. Cháu không thích như vậy. Cô giáo cháu đã dặn lên xe máy là phải đội mũ bảo hiểm.

Rồi thằng Bi tiện thể còn kể ra một số “tội” của ông, nào là hai lần ông đã vượt đèn đỏ. Rồi ông nhiều lần còn gọi các cháu là “mày”. Ông khi cãi nhau với bà còn đập cả đồ đạc nữa...

Ông nghe cháu nói vậy thì sững người. Lâu nay, ông vẫn nghĩ thằng cháu Bi mới học có lớp 2 thôi, trẻ con đã hiểu gì đâu. Vậy mà hóa ra cháu đã biết quan sát, phân biệt hành vi đúng, sai rồi. Còn ông thì cứ kiểu xuề xòa, nhiều khi không chú ý làm gương cho cháu.

- Đúng là không phải cứ có cháu rồi trở thành ông. Nhờ có cháu nhắc nhở mà tôi tự vấn lại mình, thấy mình đôi lúc cũng vô kỷ luật, nóng tính, ứng xử có lúc còn thiếu chuẩn mực. Tôi cứ nghĩ mình là người lớn, lại là cây cao bóng cả trong gia đình thì làm gì cũng được, sai tí cũng chả sao. Từ bây giờ, tôi sẽ phải chú ý trong lời ăn, tiếng nói và hành động của mình, không để bị cháu Bi phê bình nữa.

Tối đó, khi các con cháu đã đi ngủ hết, ông nội liền khe khẽ tâm sự với bà. Còn bà thì tủm tỉm cười: “Đấy nhé, tôi đã nhắc nhở nhưng ông không tiếp thu. Giờ thì để cháu nó giám sát nhé”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.