Sự ích kỷ “nhân danh con cái“

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý-Giáo dục An Nhiên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khi ly hôn, hai người thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho nhau trong việc gặp gỡ, chăm sóc con chung. Tuy nhiên, khi con chung về ở với bố, người mẹ thấy mình luôn bị chồng cũ ngăn cản gặp con. Không những vậy, người bố còn quyết định khởi kiện ra tòa để hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con của người mẹ.

Sự ích kỷ “nhân danh con cái“ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Câu chuyện của anh C, chị T trước Tòa đã cho thấy lối ứng xử hậu ly hôn chưa vì quyền lợi của con chung của một số cặp chồng cũ-vợ cũ hiện nay.

Anh N.H.C và chị H.Đ.T có một người con chung là Nguyễn Minh Ch. Thời điểm vợ chồng họ ly hôn, cháu Ch mới được 4 tuổi. Khi ly hôn, anh C nhận trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con chung và thỏa thuận để chị T đến thăm, đưa con về nhà ngoại vào tối thứ sáu đến hết ngày Chủ nhật. Tuy nhiên, tại thỏa thuận, anh C cũng nêu trong trường hợp “con bình thường”, chị T mới được đưa con đi. 

Tại Tòa, anh C cho biết, dù đã có thỏa thuận nhưng chị T bất chấp trời mưa nắng hay con khóc la, bệnh tật vẫn đến mang con đi làm cho tâm lý của cháu Ch không tốt. Anh đã đưa con đi khám tâm lý, bác sĩ khuyên nên hạn chế làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Nhiều lần anh yêu cầu chị T cùng mình ngồi lại bàn bạc về việc thăm nom chăm sóc con nhưng chị T không hợp tác và vẫn mang con về nhà ngoại. Do không thỏa thuận được với chị T nên anh đã khởi kiện yêu cầu hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con đối với chị T và chị chỉ được thăm con khi có sự đồng ý của anh. Theo anh C, trong thời gian anh trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, cháu Ch phát triển hoàn toàn bình thường.

Về phía chị T, trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại tòa đều cho biết tại thời điểm ly hôn, con chung của anh chị chưa đủ 36 tháng tuổi, theo quy định của pháp luật thì phải giao cho mẹ trực tiếp nuôi dạy. Tuy nhiên, với sự vận động, giải thích pháp luật của tòa và có sự cam kết của anh C, chị đã đồng ý giao con chung cho chồng cũ trực tiếp nuôi dưỡng. Thời gian đầu anh C có hợp tác và tạo điều kiện cho chị thăm nom, đưa đón con, nhưng sau khi con đủ 36 tháng tuổi, anh đã có hành vi gây cản trở chị. Anh C cũng tự mình đưa con đi khám bác sĩ về tâm lý và gây sức ép với con làm cho con cảm thấy sợ mẹ. Theo chị T, cháu Ch mới hơn 4 tuổi nên cần có sự quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp từ người mẹ. Do đã có nơi ở và thu nhập ổn định, chị T đã có đơn yêu cầu tòa án thay đổi quyền nuôi con đối với anh C, để chị trực tiếp nuôi dưỡng con và không yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng nuôi con. 

