Điều trị F0, cách ly f1 tại nhà: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Chia sẻ

UBND thành phố (TP) Hà Nội vừa ban hành Phương án số 276/PA-UBND về cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm Covid-19 trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm Covid-19 được tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất với dịch vụ y tế và chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cũng như vật chất.

Trường hợp F0 nào được điều trị tại nhà?

Theo Phương án số 276, đối tượng quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi… Độ tuổi người nhiễm gồm: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.

Khi người nhiễm Covid-19 (F0) có nguyện vọng được cách ly y tế, điều trị tại nhà phải có đơn đăng ký gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn tại nơi cư trú. Qua quá trình thẩm định, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F0.

Về cơ sở vật chất cách ly y tế tại nhà là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư; trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”; phải có phòng cách ly riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Phòng cách ly phải đáp ứng các yêu cầu: có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn; có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân trong phòng; không được dùng điều hòa trung tâm, có thể dùng điều hòa riêng; bảo đảm thông thoáng khí, tốt nhất nên thường xuyên mở cửa sổ...

Người thực hiện cách ly, điều trị phải chấp hành nghiêm các quy định về thời gian, điều kiện về cách ly y tế tại nhà, có cam kết với chính quyền địa phương. Sau khi hết thời gian cách ly, phải thực hiện tiếp việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định; phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly…

Yêu cầu với người ở cùng nhà với F0 cách ly tại nhà: Không tiếp xúc với người cách ly, hạn chế đi ra ngoài khi không cần thiết, thực hiện thông điệp “5K”; tất cả người ở cùng nhà phải được lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi người cách ly bắt đầu cách ly...

Thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tại một phường của Hà Nội kiểm tra, giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà.Thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tại một phường của Hà Nội kiểm tra, giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà. (Ảnh: Phạm Đông)

Chủ trương… cần được cụ thể hóa

Khẳng định chủ trương cho phép cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà của Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn, nhưng PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh: Lúc này rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ của y tế trong việc công khai quy trình hướng dẫn.

Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn chung áp dụng cho cả nước về điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được. Vì vậy, Sở Y tế cần cụ thể hóa các hướng dẫn đó thật dễ hiểu, dễ tiếp nhận; đồng thời có phương pháp phổ biến đến từng người dân một cách thống nhất… Nếu chưa đủ thông tin, không biết cách xử lý khi mình hoặc gia đình có người trở thành F0 thì người dân rất dễ hoang mang, hoảng loạn. Trường hợp cách ly, điều trị F0 tại nhà không tốt có thể khiến dịch bệnh tăng cao, giảm khả năng tiếp cận y tế của người dân, dẫn đến bệnh tăng nặng, nguy cơ tử vong rất dễ xảy ra” - PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhận định.

Giải quyết vấn đề trên, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, người dân phải có tâm thế sẵn sàng, chủ động đặt mình vào các tình huống cụ thể để có giải pháp ứng phó như: Nếu mình trở thành F0 thì phải làm sao? Hàng xóm xung quanh là nguồn lây nhiễm phải chuẩn bị gì? Mỗi gia đình cũng cần xem lại điều kiện của mình có đủ để cách ly tại nhà hay không? Có người già cao tuổi mắc bệnh lý nền không, có ai tiêm chưa đủ liều không?…

Tuy nhiên, muốn người dân sẵn sàng, trước hết chính quyền, y tế cơ sở, các tổ dân phố, tổ Covid-19 cộng đồng, các ban quản lý tòa nhà chung cư… phải chủ động và sẵn sàng trước một bước; vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền cho người dân biết đầy đủ thông tin về: Buồng cách ly phải như thế nào, cách ly tại nhà cần phương tiện gì, người cách ly bắt buộc làm gì, không làm gì, thành viên khác trong gia đình có người cách ly phải làm sao khi ở nhà và ra ngoài, tiên liệu tình huống nếu mình là F0 thì liên hệ ai, như thế nào, bệnh viện nào?...

Bên cạnh đó, PGS.TS Hùng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tổ chức tốt hệ thống y tế hỗ trợ từ bên ngoài: Tổ y tế cộng đồng, đường dây tư vấn (ví dụ danh sách và số điện thoại của CDC thành phố, Trung tâm y tế quận/huyện, Trạm y tế phường/xã, các bệnh viện của Hà Nôi, đường dây nóng…) để người dân liên lạc được ngay với y tế khi cần thiết chứ không phải đi tìm. Hệ thống y tế cũng cần nắm bắt, cập nhật được tình hình sức khỏe của người bệnh, phát hiện kịp thời dấu hiệu trở nặng để đưa đến cơ sở y tế, tránh bị mất dấu F0.

Cán bộ Trạm y tế phường Ngọc Thụy lập danh sách các trường hợp liên quan để test Covid-19 và rà soát điều kiện cách ly F1, điều trị FO tại nhà.Cán bộ Trạm y tế phường Ngọc Thụy lập danh sách các trường hợp liên quan để test Covid-19 và rà soát điều kiện cách ly F1, điều trị FO tại nhà. (Ảnh: Phạm Đông)

Tăng cường lực lượng tham gia giám sát

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu điều trị tăng, chính quyền các quận/huyện trên địa bàn thành phố đã thiết lập nhiều giải pháp ứng phó, trong đó chuẩn bị sẵn sàng cho F0 điều trị tại nhà theo phương án do UBND thành phố ban hành.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế rút ra từ việc cách ly F1 tại nhà thời gian qua cho thấy, nhiều gia đình, địa bàn chưa thực sự đáp ứng đủ yêu cầu theo tiêu chí điều kiện được cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Đơn cử tại quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Chủ tịch UBND quận cho biết: Qua rà soát, thống kê sơ bộ, chỉ có khoảng 3.900 hộ/37.000 hộ (khoảng 10,5%) trên địa bàn đủ điều kiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà theo quy định. Do đặc trưng dân số đông, nhà ở san sát, lại có khu phố cổ, phố cũ, chưa đảm bảo nhà vệ sinh riêng, phòng riêng nên tỷ lệ đủ điều kiện cách ly không cao.

Bên cạnh đó, hiện tại, lực lượng chức năng tại cơ sở rất mỏng, khó đáp ứng được việc giám sát, theo dõi trường hợp cách ly, điều trị F0 tại nhà nếu thực hiện quy mô lớn. Trong khi để ra quyết định cho phép F0 điều trị tại nhà, cần xem xét rất nhiều yếu tố và có sự tham mưu của ngành y tế với quy trình kiểm soát chặt chẽ, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Là một trong những địa bàn sớm triển khai cách ly F1 tại nhà, thời gian qua, phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng đã chủ động trong thu dung, điều trị F0 tại Trạm y tế lưu động, sẵn sàng cho phương án điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, Bà Đồng Thị Thủy - Trưởng trạm Y tế phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) chia sẻ: “Vì lực lượng y tế tại cơ sở rất mỏng nên cần có sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng khác như thanh niên, bảo vệ dân phố... để có thể đáp ứng được việc giám sát, theo dõi người cách ly nếu thực hiện quy mô lớn. Đồng thời, để việc cách ly tại nhà được hiệu quả, điều cần nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc tuân thủ các hướng dẫn của trạm y tế. Từ đó, tạo thuận lợi cho việc cách ly F1 tại nhà, tiến tới cách ly và điều trị cho các trường hợp F0 thể nhẹ và không có triệu chứng. Địa phương cũng khuyến khích các gia đình lắp camera để giám sát người cách ly”.

YÊN HƯNG - ĐÔNG PHẠM

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.