Thành công nhờ “thuận vợ, thuận chồng“

MAI CHI
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần 40 năm sát cánh cùng nhau tạo ra các sản phẩm từ đồng, hai vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Kim Lan (phố Chân Cầm, quận Hoàn Kiếm) nuôi dưỡng niềm đam mê và sống được bằng đam mê nhờ bí quyết: Kiên trì và tin tưởng lẫn nhau.

Cùng sinh ra và lớn lên ở làng nghề gò, đúc đồng Đại Bái - làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất về kỹ nghệ đúc đồng, ông Đức và bà Lan được bố mẹ, ông bà chỉ dạy những ngón nghề từ sớm. “Làng đồng Đại Bái chia thành 4 xóm, với 4 đặc trưng làm nghề khác nhau. Tôi là người xóm Giữa, chuyên sản xuất ấm đồng, siêu đồng. Ngày bé, tôi đã đoạn được tay nghề từ sớm, biết gò rồi chìa những cái nồi thành ấm. Lớn lên tuy học cao đẳng sư phạm, theo nghề giáo nhưng những kỹ thuật được truyền dạy, tôi vẫn nhớ. Còn ông ấy là gốc xóm Ngoài, chuyên làm nồi đồng nấu rượu. Đi bộ đội về, rồi công tác một thời gian, ông ấy quyết định về nhà làm nghề, để đỡ đần bố mẹ và trách nhiệm người anh cả”, bà Lan kể lại.

Năm 1989, họ nên duyên vợ chồng. Trong suy nghĩ của họ chưa từng có chuyện bỏ nghề truyền thống của cha ông, nên dù nghề đúc đồng có đi qua nhiều thăng trầm, thất bại, nhưng đến nay, họ vẫn gìn giữ và phát huy nghề sao cho phù hợp với thời cuộc.

Thành công nhờ “thuận vợ, thuận chồng“ - ảnh 1
Bà Lan say sưa giới thiệu những bông sen bằng đồng do chồng chế tác

“Hồi mới lấy nhau, ông ấy đã có tài làm các phôi khay, cốc đồng sau đó bán cho khách mang về chạm, khắc hoa văn và mạ bạc để xuất khẩu, hoặc bán trên phố Hàng Gai, hàng Khay. Khi làm phôi không còn phát triển nữa, chúng tôi chuyển sang làm quai cho ấm ở làng gốm Bát Tràng. Chiếc quai lấy lòng được các nghệ nhân gốm sứ của làng gốm nghìn tuổi bởi sự tinh xảo nhờ làm thủ công bằng tay, một chiếc quai với màu đồng và hoa văn riêng có giúp làm nổi bật cả một bộ ấm chén, góp phần vào giá trị xuất khẩu của gốm Bát Tràng. Sau đó, khi nghệ thuật này thoái trào, bão hòa, quai nhôm xâm nhập vào thị trường, chúng tôi lại rẽ hướng khác và gắn bó với đồ đồng thủ công tới bây giờ”, bà Nguyễn Kim Lan cho biết.

Làm nghề thủ công, nếu không có tình yêu và đam mê lớn thì khó mà trụ vững, nhất là trong những giai đoạn khó khăn. Hiểu điều đó, nên bằng sự nhạy cảm của người phụ nữ, đã có thời điểm, cô giáo Kim Lan dạy môn Sinh ở trường cấp 2 Nhật Tân còn học thêm một bằng cao đẳng sư phạm Toán nữa để “nếu có gì” thì mình cũng vẫn còn một cần câu cơm, để chồng vẫn được say nghề và cuộc sống của các con không bị gián đoạn. Chỉ khi công việc làm sản phẩm đồng dần hồi phục và chồng vẫn được chuyên tâm vào cái đẹp, bà mới bớt việc dạy đi một chút. “Chỉ cần thấy đơn hàng phía đối tác có chút gì đó chậm hơn, ít hơn là tôi đã bắt đầu nghĩ ngợi rồi. Cái tính mình lo xa”, bà Lan hóm hỉnh.

Nghỉ hưu vào đầu những năm 2010, bà Lan quyết tâm “nhảy” ra thị trường, chủ động đi tìm đầu ra chứ không thụ động ngồi chờ các đối tác, đơn hàng tìm đến nữa. “Bằng cách tích cực đi các triển lãm làng nghề. Thuở ấy có triển lãm về hàng quà tặng, tôi được giới thiệu và hỗ trợ cho gian hàng miễn phí cho các mặt hàng thủ công. Tôi bàn với chồng, anh đắn đo bảo biết mang gì đi được. Tôi quả quyết, nhà có gì thì mang đi. Đó thực sự là cơ hội quá tốt để chúng tôi mang hàng ra quảng bá và đã bán được rất nhiều”.

Tham gia nhiều các hội chợ, triển lãm, bà Lan nhận ra một trong những mấu chốt mà hàng thủ công chưa lôi kéo được nhiều người mua vì giá bán vẫn quá cao. “Ta vẫn thường quan niệm hàng thủ công thường sử dụng để bán làm quà lưu niệm cho khách nước ngoài, nên giá không hề rẻ. Vì thế, chúng tôi bán sản phẩm với giá rẻ hơn nhiều, gần như tận gốc vì sản phẩm do mình làm ra, không qua trung gian. Đó là cách nhiều người biết đến sản phẩm của chúng tôi”. Cô Lan cho hay, những năm ảnh hưởng bởi đại dịch, thợ của xưởng chưa phải một ngày ngơi việc. Cùng với đó, hai ông bà chấp nhận bán một mảnh đất để có tiền cho con trai cả học ngành marketing vào lúc ngành này còn mới phát triển. Bây giờ, ngoài học nghề từ bố, anh phụ trách quảng bá và bán hàng của gia đình trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

 
Thành công nhờ “thuận vợ, thuận chồng“ - ảnh 2
Hàng ngày, ngoài quán xuyến việc bán hàng, bà vẫn phụ giúp ông chế tác sản phẩm từ đồng

Hai vợ chồng ông Đức, bà Kim Lan được mọi người đánh giá là làm việc gì cũng cùng nhau và hợp nhau. “Hồi mới cưới, ông ấy làm những khay, cốc thẳng, còn đơn giản. Sau đó chúng tôi nghĩ ra làm những chiếc cốc loe, trở thành một trong những mặt hàng bán chạy nhất. Chúng tôi khá ăn ý trong đưa ra ý tưởng, mẫu mã mới và đặc biệt, trong cách thức kinh doanh, phát triển sản phẩm, ông ấy luôn tin tôi”, bà Lan cho hay.

Một sản phẩm đồng, từ chiếc lá đồng sẽ được cắt theo kích cỡ, rồi gò, ghép lại thành hình, rồi đánh bóng, tạo họa tiết. Một sản phẩm thủ công từ đồng trung bình một người làm sẽ khá mất thời gian, nhưng giá trị kinh tế không phải là quá lớn. “Lúc mới làm nghề, chỉ có hai vợ chồng làm, mỗi ngày 40-50 bộ phôi, tôi đi dạy một buổi rồi về phụ ông ấy. Đến khi làm cho quai cho ấm Bát Tràng thì nhận thêm con cháu vào làm, ban đầu để làm những chiếc quai đồng thì phải dùng búa đe, đập rồi vun dần cho dây đồng nhỏ dần thành chiếc quai. Sau đó, ông ấy tự chế ra máy để kéo đầu, rồi từ từ cùng với sự sáng tạo của chú trong kỹ thuật, công việc được giải phóng thời gian dần”.

Bà Lan rất nể tay nghề của chồng mình. “Chỉ nhìn mẫu là đã ông ấy đã tưởng tượng ra phôi sao cho làm cho nhanh nhất, rồi tôi cắt thành khuôn cho ông ấy gò”. Những bông sen bằng đồng do ông Nguyễn Văn Đức chế tác với cánh sen tròn đầy, bồng bềnh, sống động, đủ kích cỡ, trở thành những chiếc trâm cài dầu, những bức tranh hay là họa tiết trong các sản phẩm đồng khác, trở thành điểm nhấn, nét riêng biệt của gia đình nghệ nhân này.

Hơn 30 năm, mỗi ngày lớn lên cùng tiếng búa, tiếng đe của bố mẹ, hai anh em Nguyễn Ngọc Diệp cũng thừa hưởng niềm đam mê các sản phẩm đồng và phát triển nó theo cùng xu hướng của người trẻ. Ngoài các sản phẩm truyền thống, Ngọc Diệp còn sáng tạo và được bố mẹ chỉ dạy làm đồ trang sức bằng đồng rất được các bạn trẻ yêu thích. Những chiếc trâm cài đầu, hoa tai, nhẫn, vòng, kiềng… bằng đồng được trạm trổ tinh tế, mang màu sắc hoài cổ, Diệp cho hay, dịp Tết vừa rồi các sản phẩm này của cô “cháy hàng” nhờ sự kết hợp hoàn hảo với áo dài truyền thống.

“Bốn mươi năm bên nhau, mọi người vẫn hay đùa, U70, U80 rồi mà bố mẹ vẫn mải mê làm nghề thế. Bố mẹ mình chỉ cười, bảo còn lao động là còn khỏe, cố gắng để giữ gìn nghề truyền thống”, Diệp nói về bố mẹ mình.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.