Cảm ơn đời cho con có mẹ

Trâm Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mùa Vu Lan báo hiếu, nhiều bạn trẻ xúc động khi nghĩ về mẹ và những hy sinh mà mẹ đã dành cho mình. Và rồi khi được làm mẹ, họ lại càng thấy yêu mẹ, yêu con, trân trọng tình mẫu tử hơn bao giờ hết.

Mẹ mình là người không thích uỷ mị hay thể hiện tình cảm, lâu ngày gặp nhau, mẹ cũng rất ít khi nói những câu hình thức như “Mẹ thương con”, “Mẹ cảm ơn con”. Mình lại là kiểu người tình cảm, nên ngày bé mình luôn nghi ngờ tình cảm của mẹ, và rất nhiều lần khóc vì nghĩ mẹ không thương mình.

Những yêu thương gửi muộn của mẹ

Cũng vì nghĩ rằng bố mẹ hạn chế bộc lộ cảm xúc với mình nên Thùy Nhi (sinh viên học viện Ngân hàng) rất ít khóc trước mặt bố mẹ. Nhi kể, 18 năm ở nhà rồi lên Thủ đô học đại học, ở xa nhà, lần đầu tiên Nhi gọi điện cho mẹ để khóc là khi áp lực trường lớp, môi trường mới náo nhiệt khiến Nhi chưa kịp hòa nhập. “Ban đầu, mình chưa dám chia sẻ với mẹ, vì nghĩ kể cả có nói thì mẹ cũng sẽ không động viên mà còn mắng lại mình nữa ấy. Nhưng rồi không hiểu sao, bấm máy gọi cho mẹ mà nước mắt cứ thế tuôn ra. Rồi nghe tiếng mẹ là mình tủi thân luôn, khóc òa”. Điều khiến Nhi bất ngờ là mẹ không hề mắng. Kể cả lúc Nhi nói có môn bị điểm kém, nếu cứ cái đà điểm kém đó thì cô sẽ bị học lại. Rồi Nhi khóc vì không hiểu tại sao đã cố gắng như vậy mà điểm vẫn kém...

“Nghe mình nức nở xong, mẹ bảo “thôi bỏ đi, nín đi con, còn có mẹ mà, học lại thì mẹ cho tiền”. Giữa những tiếng nấc của mình là lời mẹ cứ nhắc đi nhắc lại như thế. Rồi mẹ khóc theo mình luôn. Lần đầu mình thấy mẹ khóc vì mình, bao nhiêu nghi ngờ lo sợ trước đây biến mất hết. Mình không còn buồn nữa, mà lòng ngập tràn hạnh phúc và động lực cố gắng”, Nhi cho biết. Cô bạn cũng tâm sự, sau lần đó, Nhi đã hiểu hơn về tình cảm gia đình, không còn cảm thấy cuộc sống nhạt nhòa nữa. Tình cảm của mẹ đã nhắc Nhi hãy luôn cố gắng sống tốt để mẹ được yên lòng.

Năm nay 23 tuổi, Hoài Thu (phố Trương Định, quận Hoàng Mai) mới được đọc những dòng tâm sự mẹ dành cho mình ở tuổi 14. Thì ra, từ 9 năm trước, mẹ của Thu đã có thói quen viết cho Thu và lưu vào máy tính cá nhân. “Mãi đến bây giờ mẹ mới gửi cho mình xem. Mình của tuổi 14 có thể không hiểu hết được những điều mà mẹ mong mỏi, có lẽ còn quá ngây thơ, còn quá dại khờ”.

Cảm ơn đời cho con có mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trong những dòng tâm sự của mẹ, Thu thấy một lá thư mẹ viết hồi Thu sinh nhật tròn 14 tuổi. “Con gái yêu của mẹ. Sinh nhật con, mẹ chuẩn bị cho con một cái bánh sinh nhât và tự tay nấu bún Huế con thích dù mẹ rất mệt. Con gái biết không, mẹ muốn gửi tất cả vào đó, tình yêu, niềm tin, kỳ vọng, cả những ân hận của mẹ, mong con có một sinh nhật thật ý nghĩa. Mẹ muốn làm cho con nhiều hơn thế nữa...

Con sẽ cảm nhận được cuộc sống không hề đơn giản, con đường con sẽ đi cũng không hề bằng phẳng, láng mịn. Nhưng con đừng lo sợ, cũng đừng để lòng mình chán nản, bi quan. Mẹ nghĩ, không điểm tựa nào vững chắc hơn giá trị của chính con. Hãy nhìn vào sự có mặt trên đời của mình để đứng dậy và đi tiếp, con nhé!”.

Hoài Thu tâm sự rằng, ở tuổi 23 - cái tuổi lưng chừng vừa bước vào đời, còn nhiều non nớt trong khi trăm ngàn sóng gió đang chờ đợi, lá thư cũ của mẹ mà cô vừa được biết đã giúp cô mạnh mẽ hơn, tự tin hơn vào bản thân mình để bước tiếp.

Có con giúp cuộc đời mẹ ý nghĩa hơn

Con trai nhỏ chính là người đã làm Thanh Thảo (phố Trung Kính, quận Cầu Giấy) thay đổi nhiều nhất trong mấy năm qua. “Với một người “khô khan vốn sẵn tính trời” như mình, thì nói lời yêu thương, cưng nựng con thực sự là một thử thách đấy. Nhưng đúng là một khi đã làm mẹ thì “không gì là không thể” làm được”, Thảo nói.

