Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực

THU MÂY
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trên mạng xã hội, cư dân mạng đang nô nức khoe “thành quả” làm bánh trôi, chay dâng cúng tổ tiên của mình nhân dịp Tết Hàn thực. Năm nay có rất nhiều loại bánh trôi, bánh chay đẹp, độc được cư dân mạng khéo tay làm nên.

Tết Hàn Thực là ngày Tết diễn ra vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn, "Tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. 

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 1
Các loại bánh trôi, chay nhiều màu sắc rất được ưa chuộng bởi sự đẹp mắt. Hiện nay rất nhiều người tranh thủ bán bột ngũ sắc để nặn bánh trôi, chay khá tiện.

Được biết, ngày Tết này gắn liền với một điển tích Trung Quốc. Chuyện kể rằng, vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Trên đường lánh nạn, vua Tấn được hiền sĩ Giới Tử Thôi hết lòng phò trợ. Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng 19 năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Thậm chí, lúc lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi còn lén cắt một miếng thịt đùi của mình nấu dâng lên vua.

 Sau khi biết sự việc, vua Tấn đem lòng cảm kích vô cùng. Thế nhưng, khi đoạt lại ngôi báu, lúc phong thần cho những người có công, vua Tấn lại quên mất sự giúp đỡ của Giới Tử Thôi.

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 2
Các set bánh trôi, chay được sáng tạo với tên gọi trái đào và liên hoa được bán trên mạng sẵn cho người dùng mua về thắp hương.

Tuy vậy, Giới Tử Thôi vẫn không hề oán giận, ông trở về đưa mẹ già vào trong núi ở ẩn. Một thời gian sau, khi vua nhớ ra bèn cho người đi tìm nhưng Giới Tử Thôi không chịu về lĩnh thưởng. Vua thấy vậy hạ lệnh đốt rừng để ép ông phải ra mặt nhưng lại khiến mẹ con ông bỏ mạng chốn núi rừng vào đúng ngày 3/3 âm lịch. Cái chết của Giới Tử Thôi khiến vua đau lòng và ân hận. Vua Tấn cho lập miếu thờ, hạ lệnh kiêng dùng lửa suốt 3 ngày và chỉ ăn thức ăn nguội lạnh nấu sẵn. Hàng năm, cứ đến 3/3 âm lịch, người dân bị cấm dùng lửa nấu ăn, ngay cả việc làm cỗ cúng cũng phải làm từ hôm trước.

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 3
Những chiếc bánh trôi, chay truyền thống được điểm thêm những đoá hoa nhỏ xinh rất dễ thương.

Mặc dù bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng phong tục đón Tết Hàn thực đã được Việt hoá và hiện nay mang bản sắc Việt khá đậm đà. Ở Việt Nam hiện nay, người ta chỉ làm bánh trôi hay bánh chay để cúng gia tiên.

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 4
Bánh trôi saffaron có màu vàng ấn tượng và tốt cho sức khoẻ. 

Trên Wikipedia có viết, theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi vào ngày Hàn thực ở Việt Nam nhiều khả năng được du nhập từ thời Lê, thịnh hành vào giai đoạn Lê Trung Hưng- Nguyễn. Năm 1773, Lê Quý Đôn cho biết: "Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn".

Theo giải thích của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa (viết vào khoảng thế kỷ 16 thời Lê) giải thích: "Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh".

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 5
Một mâm cúng Tết Hàn thực màu hồng được cư dân mạng lan toả mạnh vì sự dễ thương và đẹp mắt. Bánh trôi trái đào năm nay rất được yêu thích. 

Ngày nay, cùng với việc đời sống ngày một tốt hơn, người ta không chỉ làm các loại bánh trôi truyền thống mà đã sáng tạo ra rất nhiều loại bánh trôi khác nhau kết hợp với các hương vị, nguyên liệu hiện đại giúp cho thị trường bánh trôi, chay trở nên phong phú, hấp dẫn. 

Bánh trôi độc lạ trong ngày Tết Hàn thực - ảnh 6
Cư dân mạng cũng rất chịu khó bày biện để có mâm cúng bánh trôi, chay dâng lên gia tiên.

Tin cùng chuyên mục

Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

Công an Hà Nội đình chỉ 2 cán bộ có dấu hiệu sai phạm

(PNTĐ) - Ngày 13/5, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với đồng chí Nguyễn Bình An, cán bộ Công an xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì để xác minh, làm rõ trách nhiệm trong vụ va chạm giao thông giữa 1 xe ô tô với 6 xe máy xảy ra tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì vào ngày 9/5/2025.
Lan tỏa hiểu biết để bảo vệ trẻ em

Lan tỏa hiểu biết để bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Sáng ngày 13/5, Trường THCS Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phối hợp cùng Chi nhánh số 4 - Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức buổi truyền thông về Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật liên quan đến trẻ em.