Đoàn kết dồn sức, tăng tốc để dập dịch

Chia sẻ

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính Phủ để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách, cách ly xã hội, các tỉnh, thành phố phải tận dụng tối đa "thời gian vàng" để tăng tốc khoanh vùng, làm sạch các vùng dịch, ổ dịch trong cộng đồng, ngăn chặn ổ dịch mới để hình thành các "vùng xanh" an toàn, vững chắc, nhanh nhất. 

Đoàn kết dồn sức, tăng tốc để dập dịch - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long cho biết: Hiện nay, dịch đang ở giai đoạn tấn công. Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh và làm gia tăng ca nhiễm trong thời gian rất ngắn, gây áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Dự báo dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm có thể sẽ tăng nhanh. Do đó, các địa phương phải nâng cao cảnh báo phòng, chống dịch lên rất cao, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, với các địa phương có nhiều ca nhiễm phức tạp phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, tuyệt đối không được "chặt ngoài, lỏng trong", mà phải "chặt ngoài, chặt trong" mới có thể giảm được ca mắc mới, nếu không sẽ rất khó khăn. 

Như vậy, việc tận dụng tối đa "thời gian vàng" giãn cách, cách ly xã hội để khoanh vùng dập dịch là một trong những giải pháp tối ưu trong bối cảnh này. Dù tình trạng này đã và đang khiến cho đời sống nhân dân, người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gặp khó khăn không ít. Điều này đòi hỏi chính quyền và nhân dân cùng có sự phối hợp, đoàn kết, chia sẻ để cùng vượt qua. 

Trước tình hình đó, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch. Trong Lời kêu gọi, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng". 

Để dồn sức và tăng tốc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, Nghị quyết kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã được biểu quyết thông qua. Trong đó, Chính phủ và Thủ tướng được trao thêm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn. Quốc hội cũng đã đồng ý cho Chính phủ được áp dụng các biện pháp chưa được luật quy định, hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành như: Được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất… Việc trao thêm quyền cho Chính phủ đã thể hiện sự đồng hành của Quốc hội và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng, chống dịch Covid-19. Công điện nêu rõ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả các biện pháp cụ thể phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương. Tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7/2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Tổ chức hỗ trợ cung cấp ngay, đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Tổ chức hỗ trợ y tế cần thiết cho mọi người dân. Hỗ trợ người dân tỉnh mình đang ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đang có dịch diễn biến phức tạp, có số lượng ca mắc lớn. Tổ chức tiêm vắc-xin nhanh, đúng đối tượng, an toàn, hiệu quả, không để vắc-xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho, lựa chọn vắc-xin… 

Dịch bệnh Covid-19 đang đặt chúng ta vào tình thế chưa từng có. Chính quyền các cấp phải đối diện với những thách thức lớn trong phòng, chống dịch mà vẫn phải đảm bảo sinh kế cho người dân. Việc dồn sức và tăng tốc trong công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới phải tránh quan liêu, xa dân, phải có cách tiếp cận mới, các giải pháp cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Đúng như tinh thần quán triệt của Thủ tướng là "rõ, nghiêm, chắc, hiệu quả". 

HẠ THI

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.