Vợ chồng lục đục vì... Tết
(PNTĐ) - Thay vì háo hức sắp được bước vào kỳ nghỉ dài đón năm mới thì thời điểm cận Tết, nhiều cặp vợ chồng lại rơi vào tình cảnh cãi vã thường xuyên, thậm chí có nguy cơ “mất Tết”...

Hầu như năm nào vợ chồng anh Thành (Hà Nội) cũng xảy ra chiến tranh lạnh vào dịp Tết. Một ngày... không đẹp trời, anh đi làm về và thấy mặt vợ bí xị. Đêm đến, vợ còn mang cả sự giận dỗi lên giường ngủ. Khi anh hỏi thì cô ấy đáp chỏng lỏn: “Tết nhất cái gì, mệt hết cả người”.
Anh Thành chia sẻ: “Không chỉ vợ anh mệt mà những ngày giáp Tết anh đi làm ở cơ quan cũng căng thẳng. Công việc nhiều, đều phải hoàn thành tiến độ trước Tết. Vậy mà về tới nhà, vợ không những không chia sẻ còn giận dỗi”.
Song, vợ anh Thành cũng có lý lẽ của riêng mình. Chị tâm sự: “Lâu nay, tiếng là chị ở nhà làm nội trợ thật nhưng bận không kém người đi làm. Nhất là dịp Tết đến, danh sách việc không tên càng kéo dài. Rồi chồng chị lúc nào cũng đòi hỏi Tết phải tươm tất. Trong Tết, hỏi đến thứ này thứ nọ mà chị không sắm sửa là anh trách chị không chu đáo”.
Có một thực tế mà các chuyên gia đã ghi nhận, dịp Tết đến, tỷ lệ xung đột, va chạm giữa các cặp vợ chồng có xu hướng gia tăng. Chị Bình ở Hà Đông, Hà Nội kể: “Đầu tháng Chạp, chồng chị đòi lát lại sàn nhà đón Tết. Cuối năm khó tìm thợ, công cũng cao hơn, chị đã bàn với anh để sang năm sau rồi sửa nhà cho khỏi vội nhưng anh không chịu. Vậy là kê dọn lại đồ đạc để lát sàn, mọi thứ chưa xong thì anh lại tính, một công làm thì... sửa luôn lại cái bếp, rồi thay đường ống nước trong nhà. Tiền chị chuẩn bị lúc đầu chỉ khoảng 30 triệu, nay dự trù cho công trình lên gần 150 triệu. Chị trách chồng vì tự nhiên gánh thêm một khoản nợ sang năm mới. Anh thì cho rằng, nhà trước sau cũng phải sửa, chỉ là chị quen thói ăn ở tạm bợ, úi xùi”.
Theo chuyên gia, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên, một trong những lý do hàng đầu khiến xung đột diễn ra nhiều hơn trong gia đình dịp Tết là “tính sĩ diện”. Sự thật mất lòng, nhưng nhiều người “ăn Tết cho người ta xem”: Trang trí lộng lẫy, sắm sửa hoành tráng, tiệc cỗ linh đình... để “nở mày nở mặt”.
Thứ hai, chính việc chi tiêu không cân nhắc, không biết quản lý tiền bạc... khiến các gia đình dễ rơi vào tình trạng “thiếu trước, hụt sau”. Dự kiến một đằng, chi tiêu một nẻo, đặc biệt con số tiêu dùng thực tế thường đội lên quá cao so với dự trù ban đầu. Khi xảy ra vấn đề, ai cũng nghĩ mình không phải là người chịu trách nhiệm chính, thái độ chỉ trích, đổ lỗi dẫn đến cãi cọ, mâu thuẫn khiến Tết mất vui.
Thứ ba, xung đột đến từ lối giao tiếp “người nhà”. Vì là người thân nên không quan tâm hay chú ý nói năng lựa lời, dẫn đến tổn thương nhau, rồi giận dỗi chỉ vì những lỗi rất sơ đẳng: Than mệt, than chán, than nghèo, nhờ phụ việc, sai việc... Khi vợ/chồng trong trạng thái tinh thần căng thẳng từ cơ quan về đến nhà, chỉ cần dồn thêm một chút áp lực đã có thể khiến tâm lý đối phương “tức nước vỡ bờ”.
Cuối cùng, đón Tết không có kế hoạch là nguyên nhân thường thấy đưa đến những lục đục gia đình. Đặc biệt, trong thời buổi suy thoái kinh tế, càng không có mục tiêu và kế hoạch chi tiêu, chúng ta càng dễ chi quá tay hay tiêu dùng lệch. Chẳng hạn, cứ thấy thích cái gì là rút tiền ra sắm mà không biết danh sách những món mình cần mua là gì, món hàng đó có thực sự quan trọng, phải có mùa Tết hay không, trong nhà đã có món đồ đó hay chưa? Từ đây, việc chi tiền mua một loại/nhóm hàng cao hơn nhóm khác, đến lúc đụng chuyện, cần mua bổ sung thì hụt tiền như mua bánh, kẹo quá nhiều, xài 3 tháng mới hết nhưng muối mắm, áo quần thì quên sắm hoặc sắm ít, tới gần Tết trở tay không kịp, tiền cũng eo hẹp.
Vì vậy, để giữ hòa khí trong gia đình, các cặp vợ chồng nói riêng, cả gia đình nói chung cần đồng sức, đồng lòng nhận nhiệm vụ, chịu trách nhiệm chung trong việc chuẩn bị Tết cho cả gia đình. Khi tinh thần này được phát huy, vợ chồng, con cái mỗi người một việc, phụ trợ cho người khác khi việc mình xong, nói năng tinh tế, khéo léo, biết “một câu nhịn, chín câu lành” để tạo ra bầu không khí tâm lý tuy có nhiều áp lực nhưng tương trợ nhau trong sự vui vẻ, đoàn kết. Đi đôi với sự “hợp tác” này, các gia đình phải lên “thời gian biểu” để kiểm soát tiến độ hoàn thành “núi việc” ngày Tết, tròn vai ở cơ quan, vẫn trọn vẹn trong gia đình. Thay vì than vãn hãy chia sẻ, tâm sự với người thân, thay vì trách móc hãy đồng cảm và đề nghị được hỗ trợ trong công việc. Đừng ăn Tết chỉ vì “sĩ diện”, cần “liệu cơm gắp mắm”, Tết là để đoàn viên, để hàn huyên gặp gỡ, để tái tạo tinh thần và sức lực sau một năm làm việc cật lực, không phải để gồng lên chứng minh cho ai cả, hay để làm “đẹp mặt” người nào hết. Tết là phải vui vẻ, thoải mái.
Khi giữ tâm thế và định hướng này trong mỗi dịp lễ Tết, chúng ta sẽ thấy Tết trở nên ấm áp và đáng vui vẻ hơn.