Cơ hội của hàng “Made in Vietnam”
PNTĐ-Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, nhiều người tiêu dùng cho biết, họ cảnh giác với hàng hóa Trung Quốc.
Không mua vì sợ chất lượng kém
Trên thị trường, ghi nhận thực trạng ế ẩm của các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc như: đồ chơi trẻ em và rau, củ, trái cây... Đặc biệt là trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc từ lâu đã để lại ấn tượng không tốt đẹp với người tiêu dùng trong nước.
Điển hình là năm 2012, Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT đã phát hiện 14 mẫu cam, quýt, nho, mận, khoai tây Trung Quốc còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, người tiêu dùng càng đề phòng hơn với loại hoa quả có nguồn gốc xuất xứ từ nước này.
“Thực mục sở thị” tại chợ đầu mối Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, chúng tôi thấy các chủ bỏ mối buôn luôn phải trả lời câu hỏi: “Hàng Trung Quốc hay hàng mình đây?”…
![]() |
Ngay cả khi mua tại siêu thị người tiêu dùng cũng soi rất kỹ để không mua phải hàng Trung Quốc chất lượng kém |
Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Dịch Vọng, Cầu Giấy thì mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn hàng hóa nhập về chợ, trong đó đến 96% là hàng Việt. Trước đây, hàng Trung Quốc cũng khá nhiều nhưng thời gian gần đây giảm hẳn vì nhập về là ế, không bán được.
Bà Lý Thị Nhân, chủ cửa hàng bán trái cây, chợ Thành Công, Hà Nội cho biết: “Chủ trương của tôi bây giờ là bán trái cây nội địa, vừa tươi, vừa ngon lại nhiều khách đặt hàng. Trái cây Trung Quốc bây giờ hầu như không có người hỏi”.
Chị Lý Huyền Minh, chủ sạp trái cây ngõ 29, phố Vũ Thạnh, quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người tiêu dùng cũng đã từ bỏ tâm lý tham rẻ mua hoa quả Tàu chất lượng trời ơi mà mua hoa quả nội địa để ủng hộ hàng Việt với chất lượng ngày càng hoàn thiện”.
Nhiều người kinh doanh trái cây được hỏi cũng thẳng thắn rằng nhiều ngày nay họ không nhập hàng Trung Quốc nữa vì không có khách mua.
Kết hợp với hành động
Kết hợp với hành động
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích: "Nếu tẩy chay hàng Trung Quốc và Trung Quốc cũng áp dụng chính sách ngược lại thì sự thiệt hại sẽ đến với cả hai nước. Nhưng khách quan mà nói về cán cân thương mại, Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu. Người tiêu dùng chỉ nên tẩy chay những mặt hàng Trung Quốc do chất lượng kém, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Chúng ta vẫn có thể nhập hàng hóa này ở nước khác với chất lượng đảm bảo hơn".
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội phân tích: Con số thống kê đã cho chúng ta thấy là có đến 80% hàng nhập lậu có xuất xứ từ Trung Quốc. Có rất nhiều nhóm hàng Trung Quốc đang được bày bán tràn lan tại thị trường trong nước mà trong số đó phần lớn là hàng lậu. Những mặt hàng đó là đồ may mặc, đồ chơi, thực phẩm, linh phụ kiện điện tử, điện lạnh… chất lượng kém nhưng tiêu thụ vẫn lớn là do dân ta vẫn nhiều người còn có thu nhập thấp. Vì vậy, muốn thay thế hàng Trung Quốc thì song song với nó cũng phải nâng dần chất lượng sống của người dân lên.
“Tôi thấy mừng vì người dân đã có ý thức quay lưng lại với hàng chất lượng thấp vì đây sẽ là cơ hội rất tốt cho hàng Việt Nam. Mong rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ biết tận dụng cơ hội này để hàng Việt ngày càng khẳng định được uy tín, chỗ đứng của mình trên thị trường” - ông Phú chia sẻ.
Một số chuyên gia kinh tế được hỏi cũng cho rằng, để thay đổi cục diện thị trường trong nước, không chỉ cần sự nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp Việt mà còn cần đến sự đoàn kết chung tay của cả cộng đồng. Thời điểm này cần có người nhạc trưởng đứng lên tạo sự liên kết, cũng hợp tác sản xuất, phân phối đủ mạnh.
Tuệ Minh