Những gia đình hạnh phúc vì “sinh con một bề là gái”
(PNTĐ) - Ở nhiều gia đình sinh con một bề là gái, họ vẫn cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, bởi các bé gái đểu rất chăm ngoan, học giỏi. Điều này khẳng định rằng, hạnh phúc không phải đến từ việc sinh con gái hay con trai mà chính là cùng quan tâm yêu thương, giáo dục, vun đắp cho tương lai của các con như thế nào.
Những bé gái chăm ngoan, học giỏi
Em Nguyễn Thị Liễu, học sinh lớp 8A2, trường THCS Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì – Hà Nội) chia sẻ, em sinh ra và lớn lên trong một mái ấm gia đình có đầy đủ tình yêu thương, sự quan tâm của bố mẹ, ông bà. Gia đình em có hai chị em gái, bố mẹ chỉ là làm nông. Từ bé, Liễu đã nghe các cô bác trong họ hàng nói với bố rằng, nhà chỉ có 2 con gái thì sao phải làm lụng vất vả làm gì… hoặc nhắc mẹ em phải sinh thêm một đứa con trai nữa để có người thờ tự sau này. Thế nhưng, bố Liễu đã cười thật tươi và đầy tự hào khi nhắc đến những thành tích mà các con gái đã đạt được. “Bố em hay nói: Có những thứ đáng yêu mà chỉ khi có con gái mới hiểu được. Em thấy rất xúc động và tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn để ông bà, cha mẹ thêm tự hào về mình, để bao nỗ lực, vất vả, hi sinh của các bậc sinh thành có được quả ngọt xứng đáng” - Liễu cho biết.

Những năm qua, Liễu và chị gái đều là những học sinh ngoan, học giỏi, luôn nhận được biểu dương, khen thưởng của địa phương, nhà trường. Chị gái Liễu là một học sinh có thành tích tốt trong các kỳ thi của trường, huyện. Bản thân cô bé cũng luôn đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Năm học 2021-2022, Liễu vinh dự đạt giải Ba môn Ngữ văn, kỳ thi học sinh năng khiếu cấp huyện.
Theo Liễu, việc công nhận ngày 11/10 hàng năm là ngày Quốc tế trẻ em gái, thế giới đang chứng minh rằng trẻ em gái trên toàn cầu xứng đáng đón nhận sự giáo dục, bảo vệ và có một tương lai tươi đẹp. Không chỉ là một ngày kỷ niệm, mà ngày Quốc tế trẻ em ra đời nhằm mục đích trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực.
“Chúng em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt trong suốt chặng đường phát triển để đến khi trở thành những người phụ nữ có năng lực hòa nhập tốt với sự hiện đại của đất nước. Trước mong mỏi ấy, chúng em đã nhận thấy sự quan tâm của các ban/ ngành, của nhà trường, thầy cô và cả các bậc làm cha, làm mẹ trong thời gian qua; thông qua những hoạt động tuyên truyền về cân bằng giới, bình đẳng giới, về kế hoạch hóa dân số, hay những buổi chăm sóc sức khỏe tuổi vị thành niên đã đi vào trường học và sinh hoạt địa phương” - Liễu tự hào.
Em Nguyễn Linh Ngọc, học sinh lớp 4E, trường Tiểu học Xuân Thu (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng liên tục đạt học sinh giỏi. Linh tranh thủ thời gian học tập ở trên lớp, tiếp thu bài giảng của thầy truyền thụ để về nhà còn có thời gian giúp đỡ việc nhà cho bố mẹ và kèm em gái học lớp 2 học tập tiến bộ. Vì vậy, cả hai chị em đều đạt học sinh giỏi. Mặc dù gia đình còn nhiều khó khan, bố làm nghề cơ khí, mẹ làm nông nghiệp nhưng tổ ấm của Linh Ngọc luôn đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc.
Còn em Nguyễn Vũ Phương Uyên, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) tham gia công tác Đội, liên tục đạt học sinh xuất sắc. Là cháu gái út sống trong gia đình 3 thế hệ cùng với bà nội và bố làm bảo vệ, mẹ làm công nhân môi trường nhưng ngoài giờ học, Phương Uyên luôn phụ giúp bà và bố mẹ việc nhà và rất hiếu thảo với người trên.
Em Nguyễn Phương Huyền, học sinh lớp 10D1 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) nhiều năm liền luôn đạt thành tích cao trong học tập. Học giỏi toàn diện các môn học, Phương Huyền còn giành thành tích cao môn thể thao bóng rổ với huy chương bạc đồng đội bóng rổ nữ của Liên đoàn bóng rổ Hà Nội năm 2022…
Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
Không phải nhà cao cửa rộng, mâm cao cỗ đầy mới hạnh phúc mà hạnh phúc chính là niềm vui và tiếng cười trong mỗi gia đình. Những gương sáng “trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi” trên chỉ là số ít trong số hơn 400 gia đình sinh con hai con gái có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, nuôi dạy các con chăm ngoan học giỏi tiêu biểu của 4 địa phương: Sóc Sơn, Thanh Oai, Thanh Trì và Long Biên được thành phố và địa phương tổ chức gặp mặt, biểu dương lần này.
“Đầu tư cho phụ nữ và trẻ em gái là đầu tư cho ổn định, thịnh vượng và hạnh phúc”, toàn thành phố Hà Nội đã và đang quan tâm thực hiện nhiều biện pháp, đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn.

Các trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi huyện Thanh Trì được biểu dương tại hội nghị
Ngày nay, ở nhiều gia đình sinh con một bề là gái đã vượt qua định kiến giới và quan niệm phải có con trai để cùng nhau vun vén, xây dựng hạnh phúc. Với họ, dù trai hay gái, chỉ cần sinh con khỏe mạnh, nuôi dạy con ngoan hiền, học giỏi là đã đủ đầy, viên mãn. Đa số các gia đình được tuyên dương năm nay đều cho rằng, bí quyết để nuôi dạy các con gái chăm ngoan, học giỏi là bố mẹ cần gạt đi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, coi con nào cũng là con, chỉ cần nuôi dạy tử tế thì tổ ấm sẽ chan chứa niềm vui. Bên cạnh đó, cách giáo dục các con cũng cần cởi mở, tôn trọng và hướng các con vào sở thích cá nhân của mình. Chị Vũ Thị Lan (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội) có 2 con gái chăm ngoan, học giỏi cho biết, chị chưa bao giờ nghĩ mình thiệt thòi mà chỉ thấy may mắn bởi đã có 2 bé gái khỏe mạnh, thông minh và rất tình cảm.
Phát biểu tại một buổi tuyên dương, ông Nguyễn Minh Xuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội luôn quan tâm và coi trọng công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.
“Tỷ số giới tính khi sinh của của thành phố Hà Nội giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019. 9 tháng năm 2022, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố là 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, dự kiến cuối năm 2022, không quá 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ, thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai” – ông Nguyễn Minh Xuân lo ngại.
Do đó, để nâng cao vị thế của trẻ em gái, thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn Thủ đô, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo thực hiện giảm tỉ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỷ số giới tính khi sinh hiện nay về mức cân bằng tự nhiên (107 trẻ trai/100 trẻ gái) vào năm 2025 và tập trung nâng cao chất lượng dân số Thủ đô.
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần tăng cường triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố về mất cân bằng giới tính khi sinh; tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 14/11/2016 của UBND thành phố Hà Nội về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025; tăng cường truyền thông, thực thi chính sách giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, trẻ em gái, xóa bỏ bất bình đẳng giới, tuyên dương các gia đình sinh con một bề là gái chăm ngoan, học giỏi, vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái…