Ly hôn ở nước ngoài, công nhận bản án tại Việt Nam
(PNTĐ) - Trong bối cảnh hội nhập, nhiều gia đình Việt đang sinh sống ở nước ngoài, sau đó gặp mâu thuẫn dẫn tới ly hôn đã được tòa án nước ngoài xem xét ra quyết định. Song sau đó, có trường hợp, một trong hai người lại mong muốn thay đổi lại bản án khi trở về Việt Nam...

Kết hôn ở Việt Nam nhưng ly hôn tại nước ngoài
Tháng 6/2025, TAND tỉnh N.A đã mở phiên tòa sơ thẩm công khai giải quyết vụ việc dân sự “Yêu cầu Công nhận và cho thi hành án tại Việt Nam Bản án (Quyết định) về Hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài" giữa chị V, là công dân Việt Nam, là công dân Việt Nam, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh N.A hiện đang cư trú tại Australia và anh C, có quốc tịch Australia.
Theo Giấy ly hôn của Tòa án lưu động liên bang Australia thì việc ly hôn giữa chị V và anh C có hiệu lực và kết thúc cuộc hôn nhân vào đầu năm 2019. 2 con chung của chị V và anh C chưa đủ 18 tuổi được sắp xếp do chị V nuôi dưỡng.
Việc thỏa thuận về con cái được thể hiện tại Văn bản thỏa thuận tài chính của Luật Gia đình năm 1975 kèm theo Giấy ly hôn năm 2019 của Tòa án lưu động liên bang Úc thể hiện: "... Các con sẽ sống với chị V tại ngôi nhà lúc kết hôn... Anh C đồng ý trả cho V 10.000 đô la mỗi tháng để hỗ trợ và nuôi dưỡng con cho đến khi con đủ 18 tuổi”. Như vậy, theo quyết định của Tòa án lưu động Liên bang thì chị V là người được trực tiếp nuôi dưỡng hai con chung cho đến khi đủ 18 tuổi. Sau đó, anh C có làm đơn lên Tòa án khối Thịnh Vượng chung của Úc đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Tại Việt Nam, trước yêu cầu của chị V, Toà án đã xem xét các yếu tố. Dù anh C đã yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nhưng sau đó, tại Cổng thông tin Tòa án Khối Thịnh vượng chung lại thể hiện anh C đã rút đơn đề nghị trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy, yêu cầu của chị V được công nhận bản án là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều kiện để được công nhận cho thi hành bản án (Quyết định) của nước ngoài tại Việt Nam quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, Toà án tỉnh N.A đã chấp nhận yêu cầu của chị V, công nhận và cho thi hành Quyết định, giao 2 con chung cho chị V trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng.
Trường hợp thứ 2, chị H, trú tại tỉnh H.B (thời điểm trước ngày 1/7/2025) cho biết: Năm 2009, chị đăng ký kết hôn với anh M tại tỉnh này. Sau đó, hai vợ chồng chị sang Cộng hòa Sip sinh sống. Hôn nhân không suôn sẻ nên anh chị đã gửi đơn xin ly hôn ra tòa án tại nước bạn. Năm 2022, tòa án nước bạn tuyên bố hôn nhân giữa chị và anh M đã chấm dứt. Tuy nhiên, sau đó, anh M mong muốn có thể được xem xét lại bản án đã được tòa án nước ngoài ra quyết định. Trong khi đó, chị H lại có đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Tòa án nhân dân tỉnh H.B, xét các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện tại quyết định của Tòa án nước bạn, hôn nhân dân sự của các bên được tổ chức tại thành phố H. B đã chấm dứt là không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, Hội đồng phiên họp có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của chị H.
Tránh rắc rối không đáng có
Theo Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy, Tòa án nước ngoài vẫn có thể ra bản án, quyết định ly hôn cho các cặp vợ chồng đã đăng ký kết hôn tại Việt Nam với điều kiện các bên cùng nơi thường trú chung (nước sở tại) tại thời điểm yêu cầu ly hôn và đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật tại nước sở tại.
Theo quy định tại Điều 125 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài có thể yêu cầu công nhận, cho thi hành tại Việt Nam. Trường hợp đương sự không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam hoặc không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam thì có thể được ghi vào sổ hộ tịch.
Cũng theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam khi bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện để được công nhận quy định tại điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, khi xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, Hội đồng không được xét xử lại vụ án đã được Tòa án nước ngoài ra bản án, quyết định. Tòa án chỉ được kiểm tra, đối chiếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, giấy tờ, tài liệu kèm theo đơn yêu cầu với các quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc ra quyết định công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định đó.
Cuối cùng, để phòng tránh những rắc rối không đáng có khi yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam, các đương sự cần lưu ý:
Thứ nhất, việc xét xử tại nước ngoài sẽ được thực hiện theo hệ thống pháp luật riêng của quốc gia đó, đương sự nên tìm hiểu và nắm sơ bộ hệ thống pháp luật nước sở tại, nghiên cứu về thẩm quyền xét xử của tòa án nước ngoài, nội dung bản án không được trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, phân chia tài sản, quyền nuôi con và cấp dưỡng cần tuân thủ các quy định cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam.
Thứ hai, bản án hoặc quyết định đó phải là bản án cuối cùng, có hiệu lực pháp luật, không còn trong thời hạn kháng cáo hoặc tranh chấp. Nếu chưa có hiệu lực, Tòa án Việt Nam có thể từ chối công nhận.
Thứ ba, đương sự cần phải nộp đơn yêu cầu trong thời hiệu được yêu cầu theo quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, quan hệ hôn nhân vẫn tồn tại tại Việt Nam. Điều này dễ phát sinh tranh chấp khi một bên kết hôn mới, sang tên tài sản hay các thủ tịch về hộ tịch cho con.
Nếu có thể các bên đương sự nên thống nhất ý chí để tránh tranh chấp phát sinh. Trên thực tế, không ít vụ việc kéo dài vì một bên đề nghị không công nhận bản án, quyết định của tòa án nước ngoài.