“Xây chắc nếp nhà” từ những bữa cơm gia đình
(PNTĐ) -Gia đình luôn là điều thiêng liêng mà tôi trân quý và hướng về sau một ngày dài mệt mỏi. Bên mâm cơm giản dị, tất cả các thành viên trong gia đình tôi cùng quây quần, lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện thường ngày. Đó là điều mà người con xa nhà như tôi luôn luôn mong nhớ.

Tôi năm nay đã 24 tuổi, xa nhà để học tập và làm việc đã được 6 năm. Trong 6 năm trời xa quê, tôi được thưởng thức nhiều món ngon của lạ nhưng lại chẳng thể nào sánh được với mâm cơm giản dị mà bố mẹ thường nấu. Với tôi, mâm cơm gia đình không quan trọng ở sự thịnh soạn với các món ăn hay sự sang trọng mà quan trọng nhất là ở tấm lòng của người nấu! Chắc chắn rằng mẹ đã đặt rất nhiều tình yêu thương vào đó để nấu lên những món ăn tuyệt vời, cho chồng cho con. Và đôi khi mẹ bận, bố cũng sẽ là người xắn tay áo vào bếp trổ tài. Cơm bố mẹ nấu đâu có cầu kỳ sang trọng. Chỉ là bát canh rau ngót thịt băm, đĩa đậu rán giòn cùng niêu cá kho tương cũng đủ tạo thành hương vị thơm thảo mà dù sau này có đi đến phương trời nào tôi cũng không thể quên được. Chị em tôi cứ thế lớn lên trong sự đầm ấm, được thưởng thức những món ăn ngon đến từ trái tim của cả bố và mẹ.
Vào những ngày hè oi bức, cầm đũa gắp cọng rau muống xào xanh mượt cùng miếng cà pháo giòn tan tôi lại bồi hồi nhớ về mùa hè năm 8 tuổi. Hồi ấy tôi là đầu bếp chính trong nhà. Bố mẹ đã cố gắng rất nhiều để cất lên ngôi nhà mới, khang trang và đẹp đẽ hơn. Nhưng không may, mẹ bị bệnh ở chân rất nặng chỉ có thể nằm một chỗ dù gia đình đã chạy chữa nhiều nơi. Bố vừa đi làm đêm hôm vất vả, vừa phải trông coi công trình. Em trai còn quá nhỏ, chỉ biết ngoan ngoãn để an ủi bố mẹ yên tâm. Tôi thương gia đình mình. Tôi học nấu cơm bằng nồi gang, học luộc rau, học rán đậu. Tất cả những món đơn giản tôi đều cố gắng học hết để có thể phụ giúp bố vơi bớt phần công việc. Giữa tiết trời nóng nảy lửa, bên ngôi nhà ở tạm luôn có một bóng hình nhỏ nhắn cặm cụi thổi nên những bữa cơm mộc mạc cho gia đình. Tôi không chắc là nó ngon, chỉ biết rằng cả nhà rất hạnh phúc khi được thưởng thức cùng nhau. Sau này mẹ khỏi bệnh, nhà cũng đã hoàn thiện thì cũng là lúc bố và mẹ nhận việc bếp núc thay tôi để tạo điều kiện cho tôi tập trung vào việc học.
Mâm cơm nhà tôi lúc nào cũng đầy đủ 4 bốn thành viên: Bố, mẹ, tôi và em trai. Còn nhớ, ngày tôi và em trai còn đi học, bố mẹ luôn đợi chúng tôi trở về để cả nhà được ăn cơm cùng nhau. Bố thường dạy rằng đã ăn là phải đủ người, không nên người ăn trước, người ăn sau. Hồi ấy còn chưa hiểu chuyện tôi cho rằng cũng không quan trọng đến vậy đâu, nếu mình đói thì mình cứ việc ăn trước. Nhưng mãi cho đến sau này, khi đi xa nhà tôi mới thấm thía câu nói của bố. Bởi bên mâm cơm, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí gia đình.
