Vượt qua “hội chứng” chồng về hưu

Chia sẻ

Trước đây, chồng tôi công tác xa nhà nên mấy chục năm nay, hai vợ chồng sống cảnh chồng Nam vợ Bắc. Năm ngoái, chồng tôi nhận quyết định về hưu, vợ chồng mới có thời gian sống gần gũi nhau hàng ngày. Thế nhưng, không hiểu sao, cuộc sống của tôi lại trở nên bức bối kể từ khi chồng về hưu.

Vượt qua “hội chứng” chồng về hưu - ảnh 1 (Ảnh: Minh họa)

Ông ấy trở nên khó tính chứ không nhẹ nhàng tình cảm như hồi còn sống xa nhau. Vợ chồng tôi cãi vã nhiều vì không cùng quan điểm trong sinh hoạt hàng ngày.

Làm vợ, tôi cố gắng nhẫn nhịn để chiều chồng, tránh xích mích nhiều ảnh hưởng đến con cháu trong nhà. Nhưng không hiểu sao, ông ấy vẫn không hiểu điều đó mà càng lấn át vợ hơn. Tôi không biết làm thế nào để vợ chồng sống già yên ổn, hạnh phúc bên nhau. Mong nhận được lời khuyên từ Tâm Giao!                                                                 

Nguyễn Thị Tú (Ba Đình, Hà Nội)

Đa số những người hết thời gian công tác về nghỉ chế độ thời gian đầu phải đều đối diện với “hội chứng về hưu”. Có người nhanh chóng vượt qua, nhưng cũng có người chật vật với hội chứng này, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người thân trong gia đình không ít. Trường hợp của chồng bạn là một ví dụ điển hình của “hội chứng về hưu”.

Đây là vấn đề thuộc về tâm lý của người đang quen với nhịp sống công việc bận rộn hàng ngày, nay phải thích nghi với nhịp sống nghỉ ngơi toàn thời gian. Thời gian trống quá nhiều trong ngày sẽ làm cho người nghỉ hưu có tâm lý nhớ công việc, các mối quan hệ nơi công sở, tạo nên sự bức bối, dễ nóng giận với bản thân và những người xung quanh. Thêm vào đó, người về hưu còn phải đối diện với nỗi lo lắng về tài chính khi thu nhập bị giảm sút. Thời gian nhàn rỗi cũng khiến họ có tâm lý là người thừa trong gia đình khi các thành viên khác luôn bận rộn. Những tâm lý này nếu không được tháo gỡ, họ sẽ bùng nổ về mặt cảm xúc và tạo nên những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống hàng ngày với người thân.

Do đó, bạn hãy thấu hiểu tâm lý của chồng và tìm cách để cùng bạn đời nhanh chóng vượt qua “hội chứng về hưu”. Việc hai vợ chồng sống xa nhau một thời gian dài do điều kiện công tác cũng khiến cả hai “xa lạ” với những thói quen, tính cách ngày thường của nhau. Nay, hai người mới có dịp sống gần bên nhau tất yếu sẽ lộ diện những hạn chế mà khi sống xa nhau không nhận ra. Do đó, cả bạn và chồng đều phải “tập” thích nghi với những hạn chế đó của nhau. Bạn có thể rủ chồng tham gia các hoạt động thể thao, các câu lạc bộ để vừa nâng cao sức khỏe, vừa giảm thiểu thời gian trống, giúp cuộc sống phong phú. Bên cạnh đó, việc thắt chặt các mối quan hệ trong gia đình cũng khiến người về hưu có tâm lý thoải mái, cảm nhận được vai trò của mình vẫn còn quan trọng, có “uy”, chứ không “vô dụng” như suy nghĩ.

Việc nhẫn nhịn chồng để êm ấm cửa nhà là cần thiết, nhưng đôi khi sự cam chịu của người vợ trước sự độc đoán, sai trái của chồng cũng khiến cho tình hình càng tồi tệ. Vì thế nếu chồng có hành vi độc đoán, gia trưởng làm ảnh hưởng đến vợ con nhiều, bạn cũng nên lên tiếng, thậm chí “đấu tranh” để chồng nhận ra cái sai của mình mà điều chỉnh lại cách sống. Có như vậy, cả hai vợ chồng mới sống già yên ổn, hạnh phúc bên nhau.

TÂM GIAO

Tin cùng chuyên mục

Tin vào tình yêu của chồng

Tin vào tình yêu của chồng

(PNTĐ) - Sau khi đi trăng mật trở về, ngày đầu tiên trở lại đi làm cũng là ngày anh... cất biến chiếc nhẫn cưới ở nhà. Trên facebook cá nhân của anh, chưa một lần chị được xuất hiện.
Ông bố “thích” nằm viện

Ông bố “thích” nằm viện

(PNTĐ) - Từ ngày mẹ chị mất, bố chị dù chẳng đau ốm nặng cũng “bịa” ra bệnh để vào bệnh viện điều trị dăm bữa, nửa tháng khiến cuộc sống con cháu đảo lộn theo. Cả nhà chị có cảm giác, ông “thích” đi viện làm bệnh nhân hơn là sống ở nhà làm người khỏe mạnh.
Nàng dâu đoảng “biến hình”

Nàng dâu đoảng “biến hình”

(PNTĐ) - Nhờ sự kiên nhẫn và tình yêu thương của mẹ chồng, Mai đã trở thành một người phụ nữ của gia đình, vừa có thể chăm sóc nhà cửa chu toàn, vừa giữ được niềm đam mê với công việc.
Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.