Làm bạn tốt sau ly hôn
PNTĐ-"Bố mẹ con giờ trở thành bạn tốt của nhau. Vì là bạn tốt nên họ luôn giúp đỡ, chia sẻ với nhau khó khăn trong cuộc sống. Sau ly hôn, chúng con và bố mẹ đều sống rất ổn".
![]() |
Bố mẹ trở thành bạn tốt sau ly hôn giúp các con không phải chịu tổn thương. Ảnh minh họa |
Con gái của anh chị đã nói với tôi như vậy khi tôi tình cờ gặp cháu tại buổi tư vấn du học diễn ra ở Hà Nội. Trong suy nghĩ của tôi, mỗi một cặp vợ chồng khi đã ly hôn ắt sẽ phải trải qua một thời gian mâu thuẫn trầm trọng. Những mâu thuẫn ấy khiến họ không còn chấp nhận nổi nhau, muốn tách nhau ra mãi mãi, thậm chí để lại cho nhau sự tổn thương, nỗi hận thù không dễ gì buông bỏ.
Vợ chồng tôi là một ví dụ điển hình. Sau 8 năm chung sống, chúng tôi nảy sinh mâu thuẫn bởi sai lầm của anh. Sự tổn thương cùng với đau khổ đã khiến tôi và anh trở thành "kẻ thù" không đội trời chung trong gia đình.
Khi ly hôn, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cũng được chúng tôi phân chia trách nhiệm rất sòng phẳng để ít phải liên quan đến nhau. Tôi nhận nuôi hai con, anh có trách nhiệm chuyển tiền cấp dưỡng hàng tháng qua tài khoản. Mỗi năm, anh được đón các con về sống trong một tháng hè.
Thời gian còn lại, tôi không muốn anh qua lại can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi. Vì không muốn nhìn mặt nhau nên cả tôi và anh đều thực hiện nghiêm túc giao ước của đôi bên. Hai đứa con của chúng tôi theo đó cũng phải thuận theo lối sống của bố mẹ.
Nhưng, từ lúc gặp lại con gái anh chị, nghe cháu kể về cuộc sống làm bạn sau ly hôn của họ, tôi không khỏi suy nghĩ. Từ khi quyết định chia tay, anh chị thông báo và hỏi ý kiến con về cuộc sống khi bố mẹ không còn chung một nhà.
- Bố cháu bảo sẽ không có gì xáo trộn, chúng cháu hãy cứ xem là công ty bố làm việc ở xa nên bố phải đến đó ở cho tiện. Cuối tuần hoặc thỉnh thoảng, bố mới về nhà một lần. Bố mẹ vẫn luôn thường xuyên liên lạc với nhau, trở thành bạn tốt giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Mẹ cũng nói sẽ không có gì thay đổi trong nhà, mọi thứ liên quan đến bố vẫn giữ nguyên. Bố có thể trở về thăm các con, ăn cơm gia đình bất cứ lúc nào. Nếu cần, bố có thể ngủ lại nhà, chỉ khác là bố mẹ không còn chung một phòng như trước đây nữa.
Dù chuyển ra ngoài sống riêng nhưng anh chị vẫn giữ nếp sinh hoạt hàng ngày giống trước đây đối với các con. Nghĩa là, anh vẫn làm nhiệm vụ đưa đón con đến trường mỗi ngày giúp chị.
Khi chị đi công tác xa, anh về nhà ở để chăm sóc và trông các con. Chuyện học hành của con cái, hai người đều phải có trách nhiệm chung, cô giáo có thể trao đổi với bất cứ ai và người đó sẽ thông báo lại cho đối phương, cùng thống nhất phương án giải quyết. Nhờ vậy mà hai đứa trẻ ít chịu tác động sau khi bố mẹ ly hôn. Nhà nội, nhà ngoại có việc, hai người vẫn tìm về lo công việc. Họ đều thống nhất rằng chuyện ly hôn không ảnh hưởng đến tình cảm của họ đối với người thân của đôi bên.
Hai năm sau, anh tái hôn. Bọn trẻ có chút xao động nhưng nhanh chóng ổn định lại. Không chỉ làm "bạn tốt" của chồng cũ, chị còn tìm cách làm "bạn thân" của vợ anh. Chị bảo đó là cách để cho mối quan hệ giữa chị và chồng cũ vẫn được duy trì tốt đẹp mà không ảnh hưởng đến hạnh phúc mới của anh. Bọn trẻ không có ác cảm với vợ mới của bố. Vợ mới của anh cũng cảm thấy thoải mái hơn trong việc chồng qua lại bên nhà vợ cũ. Thậm chí, có nhiều lần hai nhà còn tổ chức đi du lịch, ăn uống chung với nhau.
Đến thăm nhà chị, tôi vô tình gặp anh ở đó. Hôm đó, anh đang lúi húi thay mới các bóng đèn bị cháy trong phòng khách nhà chị, hai đứa con anh đang rít rít chơi với đứa em cùng cha khác mẹ.
Làm xong công việc, anh gửi con ở lại nhà vợ cũ để ra sân bay đón vợ đi công tác về. Chị nói nếu không trở thành bạn tốt của nhau sau ly hôn thì họ sẽ không thể giữ cho các con cuộc sống cân bằng, bản thân họ cũng chẳng buông bỏ vết thương lòng để cuộc sống mới thật sự hạnh phúc. Chị nói đúng, bởi tôi cũng ly hôn như chị, nhưng cho tới bây giờ cuộc sống của tôi vẫn đầy ắp sự tổn thương, nặng nề khi nghĩ về chồng cũ. Các con của chúng tôi mỗi khi về nhà bố cũng chẳng được hạnh phúc như các con của anh chị. Phải chăng tôi đã sai lầm khi giữ mãi trong lòng nỗi tổn thương khi ly hôn?
Nguyễn Thị Trà
(Linh Đàm, Hà Nội)