Bán thịt và phụ phẩm tươi sống trong 8 tiếng: Quy định chỉ để… cho vui!

Chia sẻ

PNTĐ-Khi hoạt động giết mổ gia súc, tập quán kinh doanh còn nhiều bất cập thì những quy định về hoạt động kinh doanh thịt và phụ phẩm lại trở nên “lạc lõng” và khó có khả năng thực thi…

 
Chưa phù hợp thực tế
 
Đọc Thông tư 33, hẳn là nhiều người tiêu dùng phải rất vui mừng bởi vào ngày 3/9 tới khi Thông tư có hiệu lực, họ sẽ được mua và sử dụng thịt sạch bởi những quy định đưa ra rất khắt khe. Đó là, thịt và phụ phẩm tươi sống (dạ dày, ruột non, ruột già…) phải bán hết trong 8 tiếng sau khi giết nổ, nếu bảo quản ở nhiệt độ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong 72 tiếng... Hộ kinh doanh cũng phải đảm bảo: mặt bàn và móc treo bày bán thịt và phụ phẩm làm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không gỉ, dễ làm vệ sinh; người bán thịt không được mắc các bệnh ngoài da theo quy định, không được ăn uống trong lúc pha lọc thịt; bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được sản xuất từ vật liệu an toàn, không bị nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ...
 
Bán thịt và phụ phẩm tươi sống trong 8 tiếng: Quy định chỉ để… cho vui! - ảnh 1
Thịt lợn bày bán trên phản, không bao bì là hình ảnh quen thuộc
tại các chợ dân sinh hiện nay
 
Tuy nhiên, Thông tư được công bố, không ít người đã nghi ngờ về khả năng thực thi bởi tất cả những quy định trên đúng là rất cần thiết để người tiêu dùng được thụ hưởng các loại thực phẩm an toàn và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, với tập quán kinh doanh và thực trạng tại chợ hiện nay, áp những quy định trên quả đúng là quá cứng nhắc và chẳng khác nào là sự thách đố.
 
Nguồn cung chính cung cấp thịt và phụ phẩm cho người dân HN hiện từ các lò mổ thủ công và bán thủ công, nằm tại ngoại thành HN. Hoạt động giết mổ được bắt đầu từ 12 giờ đêm kéo dài đến 5 giờ sáng, lợn xuất lò liên tục, đổ bộ về các chợ lớn nhỏ trong nội thành từ 4 - 5 giờ để tiểu thương sơ chế và đến tay người tiêu dùng.
 
Với thời gian như vậy, nếu theo đúng quy định của Thông tư, trong khoảng thời gian từ 10 -11 giờ, thịt và các phụ phẩm phải bán hết, nếu không hoặc phải tiêu hủy hoặc phải bảo quản lạnh. Tuy nhiên, điều khiến nhiều tiểu thương băn khoăn là cơ quan nào sẽ đứng ra chứng nhận thời điểm giết mổ để làm căn cứ, làm thế nào để phân biệt con nào giết mổ lúc 1 giờ, con nào giết mổ lúc 5 giờ sáng để cho phép kinh doanh trong thời gian theo quy định.
 
Hơn nữa, việc yêu cầu đóng gói và đầu tư tủ bảo quản thịt sau nhiều năm mới chỉ thực hiện tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, khả năng thực hiện tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ tạm gần như là… tắc. Chợ HN chủ yếu là chợ cấp 2, cấp 3, nền đất ẩm thấp, diện tích chật chội, chưa chợ nào đầu tư kho lạnh, tủ cấp đông trong khi để từng hộ kinh doanh trang bị thì không phải ai cũng sẵn sàng… Nơi thực hiện quy định, nơi không, rõ ràng sẽ có sự bất bình đẳng nhưng vấn đề đặt ra là người không chấp hành những quy định trên liệu có bị xử phạt không? Ai sẽ kiểm tra và chế tài xử phạt thế nào? Những băn khoăn trước giờ G triển khai các quy định hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm lại chưa thấy đề cập trong Thông tư 33.

Cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ
 
Thực tế thì những quy định trong Thông tư 33 đã được triển khai trên thực tế nhưng chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, tập trung ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích. Tại những nơi này, gia súc được giết mổ trên dây chuyền hiện đại, đảm bảo vệ sinh, được cắt miếng bao gói sạch sẽ và bày bán trong tủ kín.
 
Tuy nhiên, lượng thịt như vậy mới chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu của người dân. Hơn 90% lượng thịt còn lại vẫn được cung cấp từ giết mổ thủ công và bán thủ công, điều kiện giết mổ và vận chuyển không đảm bảo vệ sinh…
 
Vì vậy, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu chưa cải thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng tại các lò mổ thủ công… thì những quy định được đưa ra tại Thông tư 33 chỉ để… cho vui. Bởi, cái gốc để đảm bảo thịt và phụ phẩm không bị nhiễm khuẩn vẫn chưa được giải quyết.
 
Ngay cả vấn đề vận chuyển cũng vậy, đã từng có thời HN cấp phát miễn phí các thùng vận chuyển gia súc nhưng sau đó, thùng biến mất, những tảng thịt không che đậy, vắt ngang qua xe máy đi khắp đường phố mặc cho bụi bẩn, đất cát bám theo. Với thực trạng này, không cần hết 8 tiếng như Thông tư 33 đã đưa ra mà chỉ sau 4 tiếng, nhất là trong điều kiện nắng nóng, thịt và phụ phẩm đã có thể biến chất, gây nguy hại cho người sử dụng.
 
 Chỉ còn 20 ngày Thông tư 33 có hiệu lực nhưng với những bất cập trên, cơ quan chức năng cần tiếp tục phải khảo sát kỹ tình hình thực tế, có sự điều chỉnh, bổ sung những hướng dẫn cụ thể hoặc có thể phân loại, đưa ra lộ trình thực hiện thích hợp để các hộ kinh doanh có thời gian chuẩn bị, hiểu cái lợi của quy định và tự nguyện thực hiện và quan trọng là quy định mà Thông tư đưa ra sẽ không bị “chết yểu”.
 
Hạnh Lê

Tin cùng chuyên mục

Cô gái bại não truyền cảm hứng sống tích cực

Cô gái bại não truyền cảm hứng sống tích cực

(PNTĐ) - Vượt qua mặc cảm và nghịch cảnh, Thân Thị Biên – cô gái trẻ mắc bại não bẩm sinh đã khiến hàng ngàn người xúc động và ngưỡng mộ bởi tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường cùng hành trình truyền cảm hứng tích cực trên mạng xã hội.
Dấu ấn từ sự chuyển động tích cực

Dấu ấn từ sự chuyển động tích cực

(PNTĐ) - Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp không chỉ là yêu cầu khách quan của thực tiễn, mà còn là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước.