“Tính lỗi” khi ly hôn: Công bằng về tài sản cho người “vô tội”

Chia sẻ

PNTĐ-Theo luật Hôn nhân và gia đình mới sửa đổi, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng sẽ tính đến yếu tố lỗi của một bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 
Theo luật Hôn nhân và gia đình mới sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015), khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng sẽ tính thêm yếu tố lỗi của một bên nếu vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Theo đó, người gây bạo hành gia đình, ngoại tình, rượu chè, nghiện hút… sẽ bị khấu trừ tài sản.
 
Đã bị hại lại còn chịu thiệt
 
Cuộc hôn nhân của Lê Thị M (Ba Đình, HN) không còn ấm êm kể từ lúc anh chồng ngoại tình. Mặt khác, để được nhanh chóng ly hôn đến với nhân tình trẻ đẹp, anh luôn tìm cớ bạo hành vợ đẩy mâu thuẫn vợ chồng thêm trầm trọng. Khi chị M không chịu nổi đã phản kháng, liền bị chồng đánh đập, đuổi ra khỏi nhà. Vì danh dự bản thân và không muốn ly hôn để con cái phải khổ nên chị M vẫn âm thầm chấp nhận sự ngược đãi của chồng. Thấy vậy, anh chồng đơn phương xin ly hôn. Lần hòa giải nào, anh ta cũng đưa ra lý do mâu thuẫn hôn nhân trầm trọng và kiên quyết ly hôn.
 
Bấy giờ chị M cũng đưa ra bằng chứng về hành vi chồng ngoại tình, bạo hành vợ con với mong muốn tòa thấy anh ta “sai” và có biện pháp giáo dục lại, để giúp chị bảo vệ hôn nhân. Nhưng không ngờ, những bằng chứng bạo hành gia đình mà chị đưa ra lại được tòa lấy làm căn cứ để xem xét yếu tố mâu thuẫn hôn nhân trầm trọng và giải quyết ly hôn cho họ. Khi chia tài sản, chị M thất thần khi biết số tài sản chung chẳng còn lại là bao vì anh chồng đã âm thầm tẩu tán sang cho nhân tình trước đó. Ly hôn xong chị không biết phải bắt đầu cuộc sống và nuôi con như thế nào khi gần như tay trắng. Thất thần ra khỏi tòa, chị M cay đắng: “Anh ta ngoại tình, đánh đập vợ con, đạp đổ hôn nhân vậy mà vẫn ung dung được ly hôn, dành hết tài sản. Còn tôi chẳng làm gì nên tội lại phải chịu đủ thiệt thòi”.
 
“Tính lỗi” khi ly hôn: Công bằng về tài sản cho người “vô tội” - ảnh 1
Ảnh minh họa
 
Tương tự, ngày nhận được quyết định ly hôn của tòa, chị Nguyễn Thị Kh (Thanh Trì, HN) không khỏi xót xa. Kết hôn với người đàn ông “tay trắng”, lại còn lười biếng, bao nhiêu năm nay chị nai lưng làm lụng nuôi chồng nuôi con. Những gì có được hôm nay đều do chị gây dựng là chính. Ấy vậy nhưng người chồng ăn trắng mặc trơn ấy vẫn không để chị yên ổn làm ăn mà suốt ngày rượu chè, hành hạ vợ con. Chịu mãi không thấu, chị đành ly hôn. Tòa thấy lý do ly hôn của chị là chính đáng nên đồng ý để họ chấm dứt hôn nhân. Khi chia tài sản, anh chồng vẫn được nhận một nửa tài sản. “Thật không công bằng vì mang tiếng là tài sản chung nhưng phần lớn là do tôi làm nên. Bao năm qua, tôi nuôi báo cô chồng, bị anh ta hành hạ, đã vậy khi ly hôn còn phải mất một nửa tài sản” - chị Kh bức xúc.

Bảo vệ người không có lỗi khi ly hôn
 
Theo bà Phan Thị Vân Hương (phòng Xét xử án HNGĐ - Tòa dân sự, TANDTC), từ trước đến nay trường hợp phụ nữ bị thiệt thòi khi ly hôn như trên không ít. Rất nhiều vụ ly hôn bắt nguồn từ nguyên nhân người chồng có hành vi bạo hành gia đình, ngoại tình. Nhưng những hành vi vi phạm đó lại chỉ được tính như một yếu tố khiến mâu thuẫn hôn nhân trầm trọng để tòa làm căn cứ xử ly hôn. Điều này dẫn tới một nghịch lý người gây lỗi khiến hôn nhân đổ vỡ đạt được mong muốn ly hôn. Còn người không có lỗi, muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình lại không được bênh vực.
 
Thực tiễn trong hệ thống pháp luật của một số nước trên thế giới như Pháp, Đức… yếu tố gây lỗi khi ly hôn được tính rất nặng như: người gây lỗi bị khấu trừ tài sản rất lớn, tước quyền nuôi con… Mức phạt lỗi nặng như vậy đã hạn chế rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ. Nó giúp người gây lỗi ý thức được rằng nếu để đối phương dùng lỗi đó làm căn cứ để ly hôn thì sẽ bất lợi cho bản thân rất nhiều.
 
Để khắc phục bất hợp lý tồn tại lâu nay, luật HN&GĐ mới của chúng ta đã bổ sung thêm quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản vợ chồng khi ly hôn. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng sẽ tính đến yếu tố lỗi của một bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Như vậy từ nay nếu chồng/vợ có hành vi ngoại tình, rượu chè, bạo hành, nghiện hút, không lo làm ăn… hoặc có những hành vi khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc hôn nhân thì khi ly hôn sẽ được chia tài sản chung ít hơn người kia.
 
“Quy định này thật sự mang lại công bằng và bảo vệ quyền lợi cho những người vợ/chồng không gây lỗi khi ly hôn. Hạn chế trường hợp vợ/chồng tay trắng khi ly hôn sau nhiều năm cống hiến tuổi xuân và sức lực cho gia đình. Đồng thời nó cũng là biện pháp răn đe, trừng phạt lại những trường hợp gây lỗi làm ảnh hưởng đến hạnh phúc, đẩy hôn nhân đến bên bờ vực thẳm”. Luật sư Nguyễn Minh Long (Văn phòng luật sư Dragon) nói.

Hạ Thi

Tin cùng chuyên mục

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

Tiếng nói của con vị thành niên là căn cứ quan trọng

(PNTĐ) - Vợ chồng ông Hồng P và vợ là Ngọc Y ở Vĩnh Phúc sinh được 1 con chung là cháu A, sinh năm 2009. Năm 2021, hai ông bà ly hôn. Bà Y được tiếp tục nuôi dưỡng cháu A. Sau đó, ông P cho rằng bà Y có biểu hiện không quan tâm, chăm sóc con nên đã khởi kiện yêu cầu Tòa án hạn chế quyền trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của bà đối với cháu A trong thời hạn 2 năm tính từ ngày 1/1/2024.
Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

Tuổi già càng ít dựa con càng tốt?

(PNTĐ) - Tiếp tục gửi ý kiến thảo luận tới Diễn đàn, nhiều độc giả cho rằng, tuổi già cần nhất là những giây phút thảnh thơi, tránh xung đột không cần thiết nên việc bố mẹ càng ít cậy nhờ, dựa dẫm con thì càng tốt.
Người vun vén hạnh phúc gia đình

Người vun vén hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Suốt 20 năm qua, bà Hoàng Thanh Mai (SN 1949, tổ trưởng tổ hòa giải số 19, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đã dốc hết lòng cho công tác hoà giải cơ sở, giúp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện.