4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện 4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố. Đây là lý do khiến đường truyền internet tại Việt Nam bị chậm, người dân truy cập internet khó khăn.

Nhiều người dùng mạng ở Việt Nam than phiền về việc kết nối internet chậm, lỗi, không tải được hình ảnh, video, trang web, mạng xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do có tới 4/5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang gặp sự cố. Cụ thể, hiện đường truyền kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế qua 5 tuyến cáp quang biển quốc tế gồm APG, AAG, AAE-1, SMW3 và IA (tuyến Liên Á) thì có 4 tuyến đang gặp sự cố, chưa xử lý xong, khiến kết nối internet quốc tế bị chậm lại.

Mới nhất, tuyến cáp quang biển biển IA (tuyến Liên Á) gặp sự cố từ này 28/1/2023. Nguyên nhân được xác định do đứt cáp tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore của tuyến cáp khoảng 130 km. Sự cố làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore của tuyến Liên Á. Điều này cũng được xác nhận bởi một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam: "thời điểm hiện tại, có tới 4/5 tuyến cáp biển các nhà mạng Việt Nam khai thác bị lỗi".

Trong khi đó, đối với tuyến cáp quang biển APG, ngày 26/12/2022, tuyến cáp quang biển quốc tế này lại gặp sự cố. Lần này, sự cố xảy ra trên phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc). Trước đó, ngày 21/1, tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã gặp sự cố lần đầu tiên trong năm 2023. Nguyên nhân là do đứt cáp trên nhánh S9 cách trạm cập bờ SEA khoảng 151 km. Sự cố lần này gây mất toàn bộ dung lượng cáp APG hướng kết nối đi Singapore và Nhật Bản.

4/5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam gặp sự cố - ảnh 1
4/5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố. 

Tuyến cáp APG có chiều dài 10.400 km, được đặt ngầm dưới Thái Bình Dương, có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT, CMC. Tuyến cáp này được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Trong khi đó, với AAE-1, tuyến cáp biển này gặp sự cố vào cuối tháng 11/2022 trên các nhánh S1H.1 hướng Hong Kong (Trung Quốc) và S1H.3 hướng đi Singapore. Trong khi lỗi trên nhánh hướng kết nối đi Singapore đã được sửa xong vào ngày 14/1/2023, sự cố trên nhánh cáp kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) hiện vẫn chưa được khắc phục.

Về tuyến cáp AAG, đã gặp các sự cố vào tháng 2/2022 và tháng 6/2022 trên các cáp nhánh hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. AAE-1 gặp lỗi dò nguồn vào cuối tháng 11/2022 trên phân đoạn S1H của tuyến cáp. Với hướng cáp Singapore, AAG gặp sự cố trên các nhánh S1B, S1D và lỗi nguồn tại trạm cập bờ TungKu (Brunei); ở hướng kết nối Hong Kong (Trung Quốc), AAG bị lỗi trên nhánh S1H và S1I. Thông tin từ các nhà mạng, trong những lỗi này, chỉ có sự cố trên nhánh S1H đã hoàn thành việc sửa chữa.

Ngay sau khi phát hiện các sự cố cáp biển, các ISP tại Việt Nam đều đã khẩn trương triển khai phương án dự phòng, chuyển lưu lượng kết nối quốc tế sang các tuyến cáp biển SMW3 cũng như các tuyến cáp đất liền khác. Tuy nhiên, việc 4 tuyến cáp biển cùng lúc gặp sự cố đang khiến đường truyền internet quốc tế chậm, gây ảnh hưởng lớn đến người dùng Việt Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đánh giá, việc cùng lúc có tới 4 tuyến cáp biển gặp sự cố là tình huống mà các nhà mạng ít khi tính tới. “Như vậy phần lớn dung lượng cáp biển đã không còn sử dụng được. Chúng tôi cho rằng đây là một bài học tốt cho các nhà mạng Việt Nam, tức là mọi kịch bản xấu nhất đều cần được tính tới và phải có phương án chuẩn bị ứng phó”- ông Vũ Thế Bình thẳng thắn.

Cũng theo ông Bình, với tình hình trên, để giảm thiểu ảnh hưởng và bù đắp phần nào dung lượng, các nhà mạng tại Việt Nam cơ bản chỉ có phương án bù đắp qua các kênh cáp đất liền. Đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay, kịch bản gần như tất cả các kênh cáp biển đều có sự cố là việc rất hy hữu. “Chúng tôi cho rằng tình trạng chập chờn và giảm chất lượng truy cập Internet quốc tế cục bộ sẽ còn kéo dài trong vài tuần tới”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Hiện, cơ quan chức năng vẫn chưa nêu thời điểm cụ thể khi nào 4/5 tuyến cáp biển sẽ được khắc phục xong sự cố.

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.