Bài tham dự cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay" lần thứ XIII năm 2023
Hôn nhân luôn cần sự nỗ lực
(PNTĐ) -Hôn nhân luôn cần sự nỗ lực. Không thì làm sao chúng tôi nuôi dưỡng được tình yêu? Vì chúng tôi quen nhau qua mạng, yêu xa và lại thuộc hai nền văn hóa khác nhau nữa. Ngay đến cả việc yêu nhau cũng đã cần nhiều nỗ lực hơn mọi người rồi, nói chi tới kết hôn.

Từ khi bắt đầu làm mẹ đơn thân ở tuổi 24, tôi - Nguyễn Minh Nguyệt, đã tự nhủ rằng mình sẽ phải kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho mẹ và cho con. Tôi phải thành công để không ai có thể quở trách cô con gái bé bỏng đã cản trở công danh sự nghiệp của mẹ nó. Sinh con được 2 tháng là tôi đi làm rồi. Có những ngày tôi nhờ mẹ trông con để đi làm tới 14 tiếng đồng hồ. Tôi còn đi công tác liên miên từ khi con chưa đầy tuổi. Tới năm 28 tuổi, tôi trả xong nợ nhà và đã bắt đầu có thêm tài sản để đầu tư. Và khi đó, việc lấy chồng đối với tôi lại càng trở nên xa vời.
Khi bước sang tuổi 30, tôi đã vô tình “quẹt” trúng anh chàng người Pháp sang Việt Nam du lịch lần đầu. Anh tên Florian Casagrande, hơn tôi 5 tuổi và là một nhà tâm lý học. Anh là một người điềm đạm, lúc nào cũng có tâm niệm được giúp đỡ mọi người.
Chúng tôi gặp nhau đúng là do định mệnh sắp đặt. Ban đầu, anh định đi du lịch Thái Lan nhưng không hiểu sao phút cuối lại đổi qua Việt Nam; còn tôi vẫn không hề có ý định tìm kiếm đối tượng hẹn hò thì nói gì tới việc kết hôn. Khi chị bạn cài phần mềm hẹn hò vào điện thoại của tôi, tôi còn muốn xóa nó ngay lập tức. Vậy mà lúc xóa, lại “quẹt nhầm” phải anh và thế là chuyện tình cảm của chúng tôi bắt đầu từ “quẹt 1 lần, chat 1 tuần và rồi bên nhau 1 đời”.

Ngay khi còn đang tìm hiểu nhau, chồng tôi luôn nỗ lực rèn luyện tiếng Anh hằng ngày để có thể giao tiếp với tôi. Anh nghe hiểu tốt, nhưng không sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên nói còn chậm, anh từng thấy bực bội vì không thể bông đùa hay làm tôi cười. Anh sống một mình đã lâu trong căn nhà rất rộng. Suốt thời gian giãn cách vì Covid-19, anh lủi thủi bếp núc ăn uống một mình làm tôi thấy chạnh lòng. Vậy nên, mặc dù là một con sâu ngủ luôn lên giường lúc 10h tối, tôi đã cố gắng thức tới 1h-2h khuya gọi video để nói chuyện cùng anh khi nấu ăn, khi ăn tối xong mới yên tâm đi ngủ. Tôi luôn nói rằng, tôi sẽ không bao giờ để anh thấy cô đơn.
Giao tiếp luôn là chìa khóa của những cặp đôi yêu xa. Ngày nào cũng nói những câu tình cảm với nhau, tưởng là sến súa nhưng mà lại quan trọng vô cùng đấy nhé. Để khi thấy người mình yêu hạnh phúc hơn khi nghe những lời tình cảm, mình cũng sẽ can đảm để thể hiện nhiều hơn. Yêu lâu rồi người ta hay nói chuyện theo cách suồng sã hơn, cả những câu thân mật như “dạo này lên cân rồi đó”…nhưng chúng tôi thì không bao giờ. Kể cả khi tôi lên cân và có cái nọng cằm đầy mỡ, chẳng bao giờ anh cười hay trêu chọc vợ kể cả là đùa vui. Nên dù cho anh có cao lêu đêu tới tận 2m, trong mắt tôi mọi thứ đều đẹp. Cứ khen nhau thôi, góp ý nhẹ nhàng thôi, trân trọng nhau từ những cái nhỏ nhất ý. Chồng tôi mà thấy vợ thiếu tự tin là sốt sắng lắm. Khi tôi thấy mình xấu, anh sẽ khen nhiều hơn thường lệ. Khi tôi thất bại trong công việc, anh cũng động viên nhiều hơn. Tôi cũng vậy đấy. Cho nhau sự tự tin là điều cơ bản nhất chúng tôi dành cho nhau. Tự tin về mối quan hệ này, về sự bền chặt dài lâu, tự tin về bản thân… nên chúng tôi luôn hạnh phúc kể cả khi không ở cạnh nhau.
Sau khi kết hôn, tôi có hỏi anh rằng "anh thấy điều gì là nỗ lực lớn nhất anh đã làm vì em vậy?". Lúc ấy tôi chắc mẩm anh sẽ nói tới việc bếp núc. Thực ra, tôi không giỏi nấu nướng nên anh luôn gánh phần hơn. Thậm chí anh còn nấu ngon và trình bày như đầu bếp khiến tôi có cả 1 album ẩm thực. Vậy mà chồng tôi ngay lập tức trả lời: "Ồ, đó là luôn nỗ lực tha thứ cho việc em nặng lời với anh mỗi khi em cáu gắt". Tôi chợt nhớ ra lúc tức giận, tôi bất cần tới mức đáng sợ ấy. Và rồi, tôi lại thấy yêu chồng mình nhiều hơn nữa, chẳng phải anh thực sự là mảnh ghép tuyệt vời dành cho tôi sao?

