Vượt qua “hội chứng” chồng về hưu

Chia sẻ

Trước đây, chồng tôi công tác xa nhà nên mấy chục năm nay, hai vợ chồng sống cảnh chồng Nam vợ Bắc. Năm ngoái, chồng tôi nhận quyết định về hưu, vợ chồng mới có thời gian sống gần gũi nhau hàng ngày. Thế nhưng, không hiểu sao, cuộc sống của tôi lại trở nên bức bối kể từ khi chồng về hưu.

Vượt qua “hội chứng” chồng về hưu - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Ông ấy trở nên khó tính chứ không nhẹ nhàng tình cảm như hồi còn sống xa nhau. Vợ chồng tôi cãi vã nhiều vì không cùng quan điểm trong sinh hoạt hàng ngày.

Làm vợ, tôi cố gắng nhẫn nhịn để chiều chồng, tránh xích mích nhiều ảnh hưởng đến con cháu trong nhà. Nhưng không hiểu sao, ông ấy vẫn không hiểu điều đó mà càng lấn át vợ hơn. Tôi không biết làm thế nào để vợ chồng sống già yên ổn, hạnh phúc bên nhau. Mong nhận được lời khuyên từ Tâm Giao!                                                                 

Nguyễn Thị Tú (Ba Đình, Hà Nội)

Đa số những người hết thời gian công tác về nghỉ chế độ thời gian đầu phải đều đối diện với “hội chứng về hưu”. Có người nhanh chóng vượt qua, nhưng cũng có người chật vật với hội chứng này, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân trong gia đình không ít. Trường hợp của chồng bạn là một ví dụ điển hình của “hội chứng về hưu”.

Đây là vấn đề thuộc về tâm lý của người đang quen với nhịp sống công việc bận rộn hàng ngày, nay phải thích nghi với nhịp sống nghỉ ngơi toàn thời gian. Thời gian trống quá nhiều trong ngày sẽ làm cho người nghỉ hưu có tâm lý nhớ công việc, các mối quan hệ nơi công sở, tạo nên sự bức bối, dễ nóng giận với bản thân và những người xung quanh. Thêm vào đó, người về hưu còn phải đối diện với nỗi lo lắng về tài chính khi thu nhập bị giảm sút. Thời gian nhàn rỗi cũng khiến họ có tâm lý là người thừa trong gia đình khi các thành viên khác luôn bận rộn. Những tâm lý này nếu không được tháo gỡ, họ sẽ bùng nổ về mặt cảm xúc và tạo nên những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống hàng ngày với người thân.

Do đó, bạn hãy thấu hiểu tâm lý của chồng và tìm cách để cùng bạn đời nhanh chóng vượt qua “hội chứng về hưu”. Việc hai vợ chồng sống xa nhau một thời gian dài do điều kiện công tác cũng khiến cả hai “xa lạ” với những thói quen, tính cách ngày thường của nhau. Nay, hai người mới có dịp sống gần bên nhau tất yếu sẽ lộ diện những hạn chế mà khi sống xa nhau không nhận ra. Do đó, cả bạn và chồng đều phải “tập” thích nghi với những hạn chế đó của nhau. Bạn có thể rủ chồng tham gia các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ để vừa nâng cao sức khỏe, vừa giảm thiểu thời gian trống, giúp cuộc sống phong phú. Bên cạnh đó, việc thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình cũng khiến người về hưu có tâm lý thoải mái, cảm nhận được vai trò của mình vẫn còn quan trọng, có “uy”, chứ không “vô dụng” như suy nghĩ.

Việc nhẫn nhịn chồng để êm ấm cửa nhà là cần thiết, nhưng đôi khi sự cam chịu của người vợ trước sự độc đoán, sai trái của chồng cũng khiến cho tình hình càng tồi tệ. Vì thế nếu chồng có hành vi độc đoán, gia trưởng làm ảnh hưởng đến vợ con nhiều, bạn cũng nên lên tiếng, thậm chí “đấu tranh” để chồng nhận ra cái sai của mình mà điều chỉnh lại cách sống. Có như vậy, cả hai vợ chồng mới sống già yên ổn, hạnh phúc bên nhau.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã ra mắt nhiều mô hình cụ thể như “Thôn, tổ dân phố an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, “Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, “Làng quê an toàn”… Các mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người, xâm hại tình dục, bạo lực học đường; tạo điều kiện cho phụ nữ, trẻ em phát huy nội lực, vai trò chủ động phòng ngừa ứng phó với bạo lực…
Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

Những kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em mà cha mẹ cần dạy cho con

(PNTĐ) - Dạy trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Rất nhiều vụ việc cáo buộc xâm hại trẻ em đã xảy ra có lẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều bố mẹ và toàn thể xã hội về vấn nạn này.
Chị chồng ở nhà bên

Chị chồng ở nhà bên

(PNTĐ) - Căn hộ nhà chị Huyền ngay sát vách, mẹ chồng bảo: "Vợ chồng trẻ ở gần chị gái, tiện nhờ cậy nhau". Lúc đó, Linh thấy hợp lý, nhưng sống gần nhau rồi cô mới thấy nhiều điều phức tạp.
Nhà có hai con gái

Nhà có hai con gái

(PNTĐ) - Ngày đó, khi sinh ra chị Bơ là con gái, mẹ đã thầm nghĩ: “Không sao, vẫn còn... 1 suất sinh nữa”. Nhưng đến khi có thêm em Bắp cũng là... con gái, thì mẹ từng cảm thấy hụt hẫng trong lòng.