Tôi đi triệt sản

QUANG NGUYỄN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tránh thai thường được coi là việc của phụ nữ, vì khi mang thai ngoài ý muốn, phụ nữ là người thiệt thòi nhất. Họ mất 9 tháng bầu bí, ốm nghén, 1 năm cho con bú mớm, đôi khi là cả cơ hội công việc và sự nghiệp. Các ông chồng (như tác giả) lại thường ít phải chịu hậu quả hơn phụ nữ. Bài viết là trải nghiệm của một ông chồng yêu vợ, có 3 đứa con và không còn muốn “đẩy” trách nhiệm tránh thai cho vợ mình.

Tôi đi triệt sản - ảnh 1
Đi triệt sản là quyết định đúng đắn của tôi

Nghĩa vụ tránh thai không chỉ dành riêng cho vợ
Trước khi có thằng thứ 3, vợ mình dùng que tránh thai. Cắm 1 phát vào tay, thế là 3 năm không lo bị “dính”; nghe thì đơn giản, nhưng thương lắm. Mới đầu, mình tưởng cắm que vào thì không sao, nhưng tìm hiểu thêm về tác dụng phụ, mình mới biết nó có thể tác động vào hormone của người phụ nữ, gây ra nhiều phản ứng phụ: Cơ thể mệt mỏi, tăng cân, stress, kinh nguyệt, đau đầu... Vợ mình thuộc diện nhạy cảm, nên “dính” rất nhiều tác động phụ của que.

Mình nhìn nàng mà xót xa. Thế là lúc cái que "hết hạn", mình dụ vợ vứt béng nó đi. Thế mà thằng thứ 3 nó lại ra đời! Lần này thương đến phát khóc được, nên đành "bù đắp" cho vợ bằng những bữa ăn buffet ngập cá hồi ở Mỹ mặc dù tài khoản tiết kiệm cứ cạn dần (hồi đó hai vợ chồng đi học cao học ở Mỹ, nghèo rớt  mồng tơi). Mình động viên vợ: "Thôi, cứ ăn cho thoải mái. Sau này mình kiếm tiền bù lại sau".

Đẻ xong, mình bảo nàng: "Hay đặt vòng cho đỡ ảnh hưởng, chứ cái que anh thấy hại quá?". Nàng đồng ý. Nhưng đặt vòng được mấy hôm thì nó dở chứng, lại phải rút ra. Xót! Thế là lại cấy que. Lại thương. Lại xót, mà nàng thì chắc chắn sẽ không rút ra. 

Mình cứ nghĩ chứ, cái que trong người mình, thay đổi hormone đến 1 ngày mình có khi còn chả chịu được trong khi nó ở trong người vợ mình 3 năm mới thay 1 lần. Thế là mình nghiên cứu xem còn biện pháp nào khác không. 

Về phía mình thì dùng biện pháp truyền thống, nhưng rủi ro cao quá, còn về phía nàng thì cái gì cũng là ức chế hormone cả, bất kể là vòng hay que hay thuốc... Hai lựa chọn cuối cùng không ảnh hưởng tới sức khỏe là phẫu thuật thắt ống dẫn trứng, hoặc thắt tinh. Mình nghiên cứu thì thấy thắt tinh nó nhanh gọn nhẹ hơn nhiều, thắt ống dẫn trứng thì phức tạp và lâu hơn. Cho nên mình đi thắt thôi!

 Trong phòng mổ
Bàn với vợ từ tháng 2/2021, vợ đồng ý về mặt “nguyên tắc” là cho mình đi triệt sản. Nhưng từng đợt dịch Covid dập dờn như sóng lúa, lúc đóng, lúc mở, rất khó để quyết. Nàng bảo: “Thôi, anh cứ từ từ đi đâu mà vội. Bây giờ ra bệnh viện, có người Covid người ta phong tỏa anh luôn trong đó, mình em xoay thế nào với 3 đứa trẻ”. Nhưng chần chừ mãi thì chẳng biết đến bao giờ.

Một buổi chiều, mình bảo nàng “ra ngoài café với thằng bạn” rồi phóng xe thẳng ra Viện Đại học Y. Sau khoảng 1 tiếng chạy marathon từ tòa nọ sang tòa kia, mình có cái giấy hẹn tiểu phẫu vào 3h chiều hôm sau. Mình biết thắt ống dẫn tinh là tiểu phẫu đơn giản, nhưng cả đời chưa động dao kéo bao giờ nên cũng kinh kinh.

Mình làm thủ tục vào lúc 2.45, thấy có ông xong trước mình nói chuyện với em y tá xinh như hoa. Em ý tò mò hỏi: “Sao anh lại đi thắt tinh vậy?”. Ông kia trả lời, “Nhà 2 đứa là đủ rồi em ạ”. A ha, ông này “thức thời” hơn cả mình.

Lúc nộp giấy, mình lén nhìn năm sinh của ông kia: 1981 – hơn mình 1 tuổi.

Vào phòng mổ, mình run run hỏi: “Bác sĩ ơi, có đau không ạ?”. Bác sĩ cười: “chỉ hơi “thốn” một chút thôi”.