Hội đồng xét xử nhận định, việc chăm sóc, nuôi dạy con chung chưa thành niên là trách nhiệm và nghĩa vụ cũng là quyền lợi của cha mẹ. Nhưng việc giao cho ai là người trực tiếp nuôi dạy con chung thì phải xem xét đến quyền lợi của trẻ để trẻ phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Lời bình của chuyên gia
Qua sự việc trên, có thể nhận thấy sự bất đồng giữa cha mẹ phần lớn vì ích kỷ cá nhân hơn là vì con. Nếu người chồng vì con cái, anh ta cần hiểu rằng, trẻ càng nhỏ càng cần đến sự chăm sóc, ủ ấp và hơi ấm của mẹ. Cho dù thế nào, một người cha “khéo gói ghém” cũng khó vượt qua sức ảnh hưởng của một người mẹ “vụng về”. 
Diễn biến câu chuyện cho thấy rõ mâu thuẫn giữa vợ chồng sau ly hôn ngày càng sâu sắc, việc không tuân thủ thỏa thuận và phán quyết của tòa đi cùng sự bảo thủ của đôi bên “nhân danh con cái” càng ngày càng lộ rõ. Việc ngăn cản người mẹ tiếp cận con hết lần này đến lần khác không thể được đánh giá là hành động đúng đắn và khôn ngoan, càng cố tách người mẹ ra khỏi con càng ảnh hưởng xấu đến tâm lý con trẻ, chưa kể người chồng đã bồi thêm để con nghĩ không tốt về mẹ. Đây là hành động cố tình chia rẽ không nên được khuyến khích trong việc cùng nhau giáo dục con của bất kỳ cặp vợ chồng nào, đặc biệt là các cặp vợ chồng sau khi ly hôn. 
Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo còn rất nhỏ để phân định thật giả, tốt xấu... Nhưng có thể cảm nhận được tình cảm từ cha, mẹ và những người chăm sóc, việc cha mẹ nhường nhịn nhau, thông cảm và tạo điều kiện cho nhau, bỏ qua cái tôi cá nhân - ích kỷ vì con chung, vì tương lai của con mới là hướng đi đúng đắn, bất kì sự chia rẽ, tổn thương hay tác động xấu nào cho một bên mẹ/cha đều trở thành yếu tố cản trở sự phát triền toàn vẹn của con cái trong hành trình hình thành và phát triển nhân cách. 
Tóm lại, cha mẹ có thể “không ưa” nhau nhưng không được để điều này ảnh hưởng đến nhận thức, tình cảm của con trẻ trong vấn đề nuôi dưỡng, giáo dục. Cha mẹ sau ly hôn phải cực kì khéo léo và văn minh khi ứng xử trước mặt con cái, người thân. Nếu cần thiết hãy gặp riêng, “đóng cửa bảo nhau” để đạt được các thỏa thuận trên cơ sở thảo luận, cân nhắc một cách thiện chí nhất, trong đó, cuộc sống của con nhỏ cần được đặt lên hàng đầu trước các quyết định của cả hai, bởi nó ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của con sau này.
 

Do cháu Ch còn nhỏ, cả tuần cháu đã ở với ba cuối tuần về với mẹ, lẽ ra anh C phải hỗ trợ và giúp đỡ vợ cũ được đón con thuận lợi hơn, nhưng anh lại cho rằng cháu khóc không muốn theo mẹ, tâm lý cháu không thích ở với mẹ mà thích ở với ba hơn. HĐXX nhận định với độ tuổi này thì một đứa bé khóc la, hay bệnh tật là bình thường, không thể cho rằng đây là điều kiện không bình thường của trẻ để ngăn không cho chị T đón con. Việc anh nộp đơn đến Tòa yêu cầu hạn chế quyền thăm nom, chăm sóc con của chị T và yêu cầu chị chỉ được thăm con khi có sự đồng ý của anh cũng là đã vi phạm sự thỏa thuận của hai bên. 

Từ những chứng cứ nêu trên, HĐXX quyết định chấp nhận yêu cầu phản tố của chị T về việc thay đổi quyển nuôi con đối với anh C; giao con chung là cháu Ch cho chị T trực tiếp nuôi dạy. Anh C phải có trách nhiệm giao con cho chị T ngay khi án có hiệu lực thi hành. Anh C có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con mà không ai được cản trở. Chị T có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của anh C nếu anh lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc người thân thích, cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em, Hội LHPN, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.
“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

“Cái kết không có hậu” khi... làm người thứ ba

(PNTĐ) - Những ngày này, chuyện kiều nữ làng hài Nam Thư bị công kích, lập nhóm anti* chỉ trích trên mạng xã hội khi vướng tin đồn “giật chồng” gây xôn xao dư luận. Trong showbiz Việt, nhiều người đã bị “tẩy chay” khi công khai hoặc bị phát hiện làm người thứ ba.
Già cậy... người dưng

Già cậy... người dưng

(PNTĐ) - Nhà có đứa con trai thành đạt, cuộc sống phương trưởng, cứ ngỡ cuộc sống tuổi già của bà được an nhàn hưởng phước. Theo quy luật thì “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với bà “già lại phải cậy người dưng”…
Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

Hạnh phúc của người mẹ đơn thân

(PNTĐ) - Từng đổ vỡ một lần và bước vào cuộc hôn nhân mới, chị Nguyễn Kiều Hoa (33 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cả nhà chồng yêu thương. Khi chị vào phòng mổ sinh em bé, nội ngoại ở ngoài háo hức chờ mong và vỡ òa hạnh phúc chào đón “mẹ tròn con vuông”.
Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

Bài 1: Đi đâu cũng không quên nền tảng gia đình

(PNTĐ) - Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế của cả nước, các giá trị văn hóa của Hà Nội, trong đó có giá trị gia đình đã trở thành nguồn nội lực quan trọng để Hà Nội trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại. Song, trong “cơn lốc” kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, gia đình Thủ đô đang đứng trước vô vàn thách thức. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tăng cường gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Thủ đô trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng chính là lời giải cho loạt bài “Phát huy giá trị gia đình Thủ đô: Từ truyền thống tới hiện đại”.