Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Nông thôn cần được xem là một miền di sản

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tham luận tại Hội thảo Văn hoá 2022, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Nông thôn cần được xem là một miền di sản - ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tham luận tại hội thảo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu một điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Đó là Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc. Saemaul Undong đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo nên sức bật cho cả đất nước Hàn Quốc. Điều đặc biệt được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa nhân loại. Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan tỏa toàn cầu? Đấy chính là nhận thức về văn hóa như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước.

Đồng chí Lê Minh Hoan cho biết, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đánh giá đã đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Đi xa lâu ngày trở về, bỗng thấy lạ mà hình như quen, ngỡ quen mà hình như sao thấy lạ. Nhưng nhìn nơi này nơi kia, hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức. Nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hóa”, lạc lõng với khung cảnh làng quê.

Kiến trúc truyền thống dựa vào phong thổ và văn hóa bản địa. Mỗi địa phương có thiên nhiên khác biệt. Mỗi dân tộc anh em trầm tích những bản sắc văn hóa riêng. Tuy nhiên, thật trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Đường hóa phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua: “Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong”.

Nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc. Nông thôn là nơi con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Những con đường làng quanh co, rộng thoáng, "cây chen lá, đá chen hoa”. Những mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo. Ao làng vừa lưu giữ truyền dấu tích một thời ngày xưa, vừa cân bằng nhiệt độ, không khí, môi trường sống cũng trong lành hơn. Con người hạnh phúc khi sống trong không gian tràn đầy cảm xúc, với những hình ảnh quen thuộc như thế.

Khi con người mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn, thì không tránh khỏi xung đột về lợi ích, tính cố kết cộng đồng dần mất đi. Khi ấy, “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy làm”, sự so đo, đố kỵ làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm. Con người luôn tồn tại hai trạng thái cảm xúc: Tích cực và tiêu cực. Văn hóa giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực. Cảm xúc tích cực giúp tạo ra xã hội nông thôn hài hòa.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Nông thôn cần được xem là một miền di sản - ảnh 2
Quang cảnh hội thảo

Nông thôn còn là không gian văn hóa. Văn hóa bao gồm vật thể và phi vật thể. Tất cả đều tạo ra cảm xúc cho người làng. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên “Phép nước”, mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện. Về mặt nào đó, “lệ làng” cũng là văn hóa đặc sắc ở nông thôn.

Đồng chí Lê Minh Hoan cho rằng, “Nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển. Tôi rất ấn tượng câu khẩu hiệu của đất nước làm nên kỳ tích Saemuel Udong: “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”. Theo đó, xây dựng nông thôn mới hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Làng quê giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa”.

Nông thôn cần được xem là một di sản. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản.

Nghi lễ tính ngưỡng, tâm linh dân gian, nếu biết phát huy, sẽ tạo ra dòng chảy tâm thức trong cư dân nông thôn. Lễ hội tịch điền, thờ phụng Thần nông, các vị Thần hoàng làng, tưởng nhớ tổ làng nghề,… là những nét văn hóa đậm chất nhân văn, nối kết con người với truyền thống lịch sử, giúp con người sống tử tế hơn, an bình hơn, văn minh hơn.

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: Nông thôn cần được xem là một miền di sản - ảnh 3
Quang cảnh hội thảo

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi “lấy người dân làm trung tâm”, cần xây dựng không gian sinh hoạt chung cho cư dân nông thôn. Đó là nơi trưng bày giới thiệu văn hóa vật thể và phi vật thể, lịch sử quá trình hình thành làng xã, phòng đọc sách, nông cụ truyền thống, sản phẩm làng nghề,…  Gần đây, nhiều nơi hình thành các không gian sinh hoạt cộng đồng như Hội quán, Ngôi nhà Trí tuệ, Nông hội,… với chức năng tương tự. Tính cộng đồng từ đây, tri thức hóa người làng từ đây, một cộng đồng cư dân làng hài hòa cũng được tạo lập từ đây.

Đồng chí Lê Minh Hoan cho rằng: “Xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người. Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa. Khi và chỉ khi văn hóa len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hóa” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hóa được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hóa mới mãi trường tồn”.

Đồng chí Lê Minh Hoan đề xuất với Hội thảo những kiến nghị, một là, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Chương trình nhằm cụ thể hóa Luật Di sản Văn hóa, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Chương trình huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại.

Hai là, cần có những chương trình giảng dạy văn hóa nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hóa dân tộc liên tục. Chúng ta đang đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như: Bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Đã có những đứt gãy văn hóa nông thôn.

Ba là, với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hóa nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Văn hóa không thể áp đặt một cách khiên cưỡng. Cần xây dựng những tiêu chí về văn hóa nông thôn có thể đo lường được. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa.

“Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa có ý nghĩa sâu sắc đến sự phát triển bền vững cho đất nước. Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như””- Đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.