Mình nằm trên bàn trong một cái phòng tương đối riêng tư, cũng chẳng biết bác sĩ mổ lúc nào, nhưng lúc thắt thì thấy có hơi “thốn” một chút thật. Nhưng nó là muỗi, cảm giác không là gì so với ngày xưa chơi điện tử bị bố bắt nằm xuống “phết” vào mông. Thắt hết có nửa tiếng. Mình còn chưa kịp sợ thì đã xong rồi. Mình hỏi bác sĩ: “Sáng mai có đi đánh cầu lông được không bác sĩ?” Bác sĩ cười: “Vết mổ như vết đứt tay ấy anh, sáng mai đánh cầu lông được ạ”. 

Cảm giác ban đầu hơi tức 1 chút xíu, sau giảm dần. Sáng hôm sau mình thận trọng nên không đi đánh cầu lông. Đến tối thì “nhớ thể dục” nên vào sân, lạ kỳ thay là đánh set nào thắng set đấy, thế mới kinh chứ. Đến hôm thứ 2 thì chỉ cần chăm sóc cái “vết đứt tay” thôi, thi thoảng rảnh dán cái “bandage” vào là được. Đến 5 hôm thì lành hẳn.
Sau khi thắt tinh 2 tháng, mình quay lại viện kiểm tra thì chỉ số an toàn 100%. Mình nhanh nhảu báo với vợ: “Em đi rút que được rồi đấy”. Lần chần tới hơn 1 tháng sau đó, nàng mới đồng ý đi rút que.

Sau vụ thắt tinh, cô bạn cùng nhà tự nhiên lo lắng. Nàng bảo: nhỡ sau này anh lấy vợ 2, em thấy thiệt thòi cho cô ấy quá.

Mình cười: Ôi giời, anh dại 1 lần thôi, chứ ai dại gì đi lấy vợ 2. Nếu em có bỏ anh, thì anh sẽ kiếm người yêu thôi, khà khà.

Nàng rút xong que ra, hormone trở lại bình thường, mình thấy hạnh phúc khi cảm nhận được rất nhiều thay đổi của vợ. Tâm trạng nàng ổn định và vui tươi hơn hẳn (vì hormone ảnh hưởng tới tâm trạng, mà cái que thì ảnh hưởng tới hormone của nàng), nàng bắt đầu giảm cân (tác dụng phụ của que là tăng cân đấy - các bạn biết không?). Nàng thấy khỏe hơn, và còn nhiều thay đổi tế nhị nữa mà mình sẽ không chia sẻ ở đây.

Tất nhiên, mình mong nàng rút que ra chẳng phải để có vợ đẹp hơn mà chỉ đơn giản là vì muốn tốt hơn cho nàng. Về phía mình, không thấy thay đổi gì cả, ngoại trừ tâm lý được “cởi trói” hoàn toàn. Mình với nàng bỗng như có “trăng mật lần thứ 2” vậy. 

Trước khi quyết định thắt ống dẫn tinh, mình đã tham khảo đầy đủ thông tin. Khác với các biện pháp tác động hormone, thủ thuật thắt ống dẫn tinh (hoặc với phụ nữ là thắt ống dẫn trứng) không có tác dụng phụ nào. Giờ, sau gần 1 năm rưỡi thắt ống dẫn tinh, cơ thể mình vận hành hoàn hảo. Mình chẳng mất đi chút “nam tính” nào như “trong truyền thuyết”. Ngược lại, mình thấy nam tính hơn vì đã gánh vác được phần tránh thai giúp vợ. Mình là một “fan” của cụ Nam Cao: “Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của mình”. Nên việc gì khó, gánh được giúp vợ thì mình gánh thôi, cái tiểu phẫu nhỏ xíu, vừa lợi mình, vừa lợi vợ, dại gì không làm.

Nói thêm, thắt ống dẫn tinh cũng là một biện pháp tài chính thông minh không ngờ, bạn chỉ đầu tư hơn 1 triệu và không bao giờ phải mua bao cao su nữa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hạnh phúc ngoài dự tính

Hạnh phúc ngoài dự tính

(PNTĐ) - Có 3 người con trai, nhưng ông Sơn - bà Xuân chưa từng thấy hạnh phúc. Anh cả công tác trong ngành quân đội, anh thứ là thợ cơ khí giỏi, anh út là chủ nhà hàng, cả 3 anh đều đã lập gia đình. Trong nhà luôn êm ấm, chưa hề thấy cãi vã. Nhưng điều mà ông Sơn bà Xuân cho là hạnh phúc, ấy là một thằng cháu trai.
Con gái của mẹ đã lớn

Con gái của mẹ đã lớn

(PNTĐ) - Sinh nhật bạn thân, nó rủ tôi: “Hay là đêm nay mày ngủ lại đây luôn với tao. Một năm tao mới có một lần sinh nhật, tội gì mà về sớm. Tý nữa mấy đứa ra ngoài “quẩy” cho đã”.
Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

Chuyện khó nói trong hôn nhân: Khó vẫn cần nói

(PNTĐ) - Lâu nay, một số người thường ngại đề cập tới vấn đề chăn gối vợ chồng, cho rằng đó là chuyện tế nhị, cần được giấu kín. Tuy nhiên, tình dục lại có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hôn nhân, thậm chí nhiều cặp vợ chồng chia tay chỉ vì không hòa hợp trong tình dục.