Trang bị kỹ năng phòng tránh mua bán người

Chia sẻ

PNTĐ-Sự cả tin, dễ bị mua chuộc của người dân khiến cho họ trở thành nạn nhân của đối tượng mua bán người.

 
Trang bị kỹ năng phòng tránh mua bán người  - ảnh 1
Ảnh minh họa 

 
Tại buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật miễn phí cho người dân và cung cấp các kiến thức về nạn mua bán người cho học sinh trường Tiểu học và THCS Phúc An (Yên Bái) của các Luật sư VP Luật sư số 5 Hà Nội và chuyên gia Dự án “Đi để thay đổi” (do CLB Vì sự phát triển bền vững thực hiện dưới sự giám sát của Trung tâm nghiên cứu phát triển bền vững) mới đây, một học sinh đã kể về việc chị họ của em bị lừa bán sang Trung Quốc.
 
Theo đó, Lụa (nạn nhân bị lừa bán) là con gái đầu trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Cách đây mấy năm, có một người phụ nữ về làng, tự giới thiệu là Việt kiều về nước nghỉ dưỡng. Người phụ nữ này tìm cách làm quen với gia đình ông B (bố của Lụa), thường mua đồ ăn ngon cho gia đình ông B và mua nhiều quần áo cho Lụa. Bà ta nói, Lụa - lúc đó mới 14 tuổi - giống con gái của bà ta nên khi về Mỹ, bà muốn mang Lụa theo để nuôi dưỡng, cho ăn học tử tế, sau này giàu sang thì về giúp gia đình, làng xóm. Lúc đầu ông B lưỡng lự, nhưng nhìn thùng gạo cạn veo, mấy đứa em của Lụa khóc lóc, nước mũi quệt vào nước mắt, nên đã đồng ý. 
 
Trước khi đi, bà ta yêu cầu cần có giấy tờ của Lụa để làm thủ tục xuất ngoại và thủ tục nhập học cho Lụa sau khi sang Mỹ. Ông B đưa hết mọi giấy tờ của con gái cho bà ta. Bà ta đưa cho ông B một khoản tiền, rồi mang Lụa đi. Lúc đó, ai cũng ngưỡng mộ Lụa, tự dưng được qua Mỹ ở rồi sẽ được sống sung sướng, hạnh phúc. Thế rồi, mấy tháng trước, công an đến tìm nhà ông B nói đã giải cứu được con gái ông từ động mại dâm ở Trung Quốc.
 
Lụa được về nhà, nhưng trong một thời gian dài chị không tiếp xúc và không nói chuyện được với người khác. Lụa hay la hét lúc nửa đêm, rồi khóc lóc, cào cấu sàn nhà. Cứ thấy đàn ông là Lụa hoảng sợ, bỏ chạy, chui vào gầm gường. “Mẹ em nói là chị Lụa bị bán vào động mại dâm ở Trung Quốc, bị đánh đập hành hạ, bị ép phải quan hệ với hàng chục người đàn ông mỗi ngày. Có khi chị Lụa không đủ sức thì chúng cho chị dùng thuốc phiện rồi ép chị phải tiếp tục bán dâm. Mấy lần chị Lụa định cắn lưỡi chết nhưng bị tụi nó phát hiện và đánh đập đến gần chết…” - em học sinh kể lại.
 
LS Nguyễn Bích Lan, Trưởng Văn phòng Luật số 5 Hà Nội cho biết, buổi tuyên truyền đã cho thấy thực tế nhiều học sinh và phụ huynh ở các điểm trường thuộc tỉnh miền núi vẫn còn “non” về kiến thức và kỹ năng phòng tránh mua bán người. Có em còn hồn nhiên tin lời người lạ, hoặc tự nguyện gặp gỡ người lạ mới quen qua mạng xã hội để đi uống nước, đi chơi… Thêm vào đó, nhiều phụ huynh còn buông lỏng quản lý con cái, dễ dàng tin vào các mánh khóe lừa đảo như xin việc, gả cho chồng giàu… để cho con đi cùng với kẻ xấu mà không hay biết.
 