Tôi thấy nỗ lực lớn nhất từ anh là cách chấp nhận và yêu thương con gái của tôi. Cứ 9h30 phút tối, anh gọi để chúc hai mẹ con ngủ ngon, nếu đang họp thì sẽ lén lút nhắn tin cho vợ. Hôm nào con muốn vẽ, anh dành thời gian dạy con vẽ qua video call. Hôm thì con muốn làm bánh, anh dành nửa ngày hướng dẫn hai mẹ con làm bánh socola mà con thích. Hôm con muốn thử làm nhạc cùng bố, anh cũng ngồi chỉ cho con qua điện thoại. Cách anh yêu và quan tâm con bé thật sự ngọt ngào, thân thương và vững chãi đến vô cùng.
Tôi vẫn luôn nỗ lực để cả gia đình được đoàn tụ, tự mình học thêm tiếng Pháp sau khi đã thành thạo 3 ngoại ngữ. Nhiều khi stress muốn nổ tung đầu, nhưng tôi vẫn miệt mài học ở cái tuổi 33. Cả năm trời trước khi sang Pháp, tôi đã mày mò nộp CV ứng tuyển tới cả 100 lần, phỏng vấn gần 20 lần với nhiều công ty khác nhau ở châu Âu vào khung giờ nửa đêm chỉ để có 1 công việc. Miễn là được đoàn tụ với chồng, tôi chấp nhận từ bỏ sự nghiệp, cả vị trí quản lý hiện tại ở Việt Nam, kể cả làm 1 vị trí đơn giản và bắt đầu xây dựng sự nghiệp từ đầu cũng không sao cả.
Cuộc “đại di cư này” đem lại cho mẹ con tôi nhiều thử thách, bởi làm lại từ đầu ở chốn xa gia đình nào có bao giờ là dễ dàng đâu. Tôi thích tự tay mình làm đồ cho chồng, cho con. Ngay như đám cưới của chúng tôi, tôi tự tay thiết kế từ chiếc thiệp mời, cái nhãn chai nước tới hashtag, biển báo, sổ guestbook… Năm nào, chồng tôi cũng có 1 món quà handmade từ vợ, khi thì hộp quà, khi thì chiếc lịch treo tường với những dòng viết tay từ tôi. Năm nào sinh nhật con gái, tôi cũng tự trang trí, từ bóng bay tới phông nền, hộp quà rồi video ảnh kỷ niệm. Đối với chồng con thì không có gì là qua loa được cả.
Hai con người dù đồng điệu tới đâu cũng vẫn là 2 cá thể riêng biệt. Không vì nhau, không có sự cảm thông cho nhau, không dung hòa với nhau thì sao tránh khỏi xung đột khi bên nhau? Với tôi, đó là nỗ lực, nỗ lực từ tất cả các phía trong gia đình.