Đồ chơi Trung thu truyền thống lên ngôi

Chia sẻ

PNTĐ-Với giá thành hợp lý, mẫu mã và màu sắc lôi cuốn, đồ chơi truyền thống Việt Nam trở nên đắt khách vượt trội so với hàng ngoại nhập.

 
Trung thu đang đến gần cũng là thời điểm thị trường đồ chơi rất sôi động bởi đi liền với mâm cỗ trông trăng, trẻ con đều háo hức, chờ đợi để được vui chơi, sáng tạo cùng những đồ chơi mới lạ, ý nghĩa.
 
Đồ chơi Trung thu truyền thống lên ngôi - ảnh 1
Người dân tham quan mua sắm đồ chơi Trung thu tại phố Hàng Mã, 
quận Hoàn Kiếm

 
Trên thị trường, các mặt hàng đồ chơi Trung thu năm nay đa dạng về chủng loại và mẫu mã, được bày bán ở những vị trí bắt mắt, thu hút. Từ những món đồ chơi truyền thống như đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ, đầu lân đến những món đồ chơi giúp trẻ phát triển trí não như bộ bút màu, vở tập vẽ hay đồ chơi ghép hình…
 
Qua khảo sát, giá các mặt hàng đồ chơi truyền thống của Việt Nam dao động trong khoảng từ 40.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Với giá thành hợp lý, mẫu mã và màu sắc lôi cuốn, đồ chơi truyền thống Việt Nam trở nên đắt khách vượt trội so với hàng ngoại nhập. Nhiều nhân vật như Chí Phèo, Thị Nở, chú Tễu... đến các hình thù ngộ nghĩnh như: cá chép, ông sao, đèn kéo quân là những sản phẩm bán chạy hơn cả.
 
Chị Đỗ Thị Phương Mai (quận Hai Bà Trưng) đang tìm mua đồ chơi Trung thu cho lớp của con gái 9 tuổi, cho biết: “Tôi chọn đồ chơi truyền thống cho các con chơi dịp Tết Trung thu bởi tính thân thiện, chất liệu an toàn. Mỗi món đồ chơi truyền thống gắn liền với một câu chuyện, sự tích… mà khi chơi, các con sẽ có cơ hội tìm hiểu, để biết thêm về lịch sử, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Từ đó, các con sẽ có thêm kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, hồn nhiên, tránh xa tác hại của đồ chơi điện tử”. 
 
Theo một số chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã, giá đồ chơi truyền thống năm nay ở mức ổn định. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất đồ chơi truyền thống hiện nay đã bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng, nên không ngừng thay đổi mẫu mã, tăng chất lượng sản phẩm để mặt hàng có sức cạnh tranh cao hơn. Các sản phẩm như đầu lân, trống gỗ, đèn ông sao là những món đồ chơi gắn liền với yếu tố dân gian, cổ tích, phim hoạt hình của người Việt nên trẻ nhỏ cũng như người lớn tỏ ra rất thích thú với các mặt hàng này. 
 
Vào tháng 8 âm lịch cũng chính là mùa “chạy sô” của các nghệ nhân nặn tò he - trò chơi đất nặn truyền thống và an toàn để trẻ em rồi cả người lớn thể hiện sự sáng tạo, khéo léo. Những đồ chơi từ tò he từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm truyền thống hấp dẫn bổ ích hút khách ở chợ trung thu Hàng Mã. Anh Văn - nghệ nhân nặn tò he cho biết: “Năm nay, mình nặn nhiều nhân vật hoạt hình gần gũi với trẻ em nên mỗi ngày cũng bán được khoảng trên dưới trăm chiếc, loại tò he đính trên bút chì có giá 25.000 - 35.000 đ/chiếc được nhiều em nhỏ ưa chuộng”.
 
Tuy nhiên, dạo phố chơi Trung thu, bên cạnh những sản phẩm đồ chơi truyền thống, có ý nghĩa vẫn còn bóng dáng sản phẩm đồ chơi trẻ em không có bao bì, một số loại thậm chí đã cũ, xỉn màu, tem nhãn có dấu hiệu bong tróc và đồ chơi bạo lực… Trước mùa cao điểm Trung thu, qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường TP phát hiện xe ô tô BKS 77C-141.13 vận chuyển 20.000 sản phẩm hàng hóa là đồ chơi trẻ em các loại không gắn dấu CR, có tính chất bạo lực không phù hợp với trẻ em.
 
Thực tế này cho thấy, vì lợi nhuận nên các đối tượng cố tình kinh doanh lén lút mặt hàng này, nhất là khi thương mại điện tử phát triển, việc mua bán đồ chơi bạo lực trên mạng ngày càng nhiều khiến lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý.
 
Để ngăn chặn đồ chơi bạo lực, Đại úy Nguyễn Minh Hiếu - Phó trưởng CA phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cho biết, lực lượng công an đã phối hợp với quản lý thị trường quyết liệt trong công tác kiểm tra, kiểm soát, thu giữ những mặt hàng đồ chơi bằng nhựa mang tính bạo lực như: súng, dao, kiếm, đồ chơi kinh dị, phản cảm… Những ngày đầu, một số hộ bày bán với số lượng ít, sau khi được nhắc nhở, tuyên truyền thì đã chấm dứt kinh doanh. Những hàng hóa đồ chơi này được lực lượng chức năng thu giữ và có kế hoạch tiêu hủy theo đúng quy định.
 
Quỳnh Anh 
 
 

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.