Bà mẹ trẻ kể rằng, từ khi đứa con ra đời là cô quên ngay ước mơ bay nhảy, vùng vẫy trong đam mê, mà chỉ ước mơ “đêm nay nó ngủ cho mình ngủ”. “Làm mẹ là một tổ hợp “làm rất nhiều nghề”: Trước đây mình có xem một cuộc thi hoa hậu, trong đó có câu hỏi phỏng vấn là “Theo bạn, nghề nào là vĩ đại nhất?”, người chiến thắng là người có câu trả lời “Đó là nghề làm mẹ”. Lúc đó, mình cũng không nghĩ gì, chỉ nghĩ cô này đẹp với chắc trúng tủ. Bây giờ mới thấy, làm mẹ là kiêm nhiệm rất nhiều nghề: Ngoài nghề kiếm sống còn là đầu bếp, thợ làm bánh, làm thợ thủ công, photographer rồi thì designer... và làm nghề nào thì cũng phải có tâm nhất”.

Cảm ơn đời cho con có mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thảo còn nói, làm mẹ cũng giống như con tắc kè hoa thay đổi liên tục, phút trước thì đóng vai xe lửa tu tu, phút sau đã là xe cảnh sát, phút trước mới là cô bé quàng khăn đỏ, phút sau đã là con chó sói, phút trước mới nói “thương con, yêu con”, phút sau đã lườm yêu con ngay được vì dỗ mãi mà nó không chịu ăn, chịu ngủ cho...

Thảo rất yêu những đêm về ngắm con ngủ, nhớ lại mấy câu chuyện không đầu không cuối của hai mẹ con, cô lại cười tủm tỉm: Ví dụ như “Bé có thương mẹ không?”, thì con cô trả lời: “Thương mẹ”; “Thương mẹ nhiều không”. “Nhiều lắm”. Rồi lại nhớ hồi con mới tập nói, cứ nói lắp, nói lẫn lộn hết cả, làm mẹ phải vận dụng hết sự sáng tạo để hiểu được. “Rất nhiều câu chuyện như vậy, có những chuyện dở khóc dở cười, mà nghĩ lại thì thấy sao mà đáng yêu và buồn cười quá. Có hôm trước khi đi ngủ, nó ra vẻ rất suy nghĩ rồi khen: Mẹ ngoan lắm, Thảo cười.

Với Thảo, con trai là người bạn đồng hành trong cuộc đời. “Mẹ con mình đã trải qua 4 năm đầy trải nghiệm với nhau: Giai đoạn khủng hoảng giấc ngủ của con, thời kỳ ăn dặm vui vẻ, thời kỳ tập đi, tập nói, thời kỳ bỡ ngỡ đi học cùng nhau. Chúng mình cũng đã đi du lịch nhiều nơi với nhau, cùng tập bơi, cùng chạy bộ và rồi con hết khủng hoảng tuổi lên 2 lại đến khủng hoảng tuổi lên 3, mẹ khủng hoảng tuổi lên 30, tuổi lên 31.

Mẹ từng bước giúp con nhận thức cuộc sống này, còn con giúp mẹ biết nhẫn nhịn và yêu thương nhiều hơn”. Từ khi làm mẹ, Thảo thấy mình có thể gánh cả thế giới trên vai vì con mà không đòi hỏi bất cứ một sự đãi ngộ nào. “Cuộc sống là một dòng sông, có con trở thành biển, cảm ơn con vì con đã đến bên mẹ, đến bên gia đình mình”.

Tình yêu thương của mẹ giống như sợi dây vô hình kết nối những đứa con với gia đình. Với Nhật Khang (phường Dương Nội, quận Hà Đông), càng lớn lên, càng trải nghiệm nhiều, Khang càng nhận ra, bố mẹ mình cũng từng là những đứa con, cũng từng âm thầm mong được bố mẹ của họ công nhận, động viên, ủng hộ. “Mình từng không chắc là mình hiểu mẹ. Rồi mình nghĩ, mẹ mình thì cần sự công nhận ở cái gì chứ?”. Và Khang nhớ ra, có lần mẹ nói rằng, “Mẹ sống đến tầm tuổi này chẳng làm được gì cho đời. Đẻ được 2 đứa con, thế là hết”.

Hay những lúc mẹ vô thức đặt ước mơ của bản thân mà mẹ đã từ bỏ lên Khang, sự hối hận vì đã kết hôn quá sớm mà không có chút thời gian nào để tìm hiểu chính mình...  Khang càng thương mẹ hơn. “Nên mình chỉ muốn nói rằng, những người mẹ đều rất vĩ đại vì đã sinh ra những đứa con, để chúng được trải nghiệm tất cả những điều hay ho trên cuộc đời này”, Khang tâm sự.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phát triển bền vững du lịch Thu Hà Nội

Phát triển bền vững du lịch Thu Hà Nội

(PNTĐ) - Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Thu Hà Nội năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử”, chiều 19/9 tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm “Điểm đến du lịch Thu Hà Nội”, lấy chất liệu là mùa thu Hà Nội - mùa đẹp nhất trong năm làm chủ đề để khai thác nội dung và sản phẩm du lịch đặc thù của riêng Hà Nội.
 Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11/2024

Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 sẽ diễn ra vào tháng 11/2024

(PNTĐ) - Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11, với chủ đề "Giao lộ sáng tạo". Việc tổ chức các hoạt động nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Những “viên gạch” xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hòa bình

Những “viên gạch” xây dựng Thủ đô xanh, văn minh, hòa bình

(PNTĐ) - Thủ đô Hà Nội - trái tim của Tổ quốc Việt Nam với hơn 1.000 năm văn hiến đã và đang vươn mình mạnh mẽ cùng sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và thế giới. Không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, Hà Nội còn được mệnh danh là “Thành phố vì hoà bình”.