Năm 18 tuổi, tôi rời vòng tay bố mẹ lên thành phố học đại học. Còn nhớ như in khoảnh khắc mẹ chuẩn bị đồ ăn cho tôi nấu cơm ngoài Hà Nội. Ánh mắt mẹ lúc đó sáng lên niềm hạnh phúc nhưng cũng phảng phất chút lo lắng, xót xa. Ngoài những vật dụng cần thiết, hai mẹ con mang theo một quả bí xanh, một chục trứng gà cùng chút gạo mẹ lấy từ thùng gạo trong nhà. Những thức quà quê giản dị mà chan chứa thật nhiều tình cảm. Sắp xếp cho tôi xong xuôi, mẹ cũng chuẩn bị để về quê. Trước khi về, mẹ cũng không quên dặn dò đứa con gái nấu món này món kia để sao cho vừa miệng. Suy nghĩ ban đầu của một cô bé sinh viên năm thứ nhất chỉ là niềm hân hoan vì biết bao điều mới mẻ đang đón chờ. Mình có thể ăn nhiều món ăn mới nhưng hóa ra không phải vậy. Tôi nấu bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội, cũng đơn giản là bí luộc và trứng rán như mẹ thường làm nhưng mùi vị sao mà không giống chút nào. Nhìn sang bên cạnh trống trơn, không có bố, không có mẹ và cũng không có em. Chỉ có mình tôi trong căn trọ nhỏ, bó hẹp trong 4 bức tường. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi nhớ những bữa cơm nhà mà tôi từng có suy nghĩ muốn thoát ra sau khi lên đại học. Bố mẹ gọi điện hỏi han ăn cơm ra sao, có ăn đầy đủ không làm tôi lại tủi thân càng nhiều. Và cứ thế trong khoảng thời gian đầu xa nhà, tôi đều mong ngóng đến cuối tuần để về nhà mình, ăn những bữa cơm rau giản dị.
Giờ đây tôi đã đi làm, cuộc sống và công việc áp lực khiến tôi luôn phải gồng mình chịu đựng. Tôi nhớ về gia đình để vượt qua chúng, tự dặn dò bản thân kiên cường và phải cố gắng nhiều hơn nữa. Có thời gian là tôi lại sắp xếp về thăm nhà, thủ thỉ với mẹ rằng tôi thèm món này, món kia. Và tất nhiên mẹ sẽ xắn tay áo nấu cho con gái ngay. Có lẽ không chỉ riêng tôi mà bố, mẹ, hay em trai đều mong ngóng, chờ đợi bữa cơm gia đình, và cũng luôn chờ đợi tôi trở về với bữa cơm đoàn viên này. Đôi khi chúng ta không cần điều quá cao sang, lạ thường mà chỉ đơn giản là khoảnh khắc sum vầy bên gia đình, người thân.
Bữa cơm bên gia đình đã làm cho tôi như quên đi biết bao mệt nhọc, bao ưu phiền giữa bộn bề công việc như vậy đấy. Ăn miếng rau, miếng thịt bố mẹ gắp chính là lúc con người tôi được trở về với chính mình, tìm được điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời. Khi ấy tôi vẫn chỉ là đứa con bé nhỏ cần được chăm sóc vỗ về trong vòng tay của bố mẹ. Và nơi ấy, bữa cơm quê giản dị sẽ luôn là phần kí ức đẹp đẽ nhất trong cuộc đời gia đình chúng tôi. Và dù sau này có đi khắp bốn phương trời, tôi chắc chắn sẽ luôn nhớ về quê hương, về gia đình và những người mà mình thân yêu nhất.
Mai này đây, tôi cũng sẽ có một gia đình nhỏ cho riêng mình, có người chồng cùng sẻ chia, có những đứa con cần chăm sóc. Và chắc chắn hành trang tôi mang theo để xây dựng tổ ấm nhỏ của mình sẽ là hình ảnh về mâm cơm nóng hổi, nơi có đầy đủ các thành viên. Bởi đó chính là không gian sinh thành nên suối nguồn yêu thương và kết nối tình cảm gia đình.
Chúng tôi đã “xây chắc nếp nhà”, từ những bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương như thế!