“Có những đối tượng có thủ đoạn tinh vi hơn như rủ trẻ em gái đi chơi xa rồi trong lúc nạn nhân sơ hở thì chuốc thuốc mê và bán cho bọn mua bán người hoặc lợi dụng sự dễ dãi, thích hưởng thụ, lười lao động của một bộ phận người dân để tiếp cận họ qua phương tiện xã hội như facebook, zalo rồi tạo niềm tin với nạn nhân bằng tình cảm và những món quà đắt tiền, sau đó bán nạn nhân cho những kẻ mua người… Do đó, việc cung cấp cho mọi thành viên trong gia đình những kiến thức, kỹ năng phòng tránh mua bán người là rất cần thiết và nên duy trì thường xuyên” - LS Lan nói.
 
Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm từ 2012- 2017, Bộ Công an đã khởi tố 1.021 vụ án, 2.035 bị can với 3.090 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán, trong đó tới 90% là phụ nữ và trẻ em. 98% nạn nhân trong các vụ mua bán người bị bán ra nước ngoài, trong đó, bán sang Trung Quốc chiếm trên 90%. Tình trạng mua bán người diễn ra không chỉ ở nông thôn, những vùng kinh tế đặc biệt khó khăn mà ngay những tỉnh thành có trình độ dân trí, mức thu nhập cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xảy ra nhiều vụ án về mua bán người. 
 
Qua buổi tuyên truyền, gần 200 học sinh tiểu học và THCS Phúc An được cung cấp kiến thức, kỹ năng để bảo vệ mình trước nạn mua bán người như cảnh giác với người lạ, an toàn khi sử dụng mạng xã hội, kỹ năng thoát hiểm trong các trường hợp nguy hiểm… được cung cấp số điện thoại nóng trong trường hợp khẩn cấp 113, 18001567. Phụ huynh cũng được trang bị kỹ năng về phòng chống mua bán người như quan tâm, gần gũi đến con, đặc biệt chú ý khi con có những biểu hiệu bất thường như nhận những món quà đắt tiền, thường xuyên tâm sự với một người bí mật, bỗng dưng kết bạn với người nước ngoài…
 
Hoàng Kim

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

Có mẹ đồng hành trong hành trình giảm cân

(PNTĐ) - Sau 5 lần giảm cân, Nguyễn Tùng Chi (21 tuổi, quê Hải Dương, hiện là sinh viên đại học năm thứ 3 tại Hà Nội) từ 95kg còn 60kg, trở về thân hình cân đối. Giảm được số cân như vậy không hề dễ dàng và phải cần rất nhiều ý chí. Tùng Chi nói cô rất may mắn vì luôn có mẹ ở bên, động viên mình.
Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

Mẹ chồng - nàng dâu cùng “giữ lửa” yêu thương

(PNTĐ) - Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần bị mai một, sợi dây kết nối giữa các thế hệ trong một gia đình cũng lỏng lẻo hơn. Nhưng vẫn có những mái ấm nhiều thế hệ vẫn giữ được sự gắn kết bền chặt như ở gia đình ba thế hệ của chị Hà Việt Anh. Đặc biệt, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình chị đã trở thành nền móng vững chắc cho một tổ ấm hạnh phúc.
Ứng xử thế nào khi con thi trượt

Ứng xử thế nào khi con thi trượt

(PNTĐ) - Vừa qua, khi nhận được kết quả thi vào lớp 10, trường THPT công lập năm 2025, nữ sinh V.T.D ở Thanh Hóa đã bỏ nhà đi lang thang rồi mất liên lạc. Trong lúc buồn chán, thất vọng với chính bản thân mình, D đã chọn cách gieo mình xuống làn nước sâu…
Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

Khi trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình

(PNTĐ) - Gần 70% trẻ em từ 10 đến 14 tuổi từng phải hứng chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong chính gia đình của mình. Đáng lo ngại hơn, 7 trong 10 trẻ bị trừng phạt bằng các hành vi bạo lực, để lại những tổn thương dai dẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.