"Nóng" án mạng vợ chồng, đạo nghĩa phu thê xuống cấp

Chia sẻ

Câu chuyện về con cái thiếu kỹ năng sống dẫn đến những cái chết thương tâm chưa kịp dừng lại thì xã hội lại "nóng" lên bởi những vụ án mạng vợ giết chồng hết sức tàn độc.

 
Rùng mình với án mạng vợ giết chồng
 
Tháng 3/2012, trong khi dư luận chưa kịp “hạ nhiệt” với vụ án bà Trần Thúy Liễu đốt chết chồng ở Long An thì lại tiếp “nóng” lên trước vụ án Trung tá cảnh sát giao thông ở TP HCM bị vợ đầu độc chết.
 
Tại phiên xét xử ngày 29/3/2012, Trần Thúy Liễu hết khóc rồi lại ngất khi nói về quá trình phạm tội của mình. Dù bị cáo Liễu có thanh minh rằng không có ý giết chồng, chỉ ném xăng và châm lửa đốt để… dọa chồng, tất cả là do ông Hùng hay ghen, thỉnh thoảng đánh đập vợ nên mới khiến bị cáo có hành động “trả thù”. Nhưng tất cả những ai tham dự phiên tòa và theo dõi quá trình điều tra vụ án đều hiểu rằng đằng sau thảm án giết chồng là hệ lụy của tệ nạn cờ bạc. Chỉ có điều người ta vẫn không thể nào lý giải nổi vì sao khi người phụ nữ ấy bị cuốn vào vòng đỏ đen lại có thể trở nên tàn độc với chồng mình đến thế. 
 

Bị cáo Trần Thúy Liễu lĩnh án 20 năm tù vì tội đốt giết chồng
 
 
Giết chồng xong, Liễu bình thản dựng lên hiện trường giả, rồi làm ma chay cho chồng, giả vờ làm người vợ đau khổ gần một tháng trời. Nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng vào cuộc và điều tra ra những bất thường trong cái chết của nhà báo Hoàng Hùng thì Liễu sẽ diễn trọn vai của mình không một chút hối hận. Tại phiên xét xử, tất cả đều nhận ra sự tàn khốc của bi kịch do Trần Thúy Liễu gây ra: sát hại đứa con trai của người mẹ già gần đất xa trời, giết chết bố của hai đứa con thơ dại. Cái giá và hậu quả của việc đam mê cờ bạc và ngoại tình của Trần Thúy Liễu quá đắt đỏ và tàn khốc.
 
Tới vụ án vợ cảnh sát giao thông đầu độc chết chồng. Bà Dư Kim Liên khai rằng động cơ gây án là do vợ chồng mâu thuẫn về tiền bạc. Nguyên nhân là do bà chơi đề và nợ nhiều người. Khi số nợ lên đến trên 1 tỷ đồng, bị chủ nợ thúc ép, bà đã về năn nỉ chồng bán nhà trả nợ nhưng không được ông đồng ý. Nợ nần túng bấn, chồng lại không giúp trả nợ mà còn có ý định ly hôn, bà Liên nghĩ đến việc giết chồng để độc chiếm tài sản trang trải nợ nần. Đêm 13/3, khi chồng đi nhậu về, bà ta lén bỏ thuốc độc vào ly sữa pha cho chồng. Khi thuốc ngấm chồng bắt đầu lên cơn co giật, người vợ này tiếp tục chích thêm thuốc độc vào người cho đến khi ông chết hẳn.
 
Hai vụ án trên không chỉ quá kinh khủng về mức độ phạm tội mà còn làm lung lay giá trị đạo đức tình nghĩa vợ chồng. Nếu như ở những vụ án vợ giết chồng trước đây, đa số phụ nữ đều ở tình trạng phản kháng, tự vệ dẫn đến án mạng ngoài ý muốn, thì ở hai vụ án này, họ hoàn toàn ý thức được việc mình sẽ làm và biết trước được hậu quả. Câu hỏi đặt ra là tại sao họ có thể nhẫn tâm thực hiện tội ác một cách man rợ như thế? Phải chăng đạo đức gia đình đã xuống cấp đến mức báo động?
 

"Căn bệnh" tệ nạn xã hội đang "di căn" trong đạo đức gia đình?
 
Nhìn lại các vụ án gia đình đều có một nguyên nhân chung thúc đẩy các đối tượng gây án đó là tệ nạn xã hội (TNXH). Điều này chứng tỏ TNXH đã trở thành căn bệnh nguy hiểm đối với mỗi gia đình. Và nó đang có hiện tượng "di căn" làm suy thoái đạo đức gia đình.
 
Theo ông Hóa Hữu Văn (Vụ phó Vụ Gia Đình - Bộ VHTT&DL)  thì cờ bạc, ma túy, mại dâm là những TNXH có lực hút mạnh và độ tàn phá gia đình rất ghê gớm. Không ít người tự hỏi tại sao bây giờ trẻ con lại dễ nổi nóng, bất trị và dám làm những việc động trời. Không ít trẻ vị thành niên trở thành đại ca của các băng đảng giang hồ, làm chủ và điều hành cả một đường dây mua bán mại dâm… Tại sao những người con, người vợ, người chồng lại có thể nhẫn tâm ra tay sát hại người thân của mình không chút run tay. Đằng sau tất cả những thảm kịch đó đều có bóng dáng của TNXH ẩn hiện.
 
Hai vụ án vợ giết chồng này có những điểm giống nhau. Đó là cả hai người vợ đều lao vào con đường cờ bạc và việc giết chồng dã man là để có tiền trả món nợ đỏ đen. Xưa nay lực hút của đồng tiền cờ bạc luôn có ma lực khủng khiếp, nó có thể dẫn đến bất cứ điều gì kể cả những tội ác tày trời.  Những vụ án mạng vợ chồng sát hại nhau trong thời gian gần đây đã điểm lên tiếng chuông báo động về sự tha hóa, băng hoại đạo đức gia đình, tình nghĩa vợ chồng – Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định.
 
Giải thích vì sao thời hiện đại, “căn bệnh” TNXH lại dễ dàng xâm nhập và “di căn” đến các mỗi quan hệ gia đình, ông Hoa Hữu Vân cho rằng kinh tế thị trường tạo cơ hội cho người ta kiếm được nhiều tiền thì cũng tước đi nếp sống bình ổn, thời gian dành cho gia đình. Người phụ nữ được thể hiện quyền của mình trên nhiều lĩnh vực nhưng một số chị em cũng đang bỏ mất giá trị truyền thống tốt đẹp vốn có.
 
Trong mỗi gia đình không chỉ có con trẻ thiếu kỹ năng sống mà ngay cả người lớn cũng bị thiếu hụt các kỹ năng ấy. Chính vì vậy khi TNXH len lỏi vào các gia đình, nó nhanh chóng cuốn con người ta vào đó. Gia đình càng thiếu quan tâm đến nhau thì TNXH càng có điều kiện để phát triển. Ví dụ như hai người vợ của vụ án trên đều khai đã đánh bạc trong một thời gian dài. Vậy vai trò của người chồng, người thân trong các gia đình này ở đâu khi để họ trượt dài trong cơ lốc đỏ đen ấy?
 
Những vụ án vợ chồng sát hại nhau trong thời gian gần đây chưa đủ để kết luận đạo đức, tình nghĩa vợ chồng của tất cả 23 triệu cặp vợ chồng trong cả nước đang xuống cấp. Nhưng nó là hồi chuông báo động cho mỗi gia đình nói riêng và xã hội nói chung: Nếu không kịp thời “chữa trị” thì một ngày không xa sự suy thoái và xuống cấp của ngày hôm nay sẽ mang lại hậu quả vô cùng thảm khốc.
 
 
Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.